Kỷ niệm đời làm báo: Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhắc tôi nên giữ thói quen khóa cổ xe máy

Nhà báo Vũ Hùng Chủ nhật, ngày 21/06/2020 10:52 AM (GMT+7)
Hồi ấy là những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Sau gần chục năm ở nước ngoài, tôi mới về Hà Nội và được nhận vào làm việc tại một cơ quan báo chí thuộc Bộ Ngoại giao, trụ sở đóng trên phố Lê Phụng Hiểu, Hà Nội.
Bình luận 0

1. Ngày ấy, Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội đóng ngay Bờ Hồ, chỗ 47 Hàng Dầu, trông sang Đền Ngọc Sơn, được coi như là hàng xóm xa của chúng tôi. Người Tổng Biên tập và quyền Tổng Giám đốc đầu tiên của Đài Truyền hình Hà Nội là nhà văn, nhà báo Đào Quang Thép.

Vào một buổi chiều cuối năm 1988, quãng độ 13h, anh Đào Quang Thép gọi điện thoại sang cơ quan tôi, nói nhờ tôi sang 47 Hàng Dầu cơ quan anh giúp anh một việc rất đặc biệt. Chiều hôm đó, anh Thép có một cuộc họp đột xuất với Thường vụ Thành ủy Hà Nội không thể vắng mặt, nên anh "trút bom" sang tôi.

Hóa ra, anh Thép nhờ tôi tháp tùng một cộng tác viên của anh vào gặp cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng, theo lịch đã hẹn với cụ Đồng thông qua Trợ lý của cụ (cụ Phạm Văn Đồng thôi làm Thủ tướng cuối năm 1986, từ tháng 12/1986 đến 1997 cụ làm Cố vấn Ban chấp hành TƯ Đảng - NV).

Kỷ niệm đời làm báo: Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhắc tôi nên giữ thói quen khóa cổ xe máy - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong một lần bàn công việc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng được coi là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu).

Cộng tác viên của anh Thép là một vị Giáo sư Tiến sĩ (GS.TS), một nhà nghiên cứu văn hoá dân gian và dân tộc học (tôi xin phép không nêu tên vì lí do tế nhị). Ông công tác giảng dạy và nghiên cứu tại miền Trung.

Vị GS đã được cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho phép gặp chiều hôm ấy để báo cáo cụ một việc quan trọng. Anh Thép nói vắn tắt thế khi tôi đi xe máy đến đón vị GS tại Đài Hà Nội.

Ông GS to béo bụng phệ, lại còn ôm cái cặp da to đùng mà tôi áng chừng phải gần bằng nửa cái va li du lịch. Ông và cặp của ông chiếm hết hơn nửa yên xe, tôi ngồi gần như ưỡn ngửa phía trước, đầu gối chạm cả vào tay lái xe Honda 82-86. 

Nên dọc đường, dù ông nói oang oang giọng nửa Trung pha Bắc nhưng tôi cũng không nghe được nội dung, thỉnh thoảng lại “Dạ, dạ” giữ lễ thôi.

Xe cà tàng, ống bô rách nổ to, lại ngồi chật, nên chỉ cố giữ tay lái cho vững để đến gặp cụ Phạm Văn Đồng (xin phép độc giả được gọi cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng như vậy-NV) cho đúng giờ hẹn chứ không có tâm trí nào để nghe vị GS nói suốt dọc đường. Có lẽ, ông đang phấn khích bởi sắp được gặp một vị nguyên thủ quốc gia mà ông nói ông luôn coi là một thần tượng.

Kỷ niệm đời làm báo: Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhắc tôi nên giữ thói quen khóa cổ xe máy - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong một lần đến thăm nông dân tỉnh Tiền Giang (Ảnh: DUY ANH/NLĐ)

2. Đến “Cổng Đỏ” ở Phủ Chủ tịch (đầu đường Hoàng Hoa Thám), do đã được bộ phận thư ký của cụ Đồng dặn trước, tổ cảnh vệ gác “Cổng Đỏ” và thường trực sau khi kiểm tra giấy tờ tuỳ thân của 2 chúng tôi (không quên lướt máy dò mìn qua cái cặp to sụ của vị GS), gọi điện vào cho Thư ký cụ Đồng và mời chúng tôi đi vào.

Từ cổng vào nhà riêng của cụ Đồng nằm ở bên phải phía trong vườn Phủ Chủ tịch, (rất gần Nhà sàn của Bác Hồ), cũng phải xa hơn trăm mét. Thế là tôi lại nổ máy chiếc Honda chở vị GS sau lưng đi tiếp.

Vào đến nhà cụ Đồng, đã thấy anh Nguyễn Tiến Năng - Trợ lý Thủ tướng đứng đợi ở bậc thềm. Hai bên sân có 2 cảnh vệ đứng gác, một anh đeo AK , một anh súng lục, khung cảnh thật yên tĩnh và uy nghiêm.

Tôi dựng xe máy ngay bên thềm nhà, khoá cổ cẩn thận, còn lấy tay lắc lắc cái ghi đông xem khóa đã chắc ăn chưa, rồi mới cùng vị GS theo anh Năng vào phòng khách và ngồi uống trà đợi cụ Đồng.

Khoảng 10p sau thì cụ đi từ gác 2 xuống. Cụ tự đi một mình xuống cầu thang không cần người dắt, nên tôi đoán hôm ấy mắt cụ ổn và sức khoẻ tốt (Từ đầu thập niên 80, cụ Đồng bị teo dây thần kinh đáy mắt nên thị lực rất kém).

Ngồi xuống chiếc ghế vốn thiết kế dành riêng cho mình, không đợi anh Năng giới thiệu, cụ đã rất ân cần hỏi thăm hai chúng tôi và vào đề câu chuyện với vị GS luôn.

Còn 5 ngày nữa một Hội nghị quốc tế về Dân tộc học khai mạc tại Thuỵ Điển. Vị GS này được mời đại diện cho Việt Nam - với tư cách một nhà nghiên cứu dân tộc học. Ông muốn báo cáo với cụ Đồng về hội nghị này, về nội dung bản tham luận của ông tại Hội nghị, đồng thời xin một chữ ký tươi của cụ vào bản sao bức thư đánh máy mà năm 1959, cụ gửi cho lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) Vĩnh Linh, Quảng Bình.

Nội dung bức thư là cụ đề nghị địa phương và lực lương Công an vũ trang Vĩnh Linh - Quảng Bình chú ý công tác chăm sóc bộ tộc người Rục sống trong hang đá rừng sâu thuộc huyện Minh Hoá, Quảng Bình. Các đơn vị công an vũ trang và chính quyền sở tại cần phải đưa họ ra hoà nhập cộng đồng, chấm dứt tình trạng du canh du cư và hôn nhân cận huyết để bảo tồn nòi giống.

Kỷ niệm đời làm báo: Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhắc tôi nên giữ thói quen khóa cổ xe máy - Ảnh 3.

Nhà báo Vũ Hùng trong bộ trang phục anh mặc vào gặp cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1988. (Ảnh: Vũ Hùng)

Trong những năm đất nước đang rất nghèo đói và chiến tranh chia cắt 2 miền đất nước, miền Bắc đang phải vừa xây dựng CNXH vừa lo chi viện cho cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam, vậy mà vị Thủ tướng vẫn quan tâm đến 1 bộ tộc rất ít người này.

Đấy là nội dung một ý kiến mà vị GS sẽ phát biểu ở Hội nghị, nhằm thể hiện với bạn bè khoa học quốc tế về sự quan tâm của lãnh đạo nước ta với vấn đề nhân chủng học, dân tộc học, vấn đề chăm sóc, bảo vệ, giúp đỡ các bộ tộc ít người, nhất là người Rục - một bộ tộc kì lạ nhất nhì thế giới.

Nghe vị GS trình bày xong, cụ bảo anh Năng đưa cái bút và vui vẻ ký ngay vào bản sao bức thư đã được đánh máy cẩn thận và kèm theo cả bản dịch tiếng Anh sau khi anh Năng đã đọc duyệt nội dung.

Ký xong, bất chợt cụ bấm tay vào một cái nút ở tay ghế đang ngồi. Hai phút sau chị cần vụ xuất hiện. Cụ bảo chị ấy lấy thêm cho cụ cái áo khoác ngoài mặc thêm vì về chiều hôm ấy rất lạnh mà cửa phòng khách lại không đóng.

Khoác thêm chiếc áo ấm, cụ từ tốn hỏi vị GS: "Anh nghiên cứu về bộ tộc Rục lâu chưa? Anh có phải là người am hiểu nhất về bộ tộc ít người này ở nước ta không mà đại diện Việt Nam đi họp quốc tế?". 

Vị GS tiếp tục say sưa báo cáo rằng, đã nghiên cứu về nhân chủng học, trong đó có bộ tộc Rục cũng đã hơn 20 năm rồi. Và chắc là ông là người am hiểu, nắm rõ nhất về bộ tộc này ở Việt Nam.

Cụ Đồng hỏi tiếp: "Thế sau Hội nghị này về, anh định làm gì với vấn đề người Rục?".

Vị GS ngập ngừng mất vài giây rồi mới đáp lời, đại ý là: "Dạ, thưa bác, cháu sẽ truyền đạt lại cho các nhà dân tộc học, nhân chủng học cả nước về nội dung Hội nghị quốc tế này, cũng như bản tham luận của cháu tại Hội nghị ạ. Sau đó, có thể cháu sẽ xin ra Hà Nội hoặc vào TP.HCM để công tác ở một Viện nghiên cứu hay trường Đại học lớn nào đó để tiếp tục nghiêm cứu đề tài người Rục cũng như một số bộ tộc ít người khác ở nước ta, và cố gắng ứng dụng các nghiên cứu khoa học dân tộc học, nhân chủng vào thực tế việc bảo vệ, chăm sóc, duy trì nòi giống bộ tộc ít người nhất Việt Nam này ạ".

Lắng nghe vị GS trình bày xong, rất trầm ngâm, cụ Đồng bảo: “Thế này nhé, anh cứ đi Hội nghị cho thành công đi. Khi về nước gặp lại tôi, tôi sẽ viết cái thư gửi cho Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Quảng Bình. Tôi sẽ đề nghị để họ tiếp nhận anh về tỉnh Quảng Bình công tác”.

Rồi cụ nói tiếp: “Anh am hiểu người Rục nhất nước thì rất cần anh có mặt bên cạnh người Rục để cùng đảng bộ, chính quyền địa phương và quân dân Quảng Bình giúp người Rục mau chóng hoà nhập cộng đồng và có các biện pháp hữu hiệu tốt nhất để bào tồn nòi giống cho bộ tộc ít người này...".

Vị GS vâng rất nhẹ. Tiếng vâng như bay theo làn gió đông cuối chiều đang thổi nhẹ quanh căn phòng khách cửa mở rộng lồng lộng gió. 

3. Sau khoảng 30 phút trò chuyện, anh Năng ra hiệu cho vị GS đã hết giờ gặp và để cụ Đồng lên gác nghỉ ngơi. Hai chúng tôi đứng dậy kính cẩn chào cụ ra về. Vị GS bắt tay cụ Đồng cảm ơn, giọng run run chứ không vang dội như lúc trình bày kiến thức về người Rục với cụ và không sang sảng như lúc sau lưng tôi khi đi trên đường.

Cụ Đồng cầm tay anh Năng dắt ân cần tiễn hai chúng tôi ra tận bậc thềm và đứng nheo mắt nhìn theo đến tận khi tôi ra đến chỗ dựng xe máy ngoài sân. Hai anh cảnh vệ vẫn đứng uy nghiêm như lúc chúng tôi đến. 

Lúc này, tôi loay hoay mở khoá cổ xe máy. Không hiểu vì cảm động sau khi được gặp cụ Đồng, được bắt tay cụ (cụ Đồng có thói quen khi ngồi trên chiếc Volga đen đi từ Phủ Thủ tướng lên khu nhà nghỉ bên hồ Quảng Bá, cụ bao giờ cũng hạ 1 chút kính xuống và gác bàn tay lên thành tấm kính. Bọn tôi đi học Chu Văn An dọc đường Thanh Niên hay nhận ra từ xa xe bác Đồng là nhờ cái bàn tay hay gác lên cửa xe ghế sau đó).

Cũng có thể do luống cuống bởi thấy cụ Đồng đang đứng nhìn theo, hay vì trời lạnh mà tôi cứ loay hoay mãi, mấy lượt mới mở được cái khoá cổ xe máy.

Chiếc xe Honda từng chở vị Gs Dân tộc học.

Chiếc xe Honda 82-86 mà nhà báo Vũ Hùng từng chở vị GS Dân tộc học vào gặp cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng. (Ảnh: NVCC)

Anh cảnh vệ súng lục dường như có vẻ sốt ruột thay cho cụ Đồng và mọi người, bất chợt bảo: "Cái anh này vào nhà Thủ tướng, tầng tầng lớp lớp bảo vệ từ ngoài đường vào đến đây an ninh dày đặc chặt chẽ thế này mà còn lo khoá cổ cái xe máy, dấm dớ thật ...".

Tôi bối rối ngượng ngùng, chưa biết giải thích sao với anh cảnh vệ. Bỗng nghe tiếng cụ Đồng nói rất to: "Không, không! Những thói quen tốt thì không bao giờ nên bỏ". 

Tôi quay lưng lại, thấy cụ đang xua tay với anh cảnh vệ. Rồi cụ cười khà khà với chúng tôi. Tiếng cười Phạm Văn Đồng chắc nhiều bạn còn nhớ, vang xa mà ấm áp, mà gần gũi chân tình.

Trên đường về, tôi vừa lái xe máy vừa nghĩ, cụ Thủ tướng bận trăm công ngàn việc đại sự quốc gia mà vẫn rất sâu sát với đời sống nhân dân đấy chứ. Vì cụ coi cái việc nhỏ như khoá cổ xe là một thói quen tốt, thì chắc chắn cụ cũng biết ngoài đời kia, bên ngoài ngôi biệt thự của cụ, bên ngoài Phủ Thủ tướng của cụ, bọn ăn cắp ăn trộm vẫn còn nhiều lắm... 

Tôi nhớ mãi đến nhiều năm sau cái tiếng cười rất hài hước mà ấm áp tình người của cụ Đồng khi thấy tôi bị lúng túng vì cái khoá cổ xe Honda.

Tôi cũng luôn nhớ câu cụ nói với anh cảnh vệ: “Thói quen tốt thì không bao giờ nên bỏ”. 

Và tất nhiên, tôi cũng không quên cái dáng vẻ run rẩy lập cập pha chút hốt hoảng, cùng những giọt mồ hôi túa ra trên trán vị GS.TS khả kính kia, khi ông nghe cụ Đồng nói sẽ điều động ông về tỉnh Quảng Bình công tác cho gần gũi với đồng bào người Rục…

Kỷ niệm đời làm báo: Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhắc tôi nên giữ thói quen khóa cổ xe máy - Ảnh 5.

Nhà báo Vũ Hùng bây giờ. (Ảnh: NVCC)

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem