Kỷ niệm 35 năm UNESCO tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Một nghị quyết không có phiếu trắng, phiếu chống

Mỹ Hằng Chủ nhật, ngày 11/09/2022 21:03 PM (GMT+7)
Nhân dịp kỷ niệm 35 năm UNESCO ra nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh,bạn bè quốc tế dành nhiều lời ca tụng Hồ Chủ tịch và di sản vĩ đại của Người và cho rằng di sản Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị tới ngày nay.
Bình luận 0

Hồ Chí Minh – nguồn tri thức vô tận

"Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành toàn bộ cuộc đời cho sự nghiệp cứu nước, đóng góp cho cuộc đấu tranh vì hòa bình độc lập dân chủ của thế giới" - bà Miki Ozawa – Trưởng ban Giáo dục Văn phòng UNESCO VIệt Nam phát biểu tại Hội thảo tuần qua kỷ niệm 35 năm Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ra Nghị quyết 24C/18.65 tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh- "Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam" (1987-2022).

Đại diện UNESCO khẳng định rằng, di sản Hồ Chí Minh tương  thích với các ưu tiên tầm quốc tế của UNESCO. Về văn hóa: Hồ Chủ tịch quan tâm bảo tồn các di sản văn hóa, ký quyết định bảo vệ các di sản, quan tâm bảo tồn nghệ thuật truyền thống, quan tâm sự đa dạng văn hóa, giao thoa văn hóa, quan tâm đảm bảo quyền lợi văn hóa truyền thông của Việt Nam.

Kỷ niệm 35 năm UNESCO tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Một nghị quyết không có phiếu trắng, phiếu chốn - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cháu thiếu nhi. Ảnh tư liệu.

Về báo chí và truyền thông: Hồ Chủ tịch quan tâm đến tự do biểu đạt, đưa ra tuần báo Người cùng khổ, thiết lập tờ báo cách mạng đầu tiên… Người đã giới thiệu đường lối làm báo mới trong nước…

Về bình đẳng giới: Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm chống phân biệt đối xử, trao quyền cho phụ nữ. Người là một trong số ít lãnh đạo toàn cầu triển khai luật lệ bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ như quyền bầu cử, giáo dục…

Về khoa học tự nhiên, Người có những quan ngại về quan hệ môi trường và phát triển; Người khuyến khích trồng cây khi có thể…

Về giáo dục: Hồ Chủ tịch đã xóa mù chữ, khuyến khích đọc và viết, khuyến khích viết trên mặt đất bằng than và lá chuối, nhân mạnh nhiệm vụ cung cấp sách báo cho người dân.

Di sản Hồ Chí Minh vẫn còn giá trị quan trọng tới ngày nay – đại diện của UNESCO tại Việt Nam nói.  

Phát biểu qua video tới Hội thảo, Giáo sư Vladimir Kolotov – Viện trưởng  Viện Hồ Chí Minh, trưởng khoa lịch sử ĐH Viễn Đông Nga đã nhắc lại di sản của  Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân loại trong lĩnh vực quân sự. Ông khẳng định Người là một vị anh hùng dân tộc, người tìm ra con đường giải phóng dân tộc

Trong khi đó, cũng bằng hình thức phát biểu qua video, Hiệu trưởng trường một trường quân sự Venezuela – một trong những đại học lớn nhất của nước này, cũng nhắc lại rằng các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của Việt Nam là tấm gương cho các dân tộc khác trên thế giới noi theo.  "Hồ Chủ tịch là con người vĩ đại thay đổi thế giới, giành chiến thắng trước chủ nghĩa thực dân" – vị Hiệu trưởng nói.

Đại sứ Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolas Hernández Guillé khẳng định: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn tri thức vô tận cho các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới".

Phó Đại sứ Lào tại Việt Nam Chanthaphone Khammanychanh khẳng định: Tình cảm sâu đậm người dân Lào dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nguyên vẹn. Nhiều di tích tưởng niệm Người  đã được xây dựng ở Lào.

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho rằng Di sản Hồ Chí Minhcó nhiều đóng góp quan trọng cho Việt Nam hiện đại, trong các chính sách về văn hóa, giao dục, khoa học – đúng như trọng tâm hoạt động của UNESCO.

UNESCO  tự hào và đồng hành với Việt Nam trong giáo dục, ưu tiên bình đẳng giới. Bảo vệ di sản của Người là di sản chung của nhân loại - đây là một phương thức tốt nhất để tưởng nhớ vinh danh di sản Hồ Chí Minh.

Một nghị quyết không có phiếu trắng, phiếu chống

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, người cách đây 35 năm là Chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam, nhớ lại: Việt Nam đã chuẩn bị rất cẩn thận đề án đề nghị UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhưng điều đó cũng khiến các cán bộ ngoại giao Việt Nam cảm thấy những thách thức to lớn:  "Năm 1987, Việt Nam trong giai đoạn khó khăn, lạm phát ba con số, bị bao vây cấm vận, quan hệ ngoại giao chưa được mở rộng. Đứng trước khó khăn như vậy, làm thế nào để chúng ta có thể tranh thủ được sự ủng hộ của tuyệt đại đa số các nước để tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi hết sức lo lắng về việc này" - nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhớ lại.

Kỷ niệm 35 năm UNESCO tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Một nghị quyết không có phiếu trắng, phiếu chốn - Ảnh 2.

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đeo chiếc thẻ đại biểu tham gia kỳ họp thứ 24 Đại hội đồng UNESCO năm 1987 tại Hội thảo quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh với nhân loại”, ngày 6/9. Ảnh: baoquocte.

Ông đã tới Paris dự Hội nghị của Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 năm 1987, gặp gỡ các lực lượng tiến bộ của Pháp, trí thức, kiều bào người Việt Nam và đặc biệt là Ban thư ký UNESCO tại đây nhằm vạch ra kế hoạch vận động hiệu quả.

Cùng thời gian đó, ông Niên còn nhận thêm nhiệm vụ Trưởng đoàn Việt Nam tại Đại hội đồng LHQ tại Mỹ thay cho Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Khi đang tham dự phiên họp của Đại hội đồng LHQ, ông nhận điện khẩn yêu cầu sang Paris gấp vì tình hình cần vận động quyết liệt.

Tới Paris, việc làm đầu tiên của ông là gặp Tổng Giám đốc UNESCO lúc đó - nguyên Thủ tướng Senegal, một người rất có cảm tình với Việt Nam.

Tổng Giám đốc UNESCO khi ấy nói: "Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là lãnh tụ của Việt Nam mà còn là lãnh tụ của nhân dân các nước đang đấu tranh cho hòa bình, độc lập, tự do. Cho nên ông đừng lo, các nước châu Á, Phi, các nước Mỹ Latinh đều ủng hộ Việt Nam".

Khi các các bộ ngoại giao Việt Nam gặp gỡ đại diện các nước này để vận động, đúng như lời Tổng Giám đốc UNESCO nói, các nước đều có  có cảm tình với Việt Nam và đặc biệt là rất quý trọng, tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"Có  đại biểu Châu Phi nói với tôi: Không có thắng lợi của Việt Nam, chúng tôi không thể ngồi tại đây" – nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cho biết. "Khi nghị quyết về kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được đưa ra, tuyệt đại đa số đại biểu ủng hộ, không có phiếu trắng, không có phiếu chống. Chúng tôi vô cùng xúc động và cảm ơn các nước".

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh: "Hồ Chí Minh đã để lại di sản vô cùng to lớn và giành được sự mến mộ của nhân dân thế giới".

Với những di sản vĩ đại như vậy của nhà lãnh đạo, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh, Đại sứ Nguyễn Phương Nga – Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam cho rằng, việc lan tỏa giá trị di sản Hồ Chí Minh tới nhân dân thế giới  là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại. Di sản Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, sức sống với thời đại, đó là các giá trị tốt đẹp về tri thức, văn hóa, đạo đức, lối sống…

Trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống và sau hơn 50 năm kể từ khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được nhân loại tiến bộ không ngừng tôn vinh và ngợi ca.

Đến nay, ở 22 quốc gia trên thế giới đã có 36 tượng, tượng đài Hồ Chí Minh; 6 bia tưởng niệm, 14 khu tưởng niệm, 5 trường học, 6 đại lộ, 7 con đường trên thế giới mang tên Hồ Chí Minh.

Ở Việt Nam, có khoảng 700 di tích và địa điểm lưu niệm Hồ Chí Minh, phân bố ở hơn 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hàng ngàn nghiên cứu viết về Người. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh được ghi trong nhiều bộ bách khoa toàn thư, từ điển danh nhân lỗi lạc trên thế giới…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem