Theo tôi, 3 phương án thi này thực chất là 3 mức độ đánh giá năng lực học sinh từ đơn giản đến phức tạp. Để chọn làm ngay trong năm 2015, tôi nghĩ phương án 1 ít gây xáo trộn, giúp học sinh và giáo viên có thời gian chuẩn bị, không bị sốc. Phương án 2 – 3 yêu cầu tích hợp, tổng hợp kiến thức các môn học, điều mà học sinh và giáo viên cấp 3 hiện nay chưa làm được. Vì vậy nếu thi sẽ gây khó khăn rất lớn cho các em trong việc ôn tập và giáo viên phải loay hoay với việc dạy thế nào. Phương án 3 chắc phải đến 2020 thì giáo dục Việt Nam mới đáp ứng được.
Thực tế cho thấy, đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 mới chỉ là đổi mới theo hướng giảm tải kiến thức chưa tạo ra được sự tích hợp kiến thức và hình thành các kỹ năng cho học sinh. Các phương án của kỳ thi quốc gia chung sẽ hướng tới mục tiêu hình thành các kỹ năng này ở cả người dạy và người học, chính vì vậy “dục tốc bất đạt”, phải có lộ trình.
Nói xa hơn, việc đổi mới thi cử nằm trong việc đổi mới toàn diện giáo dục quốc gia mà mục tiêu chính là phải tạo ra kiến thức và kỹ năng giúp học sinh VN có thể cạnh tranh với học sinh các nước trên thế giới chứ không phải để so sánh năm trước với năm sau, tỉnh này với tỉnh khác.
Tôi nghĩ vấn đề này Bộ GDĐT cũng cần phải nghiên cứu cho thật kỹ. Nếu đổi mới cách thi phổ thông mà không đổi mới cách tuyển vào ĐH thì nó cũng không tạo được sự chuyển biến. Cho nên, lộ trình của kỳ thi quốc gia phải làm thế nào để giúp các trường ĐH, CĐ thấy rõ được mục tiêu, cách thức, nhu cầu tuyển sinh người học của mình. Cách thi hiện nay theo kiểu đánh đồng chung các khối A, B, C… là không khoa học và không phù hợp.
Vì mục đích của kỳ thi quốc gia là lấy kết quả để xét tuyển ĐH-CĐ nên dứt khoát các trường ĐH-CĐ phải trực tiếp tham gia sâu sát vào tất cả các khâu của kỳ thi này. Nếu chúng ta tổ chức thi mà thiếu sự giám sát của các đơn vị độc lập thì hiệu quả sẽ không cao. Trước đây chúng ta nghĩ đến phương án để kỳ thi tốt nghiệp cho địa phương tổ chức còn thi ĐH-CĐ để các trường tự quyết theo Luật GDĐT. Phương án một kỳ thi thống nhất như thế này phù hợp với xu thế chung, nhưng để tạo một kết quả công bằng thì rất khó. Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng rằng chúng ta sẽ tiến tới một kỳ thi trung thực, khách quan hơn trong tương lai gần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.