Ký ức Hà Nội: Kỷ niệm gần 30 năm gắn bó với cụ rùa Hồ Gươm

PGS Hà Đình Đức Thứ bảy, ngày 26/08/2023 09:25 AM (GMT+7)
Hà Nội một ngày thu tháng 8/2023 dạo quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, nhìn lớp sương mờ lơ lửng trên mặt hồ quanh tháp rùa, ký ức về cụ rùa ngày nào lại ùa về trong tôi.
Bình luận 0

Tháng 10/1959 rời miền quê xứ Thanh, tôi ra Hà Nội học tập, công tác.  Đến tháng 3/1991, lần đầu tiên tôi "gặp"cụ Rùa bơi trên mặt nước Hồ Gươm. Cũng vào cuối năm đó Công ty Dịch vụ khai thác Du lịch thuộc Sở Văn hóa & Thông tin Hà Nội mời tôi nghiên cứu về loài rùa quý Hồ Gươm. Kể từ đó tôi gắn bó với cụ Rùa.

Ký ức Hà Nội: Gần 30 năm gắn bó với cụ rùa ở Hồ Gươm - Ảnh 1.

PGS Hà Đình Đức chụp ảnh với cụ rùa Hồ Gươm. Ảnh nhân vật cung cấp

Tôi lần dở lại những trang huyền thoại trong dân gian về thần Kim Quy trong chuyện xây thành Cổ Loa. An Dương Vương được thần Kim Quy cho mượn thanh Bảo Kiếm chém đầu Gà Tinh Trắng, kẻ phá kế xây thành của nhà vua. Sau đó thần Kim Quy bứt cái móng chân mình trao cho An Dương Vương làm lẩy Nỏ thần, đánh tan quân ngoại xâm. Xong việc nhà Vua không trả lại móng cho thần Kim Quy. Triệu Đà dùng mưu kế vô hiệu hóa Nỏ thần nên đã mất nước.

Đó là quy luật "Vay – Trả" để giữ chữ "Tín". Lê Thái Tổ rút ra bài học đó nên đã trả gươm cho Thần Rùa sau khi chiến tranh kết thúc. Hành động này là lòng khát khao yêu chuộng "Hoà Bình" (gác binh khí chấm dứt chiến tranh) trở thành biểu trưng Văn hóa của dân tộc Việt Nam và cũng là biểu trưng của thủ đô Hà Nội "Thành phố vì Hòa Bình".

Gần ba mươi năm qua cụ Rùa và Hồ Gươm để lại trong tôi biết bao kỷ niệm sâu sắc. Đó là 10 công văn từ Văn phòng Chính phủ, gửi cho tôi và các cơ quan về Rùa Hồ Gươm và Hồ Gươm. Tôi trả lời hàng trăm cuộc phỏng vấn về Rùa Hồ Gươm trên các hãng thông tấn trong và ngoài nước, viết hàng trăm tin và bài Rùa Hồ Gươm và Hồ Gươm.

Ký ức Hà Nội: Gần 30 năm gắn bó với cụ rùa ở Hồ Gươm - Ảnh 2.

PGS Hà Đình Đức dạo bộ quanh Hồ Gươm. Ảnh nhân vật cung cấp

Dấu ấn đầu tiên là ngày 26/12/1991, ông Đào Quang Thép - Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội mời tôi ghi hình bài nói về Bảo vệ Rùa Hồ Gươm có hình cụ Rùa đang bơi trên mặt hồ. Phóng sự phát sóng sáng 29/12/1991. Bài này cũng đăng trên Báo Hà Nội mới ngày 9/2/1992 với tiêu đề Hãy gìn giữ lấy báu vật Hồ Gươm.

Năm 1992, tôi đã ngăn được Dự án nạo vét Hồ Hoàn Kiếm bằng cơ giới (hút 100 ngàn mét khối bùn đổ ra sông Hồng rồi bơm nước sông Hồng vào hồ của Sở Giao thông Công chính), tránh sự xáo trộn môi trường ảnh hưởng đến đời sống của cụ Rùa. Kết quả, dự án phải nạo vét thủ công.

Ngày 19/11/1993, cụ Rùa lên nằm trên Gò Rùa bên chân Tháp phía đường Lê Thái Tổ. Đầu rùa ngẩng cao như đang hướng về phía tượng vua Lê. Hai phóng viên Hoàng Luật và Quốc Cường chụp được tấm ảnh quý giá này đưa tin Hà Nội mới ngày 20/11/1993; Lao Động ngày 23/11/1993 (Hội thảo Quốc tế về Tuần lễ Bảo tồn và Tôn tạo Hà Nội lần thứ nhất từ 14 đến 20/11/1993)

Ngày 23/8/2000, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng, Sở Văn hóa & Thông tin Hà Nội sửa đầu đao trên nóc Tháp Rùa đã mời tôi và GS. Trần Lâm Biền, Đài Truyền hình Trung ương và Đài PT TH Hà Nội ra chứng kiến. Khi thuyền ra đến giữa hồ thì cụ Rùa nổi bơi về hướng chúng tôi. lúc đó là 10h14 phút. Khi Truyền hình Trung ương đang phỏng vấn tôi thì cụ nổi lúc 11h07 phút.

Ngày 27/9/2000 Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khánh thành Khu tưởng niệm vua Lê, cụ Rùa lên nằm gối đầu vào kè đá dưới đám rễ si bên chân Đảo Ngọc từ 8h20 đến 10h20 trước sự chứng kiến của nhiều quan chức Hà Nội.

Ký ức Hà Nội: Gần 30 năm gắn bó với cụ rùa ở Hồ Gươm - Ảnh 3.

Cụ rùa ở Hồ Gươm đã để lại trong ký ức của biết bao người dân Hà Nội mỗi khi cụ nổi lên hoặc lên tháp rùa tắm nắng. Ảnh: Hà Đình Đức

Ngày 2/3/2002 hãng Thông tấn Roi tơ (Reuters: Sat. 2 Mar 2002 14:24:03) đưa tin: Người dân Hà Nội thường tin rằng cụ Rùa nổi, thường liên quan đến sự kiện trọng đại (big event). Theo bà Lưu Thị Thủy đó là chuyến thăm của một vị nguyên thủ Quốc gia vừa kết thúc.

Sau đó liên tiếp nhiều sự kiện lớn của thủ đô và đất nước cụ rùa đều nổi như ngày Giải phóng Thủ đô, Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội cụ Rùa bơi trên mặt Hồ Gươm trước sự chứng kiến của hàng nghìn nhân dân và khách du lịch quanh Hồ…

Đến nay, cụ rùa đã chết nhưng hình ảnh cụ Rùa còn mãi trong tôi suốt cuộc đời. 

PGS.TS Hà Đình Đức đã được Đảng, Nhà nước trao tặng và ghi nhận những danh hiệu cao quý:

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2005

- Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội năm 2010 và năm 2011 (bảo vệ rùa hồ Hoàn Kiếm)

- Chứng nhận đóng góp cho các hoạt động 1000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2011

- Danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2010 - Danh hiệu "Người tốt, việc tốt" hai lần: Năm 1986 và năm 2004

- Công dân Thủ đô ưu tú năm 2012

- Giải thưởng Hồ Chí Minh (đồng tác giả) về cụm công trình Động vật chí Việt Nam và Thực vật chí Việt Nam; Sách Đỏ và Danh mục Đỏ Việt Nam năm 2012

- Trí thức tiêu biểu Thủ đô năm 2014

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem