Ký ức Hà Nội: Kỷ niệm tuổi thơ về chợ Đồng Xuân cổ tích

Phạm Thị Yến (Sơn La) Thứ năm, ngày 18/07/2024 06:22 AM (GMT+7)
Tôi không phải người Hà Nội nhưng cứ mỗi lần may mắn được về Thủ đô thăm lại mảnh đất cho tôi nhiều ký ức cùng kỉ niệm đẹp thì trong tâm trí tôi luôn có một sự háo hức, mong chờ như đứa con đi xa lâu ngày được về thăm nhà, thăm mẹ, thăm quê hương.
Bình luận 0

Có lẽ, cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa bao giờ quên cái cảm giác lần đầu tiên được thấy những bọc hàng lớn, những cơ man nào là quần áo đủ chủng loại hay những chiếc cặp sách, tập vở, những hộp bút nhỏ xinh,... Tất cả những thứ ấy đều được bố tôi nhập về từ chợ Đồng Xuân của Thủ đô xa lắc để mẹ tôi mang ra chợ bán. 

Hà Nội cái ngày xưa ấy, mà như bố tôi hứa: "Mấy đứa cứ học giỏi rồi sẽ có ngày bố cho về Hà Nội chơi. Hà Nội đẹp lắm!",...

Vâng! "Hà Nội đẹp lắm" câu nói khẳng định và có phần quả quyết ấy của bố khi nói với mấy chị em chúng tôi  lúc còn nhỏ. Và chúng tôi coi như một câu chuyện cổ tích cùng mơ ước sẽ có lần được bố cho về Hà Nội thăm Thủ đô. 

Ký ức Hà Nội: Kỷ niệm tuổi thơ về chợ Đồng Xuân cổ tích- Ảnh 1.

Chợ Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Phạm Thị Yến.

Và với mỗi đứa trẻ miền núi như tôi ngày ấy việc được nghe những câu chuyện về Hà Nội đã là một niềm vinh dự để sớm mai đến lớp có thể "lấy le" với mấy đứa bạn với câu mở đầu về Hà Nội như: "Bố tớ bảo Hà Nội..." hay lắm ". Tớ sắp được đi Hà Nội rồi...

Và rồi, lời hứa "cổ tích" của bố đã trở thành hiện thực khi lần đầu tiên tôi được theo bố về chợ Đồng Xuân, năm đó tôi 12 tuổi. Chợ Đồng Xuân hiện ra trước mắt tôi thật lớn, lớn như người khổng lồ, sầm uất, nhộn nhịp hơn gấp nhiều lần khu chợ mẹ tôi bán hàng ở quê. 

Chợ đông đúc đến nỗi bố phải dặn đi dặn lại: "Không được chạy lung tung, phải đi cạnh bố không là lạc". Còn tôi khi ấy chẳng cần bố nhắc mặc dù tay vẫn bám chặt vào áo bố, nhưng sự hào hứng, phấn khích vẫn khiến tôi như muốn rời khỏi bố mà chạy để chiêm ngưỡng những mặt hàng, những bộ váy công chúa nhiều tầng mà tôi chỉ thấy trên tivi hay các cô công chúa mặc trong các câu chuyện cổ tích. Và trong tôi khi ấy chỉ thấy rằng: " Chỉ có chợ Hà Nội mới đông vui, nhộn nhịp đến như thế".

Sau khi cùng bố dạo qua các gian hàng san sát nhau cùng câu chào hỏi thật niềm nở, thân tình: "Con gái được theo bố về Hà Nội chơi à? Phải bảo bố cho đi nhiều nơi nữa nhé!" Tiếng của các bác, các cô bạn hàng của bố khiến tôi ngượng ngùng chỉ biết nem nép vào lưng chiếc áo bay đã có chỗ sờn đi, vai áo bàng bạc theo những chuyến hàng mưu sinh của bố ngày ấy.  

Rồi bố còn cho tôi sang khu chợ vô cùng rực rỡ mà mãi sau này lớn lên được thăm lại "Thủ đô cổ tích" tôi mới biết đó là phố Hàng Mã với cơ man nào là những mặt hàng thủ công đó là những chiếc đèn ông sao làm bằng túi bóng đỏ dán nhiều hình lấp lánh, những chiếc mặt mặt nạ Tôn Ngộ Không và có cả những chiếc bờm như chiếc vương miện của các cô công chúa,... Khỏi phải nói, niềm vui trong tôi nó nhảy múa, tim tôi đập nhanh, mạnh bởi sự thích thú. Bố bảo: "Sắp tới Tết trung thu, bố nhập thêm hàng đồ chơi để mẹ con bán,..."

Rồi tôi được bố đưa đi thăm hồ Hoàn Kiếm, được ăn kem Tràng Tiền và với tôi đó là cây kem ngon nhất đời vì tôi được ăn kem ở Hà Nội. Những khu phố con đường tôi được cùng bố đi qua trên chiếc xe xích lô có bác ngồi trên chiếc xe đạp đầu đội mũ cối chở. Bác vừa chở hai bố con tôi vừa như một hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về Hà Nội về những địa danh tôi được đi qua. 

Hà Nội trong tôi khi ấy ngoài sự sầm uất, nhộn nhịp còn là hình ảnh của những sạp báo giấy, những quán cà phê, quán nước vỉa hè và cơ man nào là thức quà của đồng quê, của những người nông dân bình dị trên những gánh hàng rong của các cô, các bác gương mặt rịn đỏ mồ hôi nhưng những tiếng rao và nụ cười như hòa vào nắng thu theo gió bay vút lên nền trời xanh thẳm. 

Tôi thấy cả sự lam lũ, vất vả mưu sinh của bác đạp xích lô khi bác được bố tôi hỏi: "Hà Nội dễ sống không bác? Chắc ổn hơn quê mình bác nhỉ! Rồi bác cười hiền, thủng thẳng nói: "Cũng nhọc nhằn, vất vả lắm chú ơi nhưng Hà Nội dễ sống chú ạ. Chỉ cần ta yêu thương Hà Nội thì Hà Nội sẽ bao dung với ta". Tôi khi ấy không hiểu hết ẩn ý trong câu nói của bác nhưng tôi thấy cả bố tôi và bác đều cười, nụ cười lấp lánh niềm vui,...

Để rồi, chia tay Hà Nội, chia tay sự sầm uất đông vui nhộn nhịp chia tay cả những gánh hàng rong đơn sơ giản dị mà ăm ắp hương vị quê nhà gần gũi thân thương trong tôi có sự nuối tiếc, bịn rịn chẳng muốn rời xa. Cho đến khi bố động viên: "Cứ ngoan, học giỏi sau này bố lại cho về Hà Nội. Mà có khi lớn chả cần đến bố đưa, con gái bố sẽ tự đi bằng đôi chân của mình".

Ký ức Hà Nội: Kỷ niệm tuổi thơ về chợ Đồng Xuân cổ tích- Ảnh 3.

Gian hàng bán vải vóc, đồ lưu niệm bên trong chợ Đồng Xuân. Ảnh: Phạm Thị Yến.

Lời động viên khi xưa ấy của bố một lần và nhiều lần nữa đã trở thành hiện thực. Giấc mơ "cổ tích" trong tôi với Hà Nội không còn là giấc mơ. Bởi rất nhiều lần tôi được trở lại thăm Thủ đô, thăm lại ký ức của những ngày tôi còn ấu thơ được bố dẫn đi, chở che và bảo vệ. 

Tôi đã thăm lại phố cổ, thăm chợ Đồng Xuân ngôi chợ lớn nhất trong đời tôi được ghé và còn là niềm tự hào trong những câu chuyện tôi khoe với chúng bạn. Chợ Đồng Xuân vẫn vậy, đông vui tấp nập, nhộn nhịp như cái ngày xưa tôi còn nhỏ chỉ có điều các khu phố nơi đây giờ đã phát triển và sầm uất hơn thật nhiều. Đặc biệt Đồng Xuân còn còn họp chợ đêm vào dịp cuối tuần. Chợ đêm nơi đây nhộn nhịp hơn cả ngày thường nhất là về khuya. Một nét văn hóa độc đáo của người Hà Nội. 

Dạo bước qua hồ Hoàn Kiếm ngắm nhìn tháp Rùa, đền Ngọc Sơn uy nghi trầm mặc. Thưởng thức ly kem Tràng Tiền tôi như thấy lại sự ngọt ngào, yêu thương, trìu mến ân cần cùng lời nhắc: "Ăn từ từ thôi con. Hết bố lại mua". Ly kem Tràng Tiền Hà Nội vẫn thơm ngon, ngọt béo và mát lành như ngày xưa tôi từng được ăn bên bố. 

Nhưng nay sao tôi thấy thiếu thiếu, thấy nhớ nhung cùng sự khắc khoải về đấng sinh thành đã không còn bên tôi để tôi thỏa sức nũng nịu mong được đón nhận sự vỗ về, yêu thương ngay tại mảnh đất tinh hoa hội tụ, năng động phát triển nhất nhì cả nước.

Và tôi chợt phát hiện ra một điều thật thú vị rằng ngay tại trái tim yêu kiều luôn ấm nóng tình yêu thương này, bên cạnh một Hà Nội có thể khiến người ta ngỡ ngàng, choáng ngợp rồi trầm trồ thán phục bởi sự phát triển không ngừng nghỉ theo hướng văn minh, hiện đại.

Cùng với đó là những tòa nhà cao chọc trời, với những tuyến phố con đường luôn nhộn nhịp, đông đúc người qua lại, những khu đô thị sang trọng,... nhưng ta cũng dễ dàng bắt gặp những hình ảnh bình dị, thân thương, hồn hậu của những người mẹ quê bên gánh hàng rong, bên chiếc xe đạp chở những mùa hoa thơm ngát của Hà thành hay nét trầm mặc, cổ kính của những ngôi nhà, con đường mang nặng ký ức lịch sử hay chính nét văn hóa lâu đời luôn được gìn giữ và lưu truyền theo thời gian.

Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem