Kỳ tích xuất khẩu 3,1 tỷ USD rau quả: Không tính tạm nhập, tái xuất

An Nhiên Thứ tư, ngày 24/10/2018 18:05 PM (GMT+7)
Xung quanh thông tin cho rằng, số liệu xuất khẩu rau quả đang bị "ảo" với 3,1 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm do khi thống kê đã gộp cả hàng tạm nhập tái xuất, trao đổi với Dân Việt, ông Hoàng Trung- Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết: "Hoạt động tạm nhập, tái xuất là bình thường và con số 3,1 tỷ USD xuất khẩu rau quả không tính số hàng tạm nhập, tái xuất".
Bình luận 0

Theo số liệu mới nhất của Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu rau quả 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó quả đạt 2,5 tỷ USD tăng 12,6%. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả trong 8 tháng đầu năm 2018 với 74,1% thị phần. Xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong 8 tháng đầu năm 2018 đạt gần 2 tỷ USD, tăng 11,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

img

Theo số liệu mới nhất của Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu rau quả 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó quả đạt 2,5 triệu USD tăng 12,6%. Ảnh: IT

Hoạt động tạm nhập, tái xuất không hiếm gặp

Tuy nhiên, phân tích số liệu từ Tổng cục Hải quan mới công bố cho thấy nước ta đang xuất khẩu rất nhiều loại trái cây sang Trung Quốc giùm cho Thái Lan thông qua con đường tạm nhập tái xuất. Nghĩa là các doanh nghiệp nhập hàng từ Thái Lan vào nước ta bao nhiêu thì xuất sang Trung Quốc bấy nhiêu.

Tổng cục Hải quan cho hay, riêng trong nửa đầu năm nay, trái cây xuất xứ Thái Lan chiếm kim ngạch đến 320 triệu USD, tương đương gần 22% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của cả nước ta sang thị trường Trung Quốc. Tương tự, trong sáu tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Thái Lan đạt 333,3 triệu USD. Nếu trừ đi kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc tương đương khoảng 96% thì lượng hàng để tiêu thụ nội địa chỉ khiêm tốn ở con số 13,3 triệu USD, chiếm 4%.

img

Tuy nhiên, phân tích số liệu từ Tổng cục Hải quan mới công bố cho thấy nước ta đang xuất khẩu rất nhiều loại trái cây sang Trung Quốc giùm cho Thái Lan thông qua con đường tạm nhập tái xuất. Ảnh: IT

Còn theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy, kim ngạch nhập khẩu rau quả tháng 6/2018 đạt 152 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu  6  tháng  đầu  năm  khoảng  754  triệu  USD,  tăng  18,5%  so  với  cùng  kỳ  2017. Nguồn  nhập  khẩu  chính  vẫn  là  Thái  Lan  (chiếm tới 45,7%  lượng  nhập  khẩu)  và  Trung  Quốc (chiếm 9,1%).

Chiều nay (24/10) trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cũng lý giải số lượng trái cây Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu là để tái xuất sang Trung Quốc. Các loại trái cây có xuất xứ Thái Lan được nhập khẩu về Việt Nam, sau đó xuất khẩu tiếp sang Trung Quốc chủ yếu là sầu riêng, măng cụt, nhãn…

img

Nhiều ý kiến cho rằng nếu thông tin không rõ ràng có thể dẫn tới trang trại, nông dân ồ ạt đầu tư trồng loại trái cây dẫn đến nguy cơ dư thừa hoặc không có đầu ra. Ảnh: IT

Đặc biệt, phân tích từ số liệu thống kê cho thấy gần 100% nhãn tươi, nhãn khô, sầu riêng, măng cụt… mà Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan về đều đem xuất khẩu sang Trung Quốc. Với thuế nhập khẩu 0% từ các nước Asean, trái cây Thái Lan tạm nhập vào Việt Nam rồi tái xuất sang Trung Quốc giá ngày càng tăng mạnh.

img

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng cho đến thời điểm này, hình thức “tạm nhập tái xuất” vẫn được coi là bình thường, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền làm điều đó khi họ có thể thu về lợi nhuận.

Có thể nhận thấy rằng nhu cầu nhập khẩu trái cây từ Thái Lan của Trung Quốc vốn rất lớn nhưng Thái Lan lại có chính sách thu hẹp sản xuất đại trà, hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc nên thị trường với sức tiêu thụ lớn này luôn trong tình trạng thiếu hàng. Trong khi đó, kể từ ngày 1.1.2018, Việt Nam xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với 669 dòng thuế, trong đó có nhiều mặt hàng rau, quả nhập từ các nước ASEAN với mức thuế còn 0%. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt “xuất khẩu” giúp trái cây Thái sang Trung Quốc vì pháp luật không cấm.

Trước vấn đề này, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng cho đến thời điểm này, hình thức “tạm nhập tái xuất” vẫn được coi là bình thường, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền làm điều đó khi họ có thể thu về lợi nhuận.

Giá trị xuất khẩu 3,1 tỷ USD không tính hàng tạm nhập, tái xuất

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, kỳ tích xuất khẩu rau quả chạm ngưỡng 3,1 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2018 nếu tính cả con số tạm nhập tái xuất thì rõ ràng đây là kỳ tích ảo. TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam băn khoăn, nếu số liệu thống kê nhập nhằng, không chính xác, lẫn lộn giữa hàng tạm nhập tái xuất với hàng xuất khẩu chính hiệu của Việt Nam sẽ gây ngộ nhận về kỳ tích xuất khẩu rau quả. Nếu thông tin không rõ ràng có thể dẫn tới trang trại, nông dân ồ ạt đầu tư trồng loại trái cây dẫn đến nguy cơ dư thừa hoặc không có đầu ra.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, giá trị xuất khẩu rau quả công bố ở trên không tính tới hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm nhập tái xuất với mức thuế 0% và cũng không nhiều doanh nghiệp làm.

Đồng tình với ý kiến trên, Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng Thống kê hải quan, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) cũng cho rằng, cho đến thời điểm này, pháp luật cho phép các hoạt động tạm nhập và tái xuất hàng hóa theo chế độ tạm, doanh nghiệp có quyền làm nếu điều đó mang lại lợi nhuận cho họ. Việc trái cây Thái Lan nhập khẩu theo loại hình kinh doanh vào Việt Nam sau đó lại tái xuất theo loại hình kinh doanh sang Trung Quốc đã xuất hiện từ vài năm nay, xu hướng này càng trở nên mạnh mẽ từ năm 2017.

"Về nguyên tắc, trong thống kê, chúng tôi không tính vào giá trị xuất khẩu chung các hàng hóa tạm nhập khẩu và tái xuất khẩu theo chế độ tạm" - ông Hùng khẳng định.

Ông Hùng cho biết thêm, hoạt động này chỉ doanh nghiệp thu được lợi nhuận và hoạt động này cũng phổ biến ở các nước khác.

Khi được hỏi liệu hoạt động này có ảnh hưởng đến sản xuất rau quả trong nước cũng như xuất khẩu rau quả của Việt Nam, ông Hoàng Trung cho biết, hoàn toàn không ảnh hưởng gì bởi có những mặt hàng tạm nhập tái xuất mà Việt Nam không sản xuất được, cũng có những mặt hàng trái vụ so với Việt Nam.

Cũng có một số ý kiến cho rằng nông dân không được lợi lộc gì từ hoạt động này, doanh nghiệp lẽ ra phải làm vai trò dẫn dắt thị trường từ đó dẫn dắt nông dân phát triển sản xuất theo nhu cầu của thị trường chứ không chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt như vậy.  

Thực tế, đây không còn là hiện tượng hiếm gặp bởi trong năm 2017, kim ngạch nhập khẩu trái cây, đặc biệt là từ Thái Lan đã tăng một cách đột biến. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã bỏ ra khoảng 1,15 tỷ USD để nhập khẩu trái cây các loại, tăng tới hơn 80% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, lượng trái cây từ Thái Lan chiếm đến hơn 60,7%, Trung Quốc chiếm 15,7%, còn lại là các thị trường khác.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem