Tôi nhớ lắm cái hồi ông bà ngoại cùng cha mẹ khi còn sống ở ngoại thành Hà Nội. Ngày trước, thế hệ 8x chúng tôi, gia đình phải lo ăn từng bữa một. Mỗi khi chúng tôi học xong nửa buổi ở trường là về phụ giúp công việc gia đình cho ông bà cha mẹ, nếu nhỏ tuổi phụ giúp trông em, nhà cửa, phơi thóc lúa, còn lớn tuổi hơn thì theo ông bà cha mẹ ra ruộng trồng lúa, ngô, khoai.
Cuộc sống vất vả nhưng mọi người có nhiều thời gian được sống quây quần gần gũi yêu thương nhau trong từng bữa ăn giấc ngủ, cùng với biết bao món ăn dân dã, những trò chơi dân gian chơi cùng chúng bạn hay đêm về được ngồi chiếc chõng tre cùng gia đình chuyện trò rôm rả. Cuộc sống thật yên bình và hạnh phúc biết bao.
Tôi chẳng thể quên được cái món tương bần, đã gắn liền trong suốt tuổi thơ tôi ở ngoại thành Hà Nội. Người dân nơi chúng tôi sống chỉ trông vào mấy sào ruộng lúa và trồng ngô khoai.
Quanh mỗi nhà lúc nào cũng sẵn thóc, ngô khoai và những đống rơm cùng bể nước mưa và 1 lọ tương để chế biến đồ ăn. Tương bần được làm từ đậu tương và gạo. Nhà nào có điều kiện thì làm bằng gạo nếp, còn lại đa số người dân chỉ làm bằng gạo tẻ.
Hạt gạo sau khi nấu thành cơm sẽ bỏ ra cái nia lớn ủ cho lên mốc, sau đó kết hợp đậu tương đem rang chín thơm say nhỏ. Tất cả nguyên liệu bao gồm cả muối, nước mưa được cho hết vào một cái chum đậy lại bằng 1 tấm vải mỏng sau đó úp nắp lên vò tương để tránh côn trùng, kiến gián.
Chum đựng tương để nơi có ánh sáng mặt trời chiếu vào thì tương càng thơm và ngon ngọt béo ngậy. Cạnh cái vò tương là cái thìa múc tương được làm từ thân cây che. Ủ vài tháng kiểm tra nếu ngả màu vàng và mùi thơm ngào ngạt là đem ra ăn.
Món tương bần hồi đó không thể thiếu được trong từng bữa ăn của chúng tôi. Trong mâm cơm luôn có chén tương để chấm thêm với món rau muống luộc.
Thậm chí món tương bần mà đem nấu với nải chuối tiêu hái ở vườn về cho tí mẻ, thêm tí rau thơm thì mỗi người cũng hết veo đôi ba bát cơm.
Hồi đó, anh em bạn bè chúng tôi thường đến nhà nhau chơi kể chuyện cho nhau nghe và ăn cơm với tương bần. Mỗi đứa 1 bát cơm gạo tẻ trắng chan thêm một tí tương bần lên ăn cùng với cây chuối non thái trộn tí rau thơm tía tô, mùi tàu cũng chén hết vài ba lưng cơm.
Tôi cũng chẳng thể quên được những món ngon mà ông bà ngoại cũng như bố mẹ nấu với món tương bần. Những dịp tháng 9 hằng năm gia đình tôi trồng nhiều su hào. Khi thu hoạch lại có nắng hanh, mọi người thái ra từng miếng vừa phải phơi khô sau đó đóng vào từng túi một buộc kín. Su hào phơi khô rửa qua nước rồi cho ít tương vào đun lên mùi thơm ngon, béo ngậy làm sao.
Món tương bần kho với củ cải đường trắng cũng thật sự ngon. Củ cải sau khi thu hoạch ở vườn còn tươi đem gọt cắt ra thành từng miếng và kho với tương bần, ăn trong thời tiết lạnh của mùa đông thì vô cùng hạnh phúc ngọt ngào, yêu thương.
Ở quê chúng tôi hồi đó, những dịp lễ chùa hay hội làng chẳng ai quên cái món bánh đúc chấm với tương bần cả. Dịp hè, bà ngoại và mẹ tôi hồi đó hay đi đình, chùa nên mỗi khi về kiểu gì cũng cho tôi vài bát bánh đúc.
Giờ đây ông bà cha mẹ tôi không còn nữa, cuộc sống khá lên và có nhiều món ăn ngon. Xong trong tâm trí tôi món tương bần ngày xưa được ăn vẫn là món ngon nhất, hạnh phúc và ngọt ngào nhất.
Tôi luôn thầm cảm ơn cuộc sống, cảm ơn ông bà ngoại, bố, đặc biệt mẹ Nguyễn Thị Bẩy (Thôn Kỳ Dương, xã Chương Dương, Thường Tín, Hà Nội) đã sinh tôi ra và nuôi dạy bảo tôi khôn lớn như bây giờ.
Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.