Kỳ tích của BV Việt Bỉ: Cặp đôi tật nguyền cùng lúc đón hai “thiên thần bé”!

Trần Quân Thứ sáu, ngày 15/05/2020 13:29 PM (GMT+7)
"Từ khi biết là mình sẽ có con, tinh cha huyết mẹ hẳn hoi, bọn em như sống một cuộc đời khác. Những thiệt thòi của số phận càng bé đi rất nhiều", Thuý nhỏ nhẹ nói.
Bình luận 0

Xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá, trong một ngày tháng 5/2020, nắng như đổ lửa. Trong căn nhà bé xíu, lợp fibroximang cũ nát, nền thấp sùm sụp so với nền đường thôn xe lu đang ầm ĩ bụi mù rải đá trải nhựa, Nguyễn Văn Can (30 tuổi) và vợ Can là Nguyễn Thị Thuý (32 tuổi) đang rủ rỉ ngồi gấp tã lót với các loại quần áo đỏ, hồng bé xíu. Chẳng là họ đang chuẩn bị đón hai cô con gái, cùng lúc. Các bác sỹ ở BV Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt Bỉ dự kiến cô sẽ sinh vào tháng 7/2020. Can ngồi xe lăn, Thuý khuyết tật vận động, đi lại hết sức khó khăn.

Kỳ tích của BV Việt Bỉ: Cặp đôi tật nguyền cùng lúc đón hai “thiên thần bé”! - Ảnh 1.

Ông Tô Hoài Phương, Bác sỹ Chuyên khoa II, Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt - Bỉ, nguyên Phó Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Thanh Hoá thăm khám cho vợ chồng Can - Thuý tại nhà của họ.

Khi chúng tôi lạc đường vì tránh các đống đá khổng lồ án ngữ mé đê và con mương gồ ghề, qua điện thoại, Can bảo: "Anh đến bờ đê thì cứ bấm còi, em nghe tiếng sẽ gọi và dẫn đường. Chứ em ngồi trong nhà, không tự di chuyển ra đón anh được đâu".

Học hết lớp 10, gia cảnh khó khăn, qua người quen giới thiệu, Can theo chúng bạn vào miền Nam làm thuê ở một tổ hợp máy cẩu và chạy xà lan. Một tai nạn kinh hoàng, cả một khúc cống bê tông lớn nện thẳng vào lưng cậu bé đang tuổi bẻ gãy sừng trâu. Bấy giờ, do nghèo khó, lại do men gan cao, nên các bác sỹ không gây mê để phẫu thuật cho Can ngay được. Mất gần một tháng hôn mê, cõi Diêm Vương mới trả lại Can về dương thế. Tỉnh dậy, vừa hãi hùng lại vừa tạ ơn trời đất đã ban cho mình một kiếp sống khác. Bất chợt, nghe tin sét đánh nữa: Can bị chấn thương cột sống, tay trái yếu lẩy bẩy, liệt hai chi dưới, lại mắc chứng rối loạn cơ tròn. Hậu quả là suốt đời cậu phải đóng bỉm. Có cảm giác đi tiểu, nhưng việc đại tiện là không thể kiểm soát. Việc chăn gối "dương sự" là gần như bằng 0.

Với sự lạc quan tổ tiên và đất trời ban tặng, Nguyễn Văn Can kiên trì đi châm cứu, luyện tập, quyết tâm "tự vận động" tốt nhất trên xe lăn, để không trở thành gánh nặng quá lớn cho bố mẹ già nua và nghèo khó. Vừa rồi, mẹ Can bị tai biến, đầu óc nhớ nhớ quên quên, cậu càng buồn tủi. Trời chẳng phụ người, lâu nay, Can đã có thể lăn ra đường, ra chợ, đi bán sim thẻ Vietel. Mỗi khi có "khuyến mại", là người trong khu vực ưu tiên mua của Can, gọi là của ít lòng nhiều tìm cách giúp đỡ một số phận tật nguyền quá xót xa. Dần dà, nỗi tủi phận cũng vơi đi. Can được hãng Vietel tặng giấy khen, được vui vầy với sự chia sẻ động viên của bà con trên mỗi bánh xe lăn tật nguyền mưu sinh.

Tình cờ, trong một buổi chợ, Can đã gặp Nguyễn Thị Thuý. Thuý kể: "Em nhìn anh ấy, thấy phong cách rất đàn ông, thông minh lại thật thà. Em mê thôi. Lúc anh ấy tâm sự về việc đi tiểu ra sao, sinh lý "đàn ông" thì hầu như chẳng có gì do bị liệt thế nào… em càng thấy thương anh ấy. Sao lại có người thật thà thẳng thắn đến thế!". Thuý và Can có cùng hoàn cảnh, cảm nhận cuộc sống và các giá trị tình người sâu sắc đến bất ngờ. Can bảo: "Em nên xuống nhà anh chơi, ở đây thử ít ngày, nếu thấy một người tàn phế như anh mà "chấp nhận được" thì về ở với anh làm vợ". Thuý bảo:  "Em sinh ra tật nguyền, em đã tự nhủ sẽ không lấy chồng. Nhưng gặp anh em rung động. Chuyện chăn gối có thể cũng quan trọng đấy, nhưng nó sẽ chẳng là gì trước tình người hay một tình yêu đích thực. Em "hy sinh" điều đó cũng chẳng sao".

Thật sự, khó ai không cảm thấy bất ngờ vì triết lý sống lạc quan và thắm tình của cặp đôi thiệt thòi này. Căn nhà lụp xụp không có gì đáng giá năm trăm nghìn đồng. Can sống bằng tiền trợ cấp cho người tàn tật, hơn 500 nghìn đồng; thêm gần 300 nghìn đồng cho người chăm sóc; Thuý được trợ cấp hơn 400 nghìn đồng. Lại thêm nghề đi bán sim thẻ của Thuý. Họ cứ lần lữa sống qua ngày. Số tiền bà con mừng đám cưới, họ bảo nhau đem cất kĩ, chờ ngày… biết đâu lại có con. Họ ao ước có đứa con, như người lạc trong rừng sâu mong một bà tiên đến dẫn lối vậy.

Tôi hỏi Thuý: "Sao em tin là mình sẽ có con? Bởi vì Can đã "liệt" hầu như hoàn toàn cái khoản kia cơ mà?". Thuý tự tin: "Em tin anh ấy vốn là một người khoẻ mạnh bình thường, bị tai nạn mà liệt thôi. Vậy tinh trùng vẫn có. Nếu bác sỹ đi "bắt" nòng nọc ấy, thì nó vẫn sẽ ra. "Ghép" với trứng của em là sẽ có… em bé. Nếu không được, thì chúng em xin con nuôi. Mình chăm bẵm bé cả đời, con nuôi có khác gì con đẻ đâu. Em ước ao được thực hiện thiên chức của bà mẹ, chúng em cũng muốn có đứa nối dõi tông đường, làm chỗ nương tựa tuổi già bóng xế".

Kỳ tích của BV Việt Bỉ: Cặp đôi tật nguyền cùng lúc đón hai “thiên thần bé”! - Ảnh 2.

Bà Lê Linh Trang, Phó Chủ tịch HĐQT, đại diện BV Nam học và Hiếm muộn Việt Bỉ thăm và tặng quà cho gia đình Can - Thuý tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá.

Khi nghe tin bác sỹ Hà Ngọc Mạnh, Phó Giám đốc BV Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt – Bỉ đã kỳ công "chọc" vào "ngọc hành", rồi tuỷ sống của Can để bằng mọi cách bắt được vài con "nòng nọc – tinh trùng", Can muốn hét lên vì vui. Ở nhà, Thuý cũng đi ra đi vào, lòng ngập tràn hy vọng. Còn khi Thuý đậu thai, lại là song thai với hai bé gái cùng lúc, Can ở nhà lâng lâng nhìn vào điện thoại chờ… tin nhắn của vợ. "Em muốn thêm tin vui, thêm nữa, em chờ đợi cái tin này đã lâu!", Can rưng rưng. Thiên thần bé đậu vào bàn tay họ, sau bao ngày tháng ao ước, gom góp thu vén, cần Trời khấn Phật. Tiến tới, họ tranh luận quyết liệt về việc đặt tên hai bé là Thiên Ý – Thiên Ân (ý trời và ơn trời) như ý của Thuý, hay là đặt tên Nguyễn Thị Hồng Hạnh và Nguyễn Thị Hồng Phúc để kỉ niệm niềm Hạnh Phúc tột đỉnh như mong muốn của Can và Thuý.

Kỳ tích của BV Việt Bỉ: Cặp đôi tật nguyền cùng lúc đón hai “thiên thần bé”! - Ảnh 3.

Niềm vui của vợ chồng Can - Thuý khi chuẩn bị đón hai "thiên thần bé"!

Biết bao lo toan cho cuộc sống làm cha làm mẹ của hai đứa nhỏ ở phía trước, nhưng cả hai đều rất tự tin. Họ nghĩ như những người hàng xóm vẫn an ủi: trời sinh voi trời khắc sinh cỏ. Song họ lại bảo, phải lo lắng chu đáo cho con chứ. Mẹ nó bị liệt người bên trái, thì bố nó có bàn tay phải rất khoẻ mạnh. Bố hai đứa trẻ đang hoài thai kia bị liệt hai chi dưới và đi xe lăn, thì mẹ nó đẩy xe lăn tốt. Nhà nhiều người đau ốm, Thuý muốn các con sau này theo nghề y, đi làm bác sỹ chữa bệnh cứu người. Can cũng nghĩ vậy, nhưng con biết thương yêu cha mẹ, ăn đủ no, mặc đủ ấm đã là vui rồi. Các ý nghĩ cứ rộn ràng, đôi lúc cũng tranh luận, rồi lại cười rổn rảng. Mặc kệ xứ Thanh mấy ngày này nắng chày chày và nhà lợp fibroximang hầm hập như hoả lò. Mặc dịch Covid-19 mới vãn hồi ít ngày nên chưa nhiều người ra đường để mua sim thẻ của Can.

Thuý bảo, đêm nằm hai đứa cứ im thin thít, Can áp tai vào bụng Thuý chờ nghe hai thiên thần bé "có ý kiến" hay cựa đạp gì đó "trao đổi với bố mẹ". Thuý thì lặng lẽ chat với bác sỹ Luyện Thị Ngọc Dung của BV Việt Bỉ, nhất nhất cái gì hai chị em cũng tâm sự và trao đổi kĩ. "Từ khi biết là mình sẽ có con, tinh cha huyết mẹ hẳn hoi, bọn em như sống một cuộc đời khác. Những thiệt thòi của số phận càng bé đi rất nhiều", Thuý nhỏ nhẹ nói. "Em đi khám, đi chọc trứng, các bác sỹ mua bánh chocopie cho em ăn vì biết em hay bị tụt đường huyết. Em có bầu, họ vào tận nhà, trao đổi với đồng nghiệp ở bệnh viện địa phương, nói là em muốn sinh ở đâu họ lo cho hết. Em thấy cuộc đời thật ấm áp. Không biết vì thương chúng em tật nguyền nên họ chu đáo thế, hay là với ai các bác sỹ cũng như mẹ hiền như thế, nhà báo nhỉ?", Thuý xếp gọn chồng tã, bỉm, bất ngờ quay ra hỏi tôi…

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem