Ký ức Tết trong tôi: Tết này con sẽ về

Lê Văn Thân Thứ bảy, ngày 01/02/2020 09:00 AM (GMT+7)
Ngày cuối năm. Từng con phố khoác trên mình những tấm áo hồng, áo vàng rực rỡ của sắc đào, sắc mai.
Bình luận 0

Bước chân con người ta ngang qua con phố nhỏ bỗng trở nên vội vàng hơn. Bác bán bánh bao bên lề đường quẹt vội mấy giọt mồ hôi trên trán rồi tiếp tục thổi lửa. Chị lao công nặng nề đẩy chiếc xe thu gom xác lá nằm ngổn ngang khắp mặt đường. Mùa này cây cối rụng lá nhiều khiến công việc của chị trở nên vất vả hơn. Chị sẽ nhanh chóng hoàn thành công việc để kịp đi chợ mua sắm đồ Tết. Tiếng còi tàu, tiếng của anh lơ xe gọi khách trộn lẫn vào không gian tấp nập, huyên náo ngoài kia.

img

Ảnh minh họa

Ngược với dòng chảy hối hả ấy, tôi vẫn ngồi thu lu trong góc quán cà phê quen thuộc. Lặng lẽ nhìn. Đã mấy Tết rồi tôi chưa về thăm mẹ. Sáng nay trời trở lạnh, từng cơn gió rít qua bãi đất hoang cha vừa mới vỡ hôm qua. Mẹ gọi tôi, sóng điện thoại chập chờn, tôi nghe tiếng mẹ đứt quãng phía đầu dây bên kia: “Tết ni mi định về không, năm ni mẹ nuôi được con lợn to lắm”. Tôi bỗng ngậm ngùi và thương nhớ mùi vị Tết quê. Năm mười tám, tôi rời vòng tay cha mẹ lên thành phố học đại học. Những ngày Tết muốn ở lại tranh thủ làm kiếm thêm ít tiền trang trải chi phí học tập nơi thành phố đắt đỏ.

Bạn bè đã bắt xe về quê ăn Tết từ hôm qua. Nhìn chúng nó lỉnh kỉnh đồ đạc với tâm trạng háo hức khiến tôi chạnh lòng. Tôi hứa với mẹ rằng, năm sau con sẽ về ăn Tết với gia đình. Con sẽ ăn hết sạch bánh chưng mà mẹ gói. Mẹ không nói gì, nhưng tôi biết mẹ rất mong tôi về.

Những đêm thức trắng ngồi bên bếp lửa đỏ hồng chờ bánh chín có lẽ chỉ còn lại trong hoài niệm. Ngày còn nhỏ mẹ vẫn thường kể cho tôi nghe sự tích ông Công ông Táo. Tôi ngây thơ và mong ước lớn lên mình có thể cưỡi những chú cá chép bay về trời. Đến bây giờ khi đã trưởng thành tôi chỉ ước mình mãi là một đứa trẻ. Tôi nhớ những lúc sum vầy, đoàn viên bên mâm cơm gia đình trong đêm giao thừa. Tôi nhớ lắm chiếc bánh chưng dẻo quện, thơm mùi đỗ xanh, hành lá, mỡ lợn mà mẹ làm. Tôi thèm đến nỗi ăn no kềnh rồi ôm bụng cười khì khì. Nhưng giờ đây, ở giữa thành phố rộng lớn này, tôi biết tìm đâu vị Tết xưa đã ăn sâu vào kí ức của mình.

Nhìn lũ trẻ đang tung tăng ngoài kia tôi lại nhớ mấy đứa trẻ trong xóm ngày nào. Chiều ba mươi Tết từng đoàn dắt nhau ra con kênh trước ngõ, thi nhau hốt đất về làm loại pháo đất kêu lẹt bẹt chuẩn bị cho thời khắc giao thừa. Hình bóng những đôi chân trần chạy tung tăng trên cánh đồng nở rộ hoa cải vàng dần trôi vào quá vãng. Con phố trước mặt bày bán đủ loại hoa Tết mà sao tôi vẫn nhớ lắm loài hoa mộc mạc ấy.

Và tôi nhớ đến nao lòng những ngày còn nhỏ theo mẹ đi chợ Tết. Tôi vô tư đòi mẹ hết thứ này đến thứ nọ, từ quần áo giày dép mới cho tới những món quà vặt. Tôi cứ nghĩ mẹ còn tiền khi vừa bán xong mớ cải. Có lần tôi hỏi mẹ sao Tết không mua áo mới để mặc. Mẹ bảo: “Quần áo mẹ nhiều, mua mần chi cho tốn kém ra”. Khi chúng tôi trưởng thành, biết lo biết nghĩ hơn thì lại phải đi xa vì công cuộc mưu sinh. Mọi năm có chị gái phụ giúp mẹ những việc lặt vặt trong gia đình, năm nay chị cưới chồng mẹ sẽ phải vất vả hơn.

Từ góc quán, tôi bắt gặp ánh mắt mong ngóng của anh gác chắn tàu. Anh đang dõi mắt theo những chuyến tàu về quê hương. Mỗi chuyến tàu rời bến là một thoáng chạnh lòng, anh cúi đầu xuống rít nốt điếu thuốc còn dở trên tay rồi lững thững bước chân vào trại gác. Sáng nay anh đã đi chọn cho mình một cành đào đẹp nhất về trang trí căn phòng rộng vài mét vuông chỉ để tự an ủi, rằng mình vẫn có cái Tết.

Gọi chị nhân viên gửi tiền cà phê, tôi nhận được một sự ấm áp lạ thường khi nghe được chất giọng Hà Tĩnh đặc sệt của chị. Chị cũng đang tranh thủ nốt mấy ngày cuối năm kiếm thêm ít tiền cho một cái Tết no đủ hơn.

Lòng khắc khoải khi bài hát “Tết này con không về’’ vang lên từ quán nhỏ. Tự nói với mình rằng mẹ cha ta không còn trẻ nữa. Họ mong năm hết Tết đến con cháu có thể quây quần, ngồi lại bên nhau, kể cho nhau nghe câu chuyện của một năm qua. Chỉ thế thôi là đủ.

Rời quán, tôi vội vã trở về nơi phòng trọ ẩm mốc thu dọn đồ đạc và ra thẳng bến xe. Tôi quyết định bỏ công việc được trả lương cao gấp ba lần ngày thường để trở về ăn Tết bên gia đình. Mẹ sẽ phải gói thật nhiều bánh bởi đó là món ăn khoái khẩu của tôi trong ngày lễ Tết. Tôi có thể ăn nó thay cơm mà không bao giờ thấy ngán. Bởi nó là hương vị Tết quê, là ân tình của mẹ.

Mẹ ơi, Tết này con sẽ về!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem