Đinh Thành Trung (Hà Nội)
Thứ năm, ngày 11/07/2024 07:20 AM (GMT+7)
Thỉnh thoảng, những ký ức tuổi thơ gắn liền với vỉa hè Hà Nội cứ hiện lại trong tâm trí tôi. Đó là kỷ niệm tôi đi cắt tóc trên vỉa hè đường Phan Đình Phùng đầy quả sấu rơi.
Ba mươi năm trước, con đường Phan Đình Phùng đã đông đúc và nhiều xe cộ. Các bà, các mẹ gánh hàng rong bán đồ ăn qua lại, mấy chú xe đạp chở đồ gia dụng và lũ trẻ chơi trên vỉa hè. Tôi nhớ mình vẫn thường đùa với lũ bạn khi đi cắt tóc: "tớ đi gạt tóc đây".
Là đứa trẻ nghịch ngợm gọi chú thợ vỉa hè là "ông gạt tóc" như thế, vậy mà nhận lại điệu cười như nắc nẻ của bạn bè. Vì câu đó đúng theo nghĩa đen. Cũng bởi chú thợ cắt tóc làm việc nhanh quá. Xoẹt, cụp, vuốt cái là xong.
Phố bụi. Vỉa hè lá chạy quanh nhờ gió. Hôm ấy gió cuốn lá đi. Cuốn luôn cả mớ tóc tỏa đi tứ phía. Chú thợ dừng cắt, dùng cây chổi quét gom lại. Thấy gió to quá, chú chạy đi lấy xẻng hót cho vào sọt rác. "Làm cái nghề này mà xả rác thì ngại lắm, khổ chị em lao công quét đường", chú vừa làm vừa trò chuyện với tôi.
Cũng cần phải có người dọn chứ. Bình thường thì công nhân vệ sinh đã dọn rồi, nhưng lá cứ rơi liên tục nhờ làn gió vút bay. Chú thợ cắt tóc "kiêm" luôn dọn lá trên vỉa hè. "Thì để người ta dễ đi hơn ấy mà. "Rõ ràng lý do đó sai sai. Thì quen tay vận động rồi. Ngồi không đọc hết tờ báo thì đâu còn gì làm, chỉ đợi khách thôi", chú khẳng định chắc nịch.
Chú thợ vui nhất vì có khách nói chuyện cùng. Nhưng miệng càng nói thì tay càng phải tập trung vào kéo để cắt cho chuẩn. "Nếu không tập trung mà lỡ tay làm khách chảy máu thì coi như danh dự nghề nghiệp mấy chục năm đi tong đó nhé. Có người cứ tưởng chú lơ đãng nhưng chú quen rồi nên dù nói chuyện thì vẫn cắt tốt", chú nói với tôi cứ như bạn tâm giao, dù chỉ là một cậu bé tiểu học.
"Cháu là khách mà, khách hàng là thượng đế." Câu cửa miệng của chú làm đứa trẻ tưởng tượng mình đang ngồi trên ngai vàng cao quý. Còn đối với chú thợ, ai cũng như nhau thôi, đã là khách thì đều phải phục vụ cho tốt. Đến cả ngôi sao hay ca sĩ thì chú bảo quay đầu đi đâu là phải nghe ngay", tôi bật cười đến rung cả gáy trước sự so sánh của chú.
Chú liến thoắng trò chuyện với khách theo cái kiểu của mình, hòa thành bầu không khí chính họ tạo ra. Họ ở đây là một dãy gồm ba người thợ cắt tóc ngồi với nhau trên đoạn vỉa hè nhộn nhịp. Đó là vương quốc của "chiến sĩ gạt tóc" như mấy chú bông đùa.
Cảm giác thích thú xen lẫn hồi hộp từ thuở bé thơ. Tách tách, xoẹt xoẹt. Tiếng kéo cắt và tiếng tông đơ cứ thế đan xen, tạo thành âm thanh độc nhất vô nhị của các chú thợ. Chỉ nghe âm thanh thôi mà tôi đã cảm nhận được sự tinh tế và tâm huyết của mấy chú rồi.
"Cũng nhiều năm chú làm cái nghề này rồi cháu ạ", chú vừa cắt vừa nói chuyện, tiếng cứ nhỏ to sau lớp khẩu trang. Nghề cắt tóc ở đường phố, nghe bình thường nhất trong những điều bình thường đúng không. Nghề giản dị mà không phải ai cũng làm được. Phải có hoa tay cả đấy. Luyện tay cắt cho đồng đội bao nhiêu năm trời. Đơn vị nào mà có tay cắt tóc thành thạo như thế là ngon lắm đấy.
Mà cũng vì thế, chú chỉ thạo cắt tóc cho nam. Đây không phải là nghệ thuật hay gì hết. Chú cứ thủ thỉ như thế, tiếng lòng của cuộc đời cũng đi qua một thời chắc tay súng như bao anh em khác mà thôi. Chỉ có chút riêng là xuất ngũ thì có cái nghề kiếm ăn được.
Trên đường phố, một trong những nghề mưu sinh thường thấy nhất là cắt tóc. Nghề này cũng được coi là cần kỹ năng cao mới duy trì được. Không giống như các hiệu cắt tóc thuê mặt bằng đàng hoàng, các chú thợ vỉa hè lại phải trông trời trông đất trông mây. Gặp hôm mưa buồn nẫu ruột, chỉ biết hát nghêu ngao mong mỏi cơn mừa dứt sớm. Đó là những ngày chán nhất. Thế là chú lần mở sách ra ôn lại mấy câu tiếng Anh để "lỡ có dịp gặp người nước ngoài thì nói". Rồi chú lại tự cười, vì nhớ ra mình không thạo cắt mấy kiểu thời thượng cho giới trẻ bây giờ.
Tay kéo chú vẫn đưa tanh tách trong gió bay phần phật. Thi thoảng tôi lại liếc qua vỉa hè phía trước. Trong chiếc gương treo trên cây là bóng hình hai nữ học sinh diện áo dài trắng lướt qua gió với tóc hơi chút nghiêng bay. "Gió này chỉ đủ để thổi mấy sợi tóc vừa cắt thôi".
Ba chục năm sau, tôi vẫn nhớ về câu bông đùa của chú. Hóa ra còn cả ý sâu xa mà một đứa trẻ con không nghĩ tới. Bây giờ là năm 2024 rồi, trên đường phố Thủ đô vẫn còn có nhiều anh em thợ cắt tóc làm việc. Họ cũng góp phần tạo nên một góc nhỏ trong nét văn hóa đặc sắc của Hà Nội.
Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội 2024 chính thức nhận bài dự thi từ ngày 10/7/2024 và kết thúc ngày nhận bài dự thi 30/9/2024. Tổng kết và trao giải cuộc thi vào đầu tháng 10/2024 tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).
Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.