Đến lạ: Cây gì cũng chết mặn, trồng dừa lại có tiền tiêu quanh năm

Chủ nhật, ngày 29/04/2018 19:05 PM (GMT+7)
Chị Lê Thị Ngọt, ấp Nguyễn Quyền, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) cho hay, trước đây gia đình trồng nhiều loại cây ăn trái như ổi, mít, sa pô, mãng cầu...nhưng đều chết vì đất mặn. Nhưng từ khi chị Ngọt chuyển qua trồng dừa lửa, dừa dứa, dừa xiêm thì lại có tiền tiêu đều đều...
Bình luận 0

Trải qua nhiều lần thất bại, đến nay, chị Lê Thị Ngọt, ấp Nguyễn Quyền, xã Viên An đã thành công với mô hình trồng dừa trên đất mặn.

Chị Ngọt cho biết: "Trước đây tôi kê liếp được khoảng 6 ha, trồng gần 1.000 gốc cây ăn trái như: ổi, mít, sa pô, mãng cầu… nhưng đều thất bại; hầu hết những cây trồng cho trái được 1 đến 2 năm thì cây chết dần. Từ đó tôi trồng thử nghiệm cây dừa. Ban đầu trồng vài gốc dừa, thấy hiệu quả, tôi tăng lên 100 gốc. Đến nay vườn dừa nhà tôi có 200 gốc các loại như: dừa lửa, dừa dứa, dừa xiêm… Cây nào cũng sai trái".

Theo chị Ngọt, trồng dừa hiệu quả kinh tế cao, mỗi trái dừa bán 10.000 đồng, bình quân 1 gốc dừa mỗi năm thu nhập trên 500.000 đồng. Để cây dừa liên tục cho trái, tránh bị lão hoá ở vùng đất mặn, nhiều nông dân đã kê liếp cao ráo, thường xuyên rửa mặn bằng việc tưới nước, bón phân cho gốc dừa, dùng các loại cỏ ủ gốc…nhằm hạn chế dừa bị mất sức vào mùa khô.

img

Nông dân xã An Viên, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau phấn khởi bởi cây dừa rất thích hợp trên vùng đất mặn.

Trồng dừa những năm đầu cần thường xuyên kiểm tra sâu ăn củ hủ, làm cây chậm lớn, có thể gây chết cây dừa. Về kỹ thuật diệt sâu gây hại cây dừa, chị Ngọt chia sẻ thêm: "Vào những tối 15 hay 30 âm lịch hằng tháng, gia đình dùng đèn soi xung quanh các đọt dừa để bắt sâu ăn củ hủ dừa. Bởi thời gian này, các loại sâu ăn củ hủ thường chui ra các tàu dừa xanh. Việc làm thủ công này vừa đảm bảo môi trường, vừa giảm chi phí đầu tư mua thuốc bảo vệ thực vật".

Trồng dừa trên đất mặn hiện là mô hình phát triển kinh tế rất ổn định cho nhiều nông dân ở Ngọc Hiển. Bởi cây dừa ít tốn công chăm sóc, lại cho trái quanh năm, đầu ra khá ổn định. Từ mô hình này, nhiều nông dân thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng.

Ông Lý Văn Tiến, Trưởng ấp Nguyễn Quyền, xã Viên An, khẳng định: “Mô hình trồng dừa của chị Ngọt rất hiệu quả, mỗi tháng mối đến tận nhà chị Ngọt thu mua dừa tươi. Mỗi năm thu nhập từ bán dừa tươi cả trăm triệu đồng”.

Ở ấp Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc, anh Nguyễn Văn Khương cũng trồng được 70 gốc dừa lửa, 50 gốc dừa dứa, 50 gốc dừa xiêm đang trong giai đoạn cho trái.

Anh Khương cho biết: “Vùng đất mặn ở Ngọc Hiển rất thích hợp với cây dừa. Hiện tôi đang tiếp tục nghiên cứu và trồng thử nghiệm dừa sáp, nếu thành công sẽ kê liếp trồng thêm 3 ha”.

Những năm gần đây, phong trào trồng dừa ở huyện Ngọc Hiển phát triển, toàn huyện hiện có khoảng 50 hộ dân trồng dừa với diện tích 20 ha, khoảng 7.000 gốc dừa các loại. Tuy nhiên, việc trồng dừa đòi hỏi sự cần cù, quyết tâm cao của nông dân thì cây dừa trên đất mặn mới phát triển tốt và cho trái quanh năm.

Theo ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển, thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tổ chức tham quan những mô hình trồng dừa của các hộ dân trên địa bàn huyện để tạo điều kiện cho hội viên học tập, rút kinh nghiệm. Qua đó, Hội Nông dân sẽ mời ngành chuyên môn hướng dẫn bà con cách trồng, kỹ thuật chăm sóc cây dừa. Mục tiêu của Hội Nông dân là đến năm 2020 sẽ phát triển 50 ha trồng dừa, tăng thu nhập mỗi năm cho hộ nông dân từ 70-100 triệu đồng./.

Chí Hiếu (Báo Cà Mau)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem