Dù đã đi qua quá nửa đời người nhưng chưa lần nào trái tim tôi không loạn nhịp khi bài hát "Xin chào Việt Nam" được cất lên báo hiệu máy bay đáp xuống Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Tôi biết, mình đã trở lại Hà Nội yêu dấu, nơi tôi sinh ra, lớn lên và gắn bó phần lớn cuộc đời mình. Lần trở lại Hà Nội này càng thêm xúc động khi tôi sẽ được gặp lại không chỉ người thân mà cả những người bạn đang định cư ở nơi cách tôi đến nửa vòng trái đất.
Nơi tôi sống là phường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, một quận phía Tây Hà Nội. Nhưng trước kia, đây là một xã và phần lớn người dân nơi đây sinh sống bằng nghề nông. Lũ trẻ cả xã chúng tôi học chung một trường tên Phổ thông cơ sở Phú Minh B.
Ngôi trường của chúng tôi đơn sơ, gồm những dãy nhà cấp 4 lợp ngói đỏ nép dưới những tán bàng, tán phượng xanh ngắt. Khi tôi học hết lớp 5, trường mới tách ra thành hai trường: cấp I và cấp II, đồng thời xây thêm một dãy nhà hai tầng. Lớp 6A chúng tôi ban đầu vẫn học ở dãy nhà cấp 4, mãi sau này chuyển lên căn phòng đầu tiên, bên trái của dãy nhà 2 tầng.
Tuy lớp tôi là lớp chọn duy nhất của khối nhưng nhiều học sinh không thực sự chú tâm vào việc học lắm. Một phần vì cuộc sống ngày ấy còn thiếu thốn, phần khác không phải bạn nào cũng được định hướng theo con đường học hành. Tôi và một số bạn có điều kiện tốt hơn, tuy bố mẹ không phải là nông dân nhưng vẫn phụ giúp gia đình chăn nuôi và trồng lúa, hoa màu để cải thiện cuộc sống.
Ngày ấy, chúng tôi chỉ đi học một buổi. Thời khóa biểu của tôi là: sáng đi học, trưa câu cá, chiều ra cánh đồng giúp bố mẹ việc vặt và tranh thủ khi thì rong chơi với đàn bò, khi đi đổ dế, thả diều, chạy đuổi nhau với bạn bè nên tối về, tôi thường chỉ học một lát là gấp sách vở đi ngủ. Vậy nên tôi học hành cũng chẳng lấy gì làm khá lắm. Không ít bạn lớp tôi cũng vậy. Thậm chí, có bạn, cô giáo còn lo không tốt nghiệp được cấp II. Không biết cô nói thật hay nói vậy để chúng tôi chú tâm việc học hành hơn.
Tôi tuy là nữ sinh, nhưng lắm lúc vẫn để các thầy cô giáo phiền muộn. Bởi tôi chẳng bao giờ tranh thủ giờ ra chơi để ôn bài hay trao đổi bài vở với bạn bè. Cứ trống báo hết tiết là tôi rủ các bạn nam chơi cờ.
Khi thì cờ ca rô, lúc lại cờ tướng, cờ vua. Tôi thường "thủ" bộ cờ tướng hoặc cờ vua trong một chiếc bít tất cũ, nhét vào một góc trong cặp sách. Chơi cờ ca rô, tôi sẽ xé vở ghi bài. Mỗi lần chơi là kéo theo các bạn xúm quanh hò hét cổ vũ xem ai thắng ai thua. Chẳng là tôi đi học sớm nên kém các bạn cùng lớp 1 tuổi, lại là nữ nên thường được các bạn ưu ái hơn.
Thời gian cứ thế trôi đi. Đến năm lớp 8 chúng tôi có cô giáo chủ nhiệm đồng thời là cô giáo dạy Toán mới. Cô tên là Lê Bích Hợp, vốn là người gốc Bắc, vừa chuyển từ miền Nam ra. Cô không chỉ là một giáo viên giỏi chuyên môn mà còn dành tâm huyết rất lớn cho học trò.
Tôi không biết có phải vì cô có con gái cũng bằng tuổi chúng tôi hay không mà cô tâm lý và hiểu chúng tôi đến vậy! Cô xuất hiện khi chúng tôi bước vào độ tuổi dở dở ương ương và có tinh thần chống đối vô cùng mạnh mẽ. Vậy mà cô đã dẹp được hết "lũ giặc cỏ" chúng tôi và đưa lớp về đúng quỹ đạo.
Nhớ về cô, tôi thường nhớ tới một kỷ niệm thật đẹp đẽ, xúc động, xen lẫn một chút xấu hổ. Ngày ấy, giữa thầy cô giáo và học trò thường có một chút khoảng cách. Thế nhưng, với cô, điều đó không tồn tại. Chỉ một thời gian ngắn sau khi tiếp quản lớp và nhận ra không ít học sinh bất ổn, với vai trò của mình, cô đã dành nhiều buổi chiều đến thăm nhà từng trò, nắm bắt hoàn cảnh của mỗi học sinh từ đó có những điều chỉnh phù hợp.
Một tuần liền, cô cùng chúng tôi đi bộ quanh 4 ngôi làng của xã để thăm hết lượt nhà các trò. Làng tôi có nhiều học sinh và gần trường nhất nên sẽ đi cuối cùng. Hôm ấy, khi chỉ còn nhà vài bạn nữa sẽ đến nhà tôi thì trời đã bắt đầu tối và trở lạnh vì mùa đông sắp về.
Bạn nào cũng lo lắng, muốn cô trở về nhà, vậy mà tôi lại nài nỉ: "Cô ơi, cô có thể tới nhà em không? Chẳng là em thường kể chuyện ở lớp với bố mẹ em, bố mẹ em rất muốn được gặp cô. Mà tuần sau bố em sẽ đi công tác vài năm mới trở về ạ". Cô liền gạt những lo lắng của các bạn đi và bảo tôi dẫn cô đến nhà mình.
Khi cô ngồi xuống bên hiên nhà trò chuyện với bố mẹ tôi đi chuẩn bị nước. Sờ đến bộ ấm chén, tôi bỗng giật thót. Bộ ấm chén vàng khè do trà đóng cặn. Sáng nay tôi đã quên không rửa ấm chén trước khi đi học.
Tôi không biết xử lý ra sao vì bây giờ đi lấy tro bếp để cọ thì biết bao giờ mới có trà mời cô đây? Vậy là tôi đánh liều để nguyên bộ ấm chén đó và pha trà mang ra. Cô vui vẻ dùng trà và hỏi chuyện công việc, cuộc sống của gia đình. Còn tôi ngồi cúi mặt… Tôi càng cảm phục cô hơn khi sau này biết rằng, ngoài công việc dạy học, cô cũng làm may thêm để trang trải cuộc sống.
Thấm thoắt đã mấy tháng trôi qua, cô trò chúng tôi ngày càng gắn bó. Trước dịp 20/11 năm ấy, chúng tôi dò hỏi nơi cô sinh sống nhưng cô nhất quyết không cho biết. Vậy là lớp tôi cử bạn Khiêm, bạn Sơn mượn xe của phụ huynh và âm thầm đi theo cô sau buổi dạy. Hóa ra nhà cô ở tận khu tập thể của Trường Đại học Nông nghiệp, cách trường cả chục cây số. Và ngày Nhà giáo Việt Nam năm ấy, Khiêm và Sơn dẫn cả lớp đạp xe theo con đường đất gập ghềnh những sống trâu đến chúc mừng cô.
Thoáng chốc đã hơn 30 năm trôi qua. Chúng tôi lớn lên và mỗi đứa lập nghiệp một phương. Xa ở châu Âu, Mỹ, gần thì Sài Gòn, còn lại ở Hà Nội. Không ít bạn ở Sài Gòn, cứ rảnh rỗi là ra Hà Nội một buổi rồi lại đi. Và mỗi lần các bạn về là chúng tôi í ới nhau cùng đi ăn phở hay uống trà. Cô thu xếp được cũng sẽ ghé qua với chúng tôi. Cô trò nói cười, trò chuyện như pháo rang.
Đến bây giờ tôi cũng không biết có phải bởi chính những tình cảm với người thân, bạn bè, thầy cô nhiều yêu mến này không mà đã nhiều lần muốn rời Hà Nội, tôi vẫn không thể dứt áo ra đi. Dù nơi phương Nam nắng ấm, có thể tôi sẽ có cơ hội nghề nghiệp tốt hơn, khí hậu nơi đó cũng phù hợp với một trung niên sức khỏe kém như tôi. Tôi cũng không biết nữa… Chỉ biết Hà Nội, hai từ yêu dấu đã "nắm trọn" thế giới tinh thần của tôi mất rồi. Nên thật khó để rời xa!
Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.