Ký ức Hà Nội: Tiếng tàu điện leng keng vang vọng trên phố cổ thời ấu thơ đáng nhớ

Trần Đình Việt (Khánh Hòa) Thứ bảy, ngày 20/07/2024 09:55 AM (GMT+7)
Tiếng tàu điện kêu leng keng, tiếng rao đêm vang vọng hay tiếng chuông ngân vang của nhà thờ vẫn luôn là những âm thanh quen thuộc, ký ức đẹp trong tôi, nhất là khi phải sống xa Hà Nội.
Bình luận 0

Hà Nội thật đẹp trong ký ức của nhiều người. Với tôi, dù hiện nay đang sống ở Khánh Hòa nhưng trong tâm trí, Hà Nội vẫn luôn là nơi gắn bó với bao kỷ niệm, hoài niệm về chốn cũ thời ấu thơ. Hà Nội không chỉ gắn bó với tôi từ lúc chào đời, mà nơi này còn ăn sâu vào tâm khảm của các thành viên gồm nhiều thế hệ trong gia đình chúng tôi.

Ngày ấy căn hộ của gia đình chúng tôi nhỏ thôi, nhưng lại nằm ngay trên một con phố gần Hồ Gươm. Từ nhà tôi ra đến Hồ Gươm rất gần. Gần tới nỗi mà bọn nhỏ chúng tôi ngày ấy chơi trò "công an bắt gián điệp", chơi "sô vê" chạy chưa đầy dăm bảy phút là ra đến ven bờ hồ rồi.

Khi muốn ăn kem ngon chúng tôi chỉ chạy ù một cái là đã cùng lũ bạn vắt vẻo ở hiệu kem "Bốn Mùa" nổi tiếng Hà Nội. Muốn ăn món nộm đu đủ thịt bò khô thì chạy bộ qua ngõ Bảo Khánh, Hàng Hành vòng qua bến tàu điện Bờ Hồ là tới phố Hồ Hoàn Kiếm, nơi có tiếng nhấp kéo lách tách, giòn tan của một bác người Tàu đứng bán hàng ngay bên góc phố gần rạp Hòa Bình.

Ký ức Hà Nội: Tiếng tàu điện leng keng vang vọng trên phố cổ thời ấu thơ đáng nhớ- Ảnh 1.

Một người phụ nữ đạp xe trên con phố của Hà Nội bán hàng đêm với tiếng rao phát ra từ chiếc loa nhỏ gắn trên xe. Ảnh: Cao Oanh.

Vào mùa Thu, tôi thường tha thẩn dọc ven bờ hồ Hoàn Kiếm ngắm Tháp Rùa trong sương mỗi sớm, lặng lặng nghe tiếng lá rơi. Khi Đông về, tôi thích nhất là những ngày trời giá rét dưới 10 độ C, các trường cho học sinh nghỉ học và thế là tôi có quyền được cuốn mình trong chăn "ngủ nướng" để "nhâm nhi" cái ấm áp mà chỉ mùa đông ở miền Bắc mới có.

Nhưng khi xa Hà Nội, tôi nhớ da diết tiếng chuông Nhà thờ Lớn Hà Nội mỗi sáng sớm. Tiếng chuông trầm ấm, yên bình ngân nga báo giờ đi lễ sớm. Với tôi đó là tiếng chuông nhắc dậy học bài.

Và rồi còn tiếng chuông tàu điện "leng keng" của chuyến tàu sớm đầu phố lúc thì "rè rè", khi thì "the thé" như một "bè" phá cách trong bản giao hưởng "ban mai" được tấu lên vào lúc sớm mai. 

Tôi nhớ lắm những toa tàu điện sơn màu đỏ nâu xưa cũ với cái cần trên nóc uốn cong, thỉnh thoảng tàu lại xẹt lên tia sáng xanh, chói lòa khi đi qua một cây cột điện làm mê hồn lũ trẻ nhỏ chúng tôi. Cái thú của lũ chúng tôi ngày ấy là nhảy tàu và trốn vé. Nhảy tàu là thú chơi mạo hiểm. Chúng tôi nhảy tàu rất thiện nghệ với đủ kiểu, nhưng đẹp nhất là kiểu nhảy xuống xoay một vòng rưỡi trên không rồi tiếp đất trong tư thế đứng ngược 180 độ so với hướng tàu chạy.

Nhảy tàu như một sự thể hiện "cái tôi" của trẻ con nội đô thời đó. Với tôi, nhảy tàu và trốn vé còn là cách để dành tiền mẹ cho mỗi sáng đi tàu đến trường để mua viên bi, mua con quay, mua xèng chơi đáo, để mua cá chọi và dế mèn, mua táo dầm và kem que… vui cùng đám bạn.

Và nhớ đến tàu điện là nhớ đến cả những đường tàu chạy dài giữa phố, bởi chúng là cỗ máy liên hoàn giúp chúng tôi chế ra những đồng "xèng". Những đồng "xèng" làm từ nắp bia được nhặt nhạnh từ các quán ăn, sau khi được gõ dẹt sơ bộ chúng sẽ đặt lên đường ray.

Khi tàu điện đi qua, nắp bia được bánh tàu cán phẳng. Vậy là chúng tôi đã có được những đồng "xèng" tuyệt đẹp để chơi đáo lỗ, đáo tường, chơi chọi xèng. Đó là những trò chơi dân dã của trẻ con được chế từ nắp các chai bia, có lẽ được ra đời ngay sau khi người Pháp mang đến Hà Nội loại thức uống có cồn tuyệt hảo là bia chăng?

Ký ức Hà Nội: Tiếng tàu điện leng keng vang vọng trên phố cổ thời ấu thơ đáng nhớ- Ảnh 3.

Nhà thờ Lớn Hà Nội. Ảnh: Bách Thuận.

Những toa tàu điện ngày xưa, nay không còn. Tiếng leng keng quen thuộc, tia chớp xanh của cần vẹt đã đi vào dĩ vãng, trẻ con bây giờ không có trò chơi "xèng" bụi bặm... tất cả chỉ còn thấp thoáng đâu đó trong những áng văn thơ xưa cũ hoặc trong hoài niệm về Hà Nội của người Hà Nội xưa. Riêng tiếng chuông Nhà thờ Lớn thì vẫn còn bảng lảng mỗi sáng mỗi chiều như những ngày xưa ấy.

Tôi cũng nhớ lắm tiếng rao đêm của những người bán hàng rong với những món ăn dân dã. Cái tiếng rao vời vợi với nhiều âm vực, ẩn chứa bao cung bậc của nỗi nhọc nhằn, mưu sinh, song cũng giàu nhạc cảm, khi thì trầm buồn, khi cao lảnh lót, khi chao chát, luyến láy, ngân nga hút dài theo cơn gió lạnh trong đêm dọc dài con phố.

Tiếng rao như là lời của tâm trạng, tuy vậy, vẫn da diết, đầy quyến rũ, gọi mời vang vọng vào từng con đường, ngõ phố Hà Nội. Thương sao những tiếng rao trong những đêm đông, mưa phùn, giá lạnh!

Tiếng rao của những người bán hàng rong ngày xưa đã làm nên một phần không thể thiếu của văn hóa Hà Nội khi đêm về. Giờ đây, tiếng rao đêm của những người bán hàng rong cùng những món ăn dân dã đã mất dần đi vẻ đẹp của những âm thanh cất lên từ hồn phách của họ.

Một Hà Nội xưa mộc mạc và dịu dàng, sâu lắng và tinh tế dường như đang từng bước lùi dần vào quá khứ. Nhưng với tôi, Hà Nội vẫn luôn đẹp, chan chứa tình yêu vĩnh cửu mãi không phai.

Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem