Kỳ thi tiếng Hàn lần 9: Nhiều lao động mất tiền oan

Thứ hai, ngày 19/12/2011 17:14 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong hai ngày 17, 18.12, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tổ chức kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn để chọn ra 15.000 người đủ điều kiện làm hồ sơ đi XKLĐ. Qua kỳ thi này mới thấy “cò” bủa vây lao động như thế nào.
Bình luận 0

Hàng trăm thí sinh ân hận

Tại điểm thi Trường Đại học Lao động xã hội (Hà Nội), ghi nhận của PV NTNN là công tác tổ chức rất chặt chẽ. Ban tổ chức còn đặt cả cổng từ để rà soát điện thoại trong người thí sinh, mức kiểm soát nghiêm ngặt chẳng khác gì ở cửa sân bay. Tuy nhiên, vẫn có hàng trăm lao động cố tình tìm cách để đưa điện thoại vào phòng thi và đã bị phát hiện.

img
Người lao động đọc tư vấn thi tuyển tiếng Hàn trên Báo NTNN.

Anh Hoàng Anh Tú, 37 tuổi (Nghi Lộc, Nghệ An) là một trong những thí sinh mang điện thoại vào phòng thi cho biết: “Tôi từ Nghệ An ra đây chưa nắm được quy định này. Tối hôm trước ở phòng trọ, anh em cùng đi thi bảo bọc điện thoại bằng giấy bạc sẽ qua được cổng từ nên tôi cũng nghe theo. Giờ không được thi, tôi thấy ân hận quá”.

Không chỉ có anh Tú, hàng trăm lao động khi bị đình chỉ thi mới thấy ân hận nhưng đã quá muộn. “Em đã xác định thi được 70%, nếu biết bị đình chỉ thi sẽ không bao giờ mang điện thoại vào. Chúng em ở nông thôn nên làm ra một vài triệu khó lắm. Bao nhiêu tiền của đổ hết vào kỳ thi này, bây giờ bị đình chỉ mới thấy rất hối tiếc” - anh Nguyễn Hữu Hiếu (Nghi Lộc, Nghệ An) chia sẻ.

Trao đổi với NTNN, bà Hoàng Kim Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết: “Tôi đứng ở hành lang và phát hiện nhiều trường hợp người nhà ném điện thoại cho thí sinh sau khi thí sinh đã đi qua cổng kiểm soát”.

Còn tại TP.HCM, trước cổng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm có tình trạng các “cò” dụ dỗ các gia đình làm hồ sơ qua Hàn Quốc. Bác Trần Văn Thảo quê Vĩnh Long, người nhà lao động cho biết: “Cò gặp từng người, nói thi xong tiếng Hàn sẽ lo hồ sơ trót lọt đi Hàn Quốc, giá làm hồ sơ từ 100 - 300 triệu đồng. Tôi báo lại ngay với cán bộ coi thi thì họ lủi đi mất”.

“Mất tiền oan cho cò”

Trong 2 ngày 17 - 18.12, báo NTNN tổ chức phát báo miễn phí tại 6 điểm thi ở Hà Nội, Nghệ An, TP.HCM nhằm giúp lao động hiểu rõ hơn việc tổ chức kỳ kiểm tra, những khuyến cáo cần thiết… Đọc xong các bài báo, nhiều lao động đã ngớ người vì đã mất tiền oan cho “cò”.

img Ngoại ngữ không phải chỉ phục vụ công việc mà còn để bảo vệ quyền lợi cho người lao động nên kỳ thi này, chúng tôi đã phối hợp với Hàn Quốc làm thật nghiêm, nhằm chọn ra những lao động xứng đáng nhất. img

Tại điểm thi Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, anh Nguyễn Văn An quê huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) trời lạnh mà mồ hôi trán rịn ra, mắt đỏ hoe.

An kể, mấy ngày trước anh đến Vinh tìm cơ sở học tiếng Hàn đã được một người quen giới thiệu cho một người tên N trú ở TP.Vinh hứa đưa 6.000USD sẽ lo trọn gói cho đi và sẽ lo chuyện thi cử tiếng Hàn đợt này trót lọt. An cả tin, không ngần ngại đặt cọc trước 2.000USD.

"Bây giờ đọc bài báo "Làm nghiêm để có lao động tốt" với thông tin do ông Jung Jin Young - Chủ tịch Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc trả lời, tui mới biết đi Hàn chỉ hết 710USD, và hiểu được về cách thức thi cử và đi Hàn Quốc như như thế nào. Vậy là mất tiền oan rồi!" - anh An mếu máo.

Cùng cảnh như An, anh Phan Văn Hùng ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa cho biết đã đặt cọc cho một người môi giới ở TP. Thanh Hoá 3.000USD để anh ta lo trót lọt qua kỳ thi tiếng Hàn và đi trọn gói là 5.500USD. "Bọn em là nông dân, cả đời có đọc báo gì đâu, bởi không có thông tin nên mới bị lừa. Bây giờ đọc báo NTNN em mới "ngộ" ra" - anh Hùng bức xúc.

Tại 2 điểm thi này, đã có hàng chục lao động ở Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Quảng Bình phản ánh với phóng viên đã bị "cò" xuất khẩu lao động lừa vào đã đặt tiền cọc từ 1.000- 4.000USD. Với việc nhiều người mất tiền oan cho cò, phải chăng đang có nhiều đường dây lừa đảo xuất khẩu sang Hàn Quốc?

Người nhà “tiếp sức” ở điểm thi

Để “tiếp sức” cho các thí sinh dự thi tiếng Hàn, nhiều người nhà và thí sinh đã ngủ ở ngay trong ký túc xá và khu vực thi của một số trường. Tuy nhiên, không hiếm trường hợp tìm mọi cách để ngủ tại địa điểm thi, mục đích là sau khi thí sinh đi qua khỏi cổng từ và sự kiểm soát của của công an, người nhà sẽ ném điện thoại lên cho thí sinh để “qua mặt” các cán bộ kiểm soát.

Khó làm bài nghe hiểu vì... máy bay

Tại điểm thi Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã xảy ra “sự cố” khi hơn 6.000 thí sinh làm bài thi thì nhiều người phản ánh khó làm bài được phần nghe-hiểu. Anh Nguyễn Thanh Xuân (quê Kiên Giang) cho biết: Ngay địa điểm thi của trường sân bay, máy bay lên xuống nhiều và gây ra tiếng ồn rất lớn nên chúng tôi không nghe được và đành bỏ hai câu này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem