Ký ức Hà Nội: Dòng sông Hồng thơ mộng, đong đầy kỷ niệm

Ngô Văn Lộc (Hà Nội) Thứ sáu, ngày 12/07/2024 07:49 AM (GMT+7)
Với riêng tôi, sông Hồng (Hà Nội) gắn bó những tháng ngày thơ ấu. Khi lớn lên, học tập và sinh sống xa nhà, sông Hồng vẫn chất chứa nhiều kỷ niệm khó phai.
Bình luận 0

Hà Nội và sông Hồng có lẽ là không gian tâm hồn đong đầy nhiều kỷ niệm với tôi. Sông Hồng chảy qua nhiều quận huyện của Thủ đô không chỉ đem đến không gian mát lành, là nơi thư giãn cho những tâm hồn giữa cuộc sống bao bộn bề mà còn mang đến nguồn phù sa giá trị, bồi đắp cho người dân đôi bờ phát triển kinh tế, tạo cảnh quan đẹp đẽ, làm nên những mùa hoa rực rỡ.

Tôi vẫn luôn ấn tượng với người dân trồng đào Nhật Tân. Mỗi độ Tết đến xuân về người dân Hà Nội và cả nước lại được thưởng thức vẻ đẹp tinh khôi, mê đắm từ những cánh đào phai, đào bích từ vùng Nhật Tân yêu dấu. 

Chính nguồn nước từ dòng sông Hồng cùng lớp phù sa bồi đắp theo năm tháng đã tạo nên vẻ đẹp đào Nhật Tân huyền thoại, để người dân nơi đây phát triển sinh kế, duy trì truyền thống trồng và chăm sóc đào, mang đến cho đời hương sắc của mùa xuân đất trời. Tết về ta lại ngắm đào Nhật Tân!

Ký ức Hà Nội: Dòng sông Hồng thơ mộng, đong đầy kỷ niệm- Ảnh 1.

Những luống hoa sắc màu tại bãi đá sông Hồng được phù sa bồi đắp. Ảnh: Vương Lộc.

Dòng sông Hồng chảy qua, xuôi dòng dưới chân cầu Nhật Tân và bên bờ là hàng trăm ruộng đào, hàng nghìn gốc đào với những nụ hoa bung nở chào đón mùa xuân rực rỡ. Vẻ đẹp tự nhiên của dòng sông Hồng nay lại được khoác thêm lên mình màu áo mới của đào phai, đào bích, nhuộm hồng cả một vùng đất nội đô nghìn năm văn hiến. 

Không những thế, sông Hồng còn là nơi thư giãn, chữa lành tâm hồn, nơi trốn của những kẻ mộng mơ, rong ruổi bóng tịch dương mỗi khi hè đến. Còn nhớ những buổi chiều mùa hè tháng 6, tháng 7, tôi lại mong chờ cho đến thời điểm chiều tà, khi cái nắng 40 độ lắng dịu xuống để được ra bãi bồi sông Hồng hóng mát. 

Có lẽ nhiều người sẽ biết đến điểm dưới chân cầu Vĩnh Tuy. Khi phần cầu Vĩnh Tuy 2 được thông xe, cây cầu cũng vì thế trở nên đẹp đẽ, khang trang hơn với 4 làn xe lưu thông, duyên dáng và tráng lệ bắc qua sông Hồng.

Nhiều gia đình, các bạn trẻ cũng hay chọn bãi bồi dưới chân cầu Vĩnh Tuy làm điểm vui chơi, cắm trại, thưởng thức không khí mát lành của sông Hồng thổi qua, xua tan đi cái oi nóng của tiết trời mùa hè Hà Nội. 

Từng đàn em nhỏ vui chơi, chạy nhảy tung tăng, thả diều đá bóng; những đôi bạn trẻ quây quần, tán gẫu bên những xiên thịt nướng, mùi thơm lan trong gió chiều; nhóm thanh niên trai tráng tụ tập, rủ nhau lập đội chơi bóng chuyền bên bãi bồi sông Hồng. Tất cả được đắm mình trong không gian thư giãn, bên dòng sông Hồng lấp lánh ánh vàng, dưới ánh hoàng hôn vàng ruộm nhạt nhoà dần đến đỏ nâu. Mặt trời tròn vo đỏ than lặng chìm khuất sau những mái nhà cao lớn…

Ký ức Hà Nội: Dòng sông Hồng thơ mộng, đong đầy kỷ niệm- Ảnh 3.

Đón hoàng hôn bên sông Hồng. Ảnh: Vương Lộc.

Cùng với đó, sông Hồng còn tạo nên một không gian du lịch sinh thái, thu hút người dân từ khắp mọi nơi. Cùng với thảo nguyên hoa Long Biên, thung lũng hoa Hồ Tây, bãi đá sông Hồng ở cuối đường Âu Cơ luôn là điểm hẹn cho tất cả những ai yêu thích vẻ đẹp của hàng trăm loài hoa, muốn được đắm mình trong một "khu sinh thái" bạt ngàn cây xanh, hoa lá và vẻ mát lành của dòng sông Hồng huyền thoại chảy qua đêm ngày.

Giá trị dòng sông Hồng hiện hữu truyền nối bao thế hệ theo thời gian. Và tôi tin còn là biết bao dòng sông khác trên lãnh thổ Việt Nam hoàn toàn làm tiền đề cho du lịch, nghỉ dưỡng và chữa lành… Để tìm kiếm một không gian vui chơi, du ngoạn cuối tuần, bãi đá sông Hồng chắc chắn là điểm đến được nhiều người lựa chọn.

Bạn có biết tại đây có rất nhiều loài hoa được ươm trồng và chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ như cúc vàng, hoa hồng, hướng dương, thược dược, mẫu đơn, đồng tiền…? Mùa nào hoa ấy! Mỗi mùa lại có vẻ đẹp riêng của từng loài hoa khác nhau tô thắm cho cuộc sống. Những người lao công chăm sóc hoa ở đây vẫn kể mỗi buổi chiều họ lại lấy nước từ sông Hồng lên để tưới cho hoa, làm ẩm đất cũng như để hạ nhiệt cho không gian nơi này trong những ngày nóng bức của mùa hè. 

Anh Thắng, nhân viên tại đây kể với tôi, đã làm việc, gắn bó với khu du lịch này đã hơn 5 năm. Anh rất thích không khí trong trẻo, thoáng đãng bên sông Hồng. "Hàng ngày lấy nước sông Hồng tưới tắm cho hoa, được làm công việc làm đẹp cho đời tôi thấy rất vui. Chiều chiều ra ngắm khúc sông Hồng lòng tôi lại thấy xốn xang, tinh thần phơi phới. Tôi cũng yêu dòng sông này lắm", anh tâm sự.

Ký ức Hà Nội: Dòng sông Hồng thơ mộng, đong đầy kỷ niệm- Ảnh 4.

Buổi chiều cắm trại, vui chơi bên sông Hồng, đoạn qua cầu Vĩnh Tuy. Ảnh: Vương Lộc.

Xây dựng cảnh quan, khu sinh thái bên cạnh dòng sông thực sự có một lợi thế tự nhiên rất lớn. Nếu tận dụng tốt tiềm năng cá nhân tôi thấy chúng ta có thể phát triển đa dạng hơn các loại hình du lịch, nghỉ dưỡng, phục vụ nhu cầu của đông đảo du khách. Có dòng sông chảy qua như thể có một "chiếc điều hoà tự nhiên", tiền đề tốt để phát triển các loại hình dịch vụ thư giãn, chữa lành. Giá trị kinh tế về mảng dịch vụ từ sông Hồng nói riêng và nhiều con sông khác nếu khai thác hiệu quả là vô tận!

Sông Hồng, một biểu tượng văn minh (văn minh sông Hồng) trong dòng chảy của lịch sử, luôn được nhắc nhớ đến và đi vào thi ca nhạc hoạ. Từ quá khứ cho đến nay và mãi về sau này, dòng sông ấy vẫn là cội nguồn của lịch sử, kiến tạo kinh tế quốc gia, nơi bắt đầu cho cuộc đời của biết bao con người và tất nhiên với vô vàn kỷ niệm, mảnh ghép ký ức. 

Với riêng tôi, sông Hồng gắn bó những tháng ngày thơ ấu, khi lớn lên, học tập và sinh sống xa nhà sông Hồng vẫn chất chứa nhiều kỷ niệm khó phai. Nếu dòng sông Hồng mặt kia thuộc về quốc gia, lịch sử thì mặt kia có một phần nào đó thuộc về ký ức của riêng tôi.

Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội 2024 chính thức nhận bài dự thi từ ngày 10/7/2024 và kết thúc ngày nhận bài dự thi 30/9/2024. Tổng kết và trao giải cuộc thi vào đầu tháng 10/2024 tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).

Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem