Cách làm khô mặn không khó nhưng tốn công và mất thời gian
Gắn bó với nghề làm cá khô ở cửa biển Sông Đốc đã hơn 10 năm nay, ông Trần Hồng Cẩm, chủ vựa cá Cẩm Vân (ở Khóm 4, thị trấn Sông Đốc), cho biết: “Do mùa mưa hiếm khi có nắng để phơi được cá ngay sau khi xẻ nên tôi chỉ làm cá khô mặn. Cách làm khô mặn không khó nhưng rất tốn công và mất thời gian, nếu để càng lâu thì càng mất ký, bán sẽ không có lời”.
Ông Cẩm chia sẻ thêm các công đoạn làm cá khô: “Cá sau khi được thu mua ngoài ghe phải mang về làm ngay, sau đó rửa sạch và ngâm nước muối, khi cá thấm đủ mặn (khoảng 1 đêm) mang đi rửa lại, để ráo, rồi chất lên vỉ đem phơi nắng. Nếu không có nắng, cá sẽ được bảo quản trong tủ đông hoặc thùng đá cho đến khi nào có nắng mang phơi. Nếu phơi chưa đủ khô thì cá tiếp tục được cho vào tủ đông, chờ nắng”.
Để có đủ nguồn cá làm khô quanh năm, ông Cẩm liên kết với khoảng 100 chiếc ghe cào cung cấp cá mỗi ngày. Loại cá ông mua làm khô gồm cá đù, cá đổng, cá lưỡi trâu, cá mối, cá hố... Giá cá (mua sô các loại) tại ghe, loại lớn khoảng 12.000 đồng/kg; loại vừa khoảng 10.000 đồng/kg, loại nhỏ khoảng 8.000 đồng/kg.
Ông Cẩm cho biết: “Khoảng 2,5 kg cá tươi sẽ cho ra 1 kg cá khô. Tuỳ theo độ ngon, kích cỡ mà mỗi loại cá khô có giá khác nhau. Ngoài bán cho các sạp khô và người dân trong vùng, phần lớn tôi bỏ mối cho các chủ vựa khô ở tỉnh Bến Tre”.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, vựa cá ông Cẩm còn tạo việc làm cho hàng chục lao động nhàn rỗi ở địa phương..
Từng bươn chải qua đủ nghề để nuôi 4 đứa con ăn học nhưng chỉ khi bắt đầu gắn bó với nghề làm cá khô mới giúp gia đình ông Cẩm đổi đời.
Bà Lê Thị Cẩm Vân (vợ ông Cẩm) kể lại: “Quê vợ chồng tôi ở huyện Thới Bình, qua Sông Đốc sinh sống từ năm 1993. Lúc mới qua đây, 2 vợ chồng nghèo lắm, đâu có nhà cửa gì đâu, cất chòi lá tạm bợ có chỗ che mưa che nắng cho mấy đứa con. Hai vợ chồng đi làm thuê đủ nghề, dành dụm được ít tiền mua chiếc vỏ lãi nhỏ chạy đò dọc. Chạy đò vào ban đêm phải đi cả 2 vợ chồng do vỏ mình nhỏ, cửa biển Sông Đốc thì sóng to gió lớn nên đâu dám để ổng đi một mình. Thấy vợ chồng tôi khổ quá nên người cậu làm cơ sở sản xuất cá khô kêu về làm chung và truyền nghề cho vợ chồng tôi”.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, cơ sở làm khô của ông Cẩm còn giải quyết việc làm cho khoảng 20 lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Khô cá giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương
Bà Nguyễn Thị Dung (ở Khóm 4, thị trấn Sông Đốc) chia sẻ: “Tôi làm cá mướn ở đây được 10 năm rồi. Khi cá nhiều, làm từ 7 giờ sáng đến 4, 5 giờ chiều. Công làm cá là 1.000 đồng/kg. Mỗi ngày, tôi làm được khoảng 100.000 đồng lúc cá nhiều. Nhờ có công việc này mà tôi có thêm thu nhập để nuôi 4 đứa cháu đang tuổi ăn, tuổi học và chồng bị bệnh nằm một chỗ từ 5 năm nay”.
Cách nhà ông Cẩm không xa là cơ sở làm khô của anh Phan Thanh Hôn. Lúc đầu, anh Hôn chỉ có ý định làm bán nhỏ lẻ trong xóm, nhưng rồi hàng xóm ăn thấy ngon nên giới thiệu nhiều người ủng hộ. Anh Hôn tâm sự: “Lúc đầu chỉ làm khoảng 100 kg khô mỗi tuần, thời gian sau tôi tìm thêm được mối lái ở các vùng trên mua khô nên bây giờ mỗi tuần bán khoảng 1-2 tấn. Từ khi làm nghề này, cuộc sống gia đình tôi ổn định, thoải mái hơn trước, do thu nhập cao hơn, không còn cảnh chật vật, thiếu trước hụt sau như trước”.
Ông Võ Văn Thành, Trưởng Khóm 4, thị trấn Sông Đốc, thông tin: “Trước đây, Khóm 4 có khoảng 10 cơ sở sản xuất cá khô. Hiện nay, do lượng cá đánh bắt giảm, cộng thêm khó khăn trong tìm đầu ra sản phẩm nên số hộ làm cá khô cũng giảm dần, nay còn 3 cơ sở. Những gia đình bám trụ được với nghề làm cá khô, đến nay đều trở nên khấm khá và ngày càng phát triển quy mô sản xuất. Những hộ này còn góp phần duy trì nghề truyền thống làm cá khô từ mấy chục năm nay ở cửa biển Sông Đốc vốn nổi tiếng với các loại hải sản tươi sống và các loại cá khô biển”.
Kiều Oanh (Báo Cà Mau)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.