Không cần đào ao hay xây bể bằng ximăng mà chỉ cần dùng bạt nilông và tre để dựng khung làm chỗ nuôi, anh Vũ Minh Thắng đã áp dụng thành công mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt. Mô hình này còn giúp người nuôi tiết kiệm chi phí và ít hao hụt lươn trong quá trình nuôi.
Với chỉ 10m2 bể lót bạt nuôi lươn tranh thủ sau giờ làm việc mà anh Vũ Minh Thắng, phường 8, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) có thêm nguồn thu nhập không hề nhỏ.
Ra thăm bể nuôi lươn sau giờ đi làm về, anh Thắng dỡ từng chùm dây phổi (chùm dây kết bằng ni lông) trên mặt nước, bầy lươn trú ngụ nghe động tĩnh liền lúc nhúc bơi ra. Anh Thắng khoe: “Lúc mới thả 1.000 con lươn giống vào bể này, con nào con nấy chỉ nhỏ bằng chân nhang thôi. Vậy mà sau 7 tháng nuôi, có con đã đạt tới hơn 200 lạng, con nhỏ nhất cũng nặng hơn 1 lạng. Trưa nay có thương lái ở huyện Mỹ Tú vô coi, họ ra giá hơn 130.000 đồng/kg và hẹn tôi 2 tháng sau sẽ bắt”.
Để áp dụng mô hình nuôi lươn bằng bể lót bạt, có treo chùm dây ni lông này, hơn 7 tháng trước, anh Thắng đã tự tìm hiểu thông tin từ các hình thức nuôi lươn ở các tỉnh khác qua các báo, đài và nhận thấy mô hình nuôi lươn trong bể rất tiềm năng và có thể áp dụng tại địa phương. Sau khi nghiên cứu và được tập huấn quy trình và kỹ thuật nuôi lươn tại địa phương, anh Thắng đã mạnh dạn làm bể để nuôi tại khoảng đất trống kế bên nhà.
Theo đó, bể nuôi lươn được anh Thắng thiết kế rất đơn giản, bằng cách lót bạt nilông trên một khoảng đất trống có diện tích 10m2 và dựng 4 góc bạt cao lên chừng 8 tấc (80cm), rồi dùng tre đóng khung cố định xung quanh, sau đó lấy nước vào và thả 1.000 con lươn giống. Trên mặt nước, anh Thắng phủ 5 chùm dây được kết bằng nilông (chùm dây phổi) để tạo chỗ cho lươn có nơi bám vào nghỉ ngơi, trú ẩn.
Với thiết kế như trên, mức chi phí đầu tư cho mô hình thấp hơn so với các hình thức nuôi lươn trong bể ximăng, người nuôi không tốn kém nhiều trong việc trang bị bạt lót hay cây cối để dựng khung. Mô hình nuôi lươn lót bạt này cũng đồng nghĩa với việc môi trường nuôi lươn không có bùn, đất.
Anh Thắng chia sẻ: “Với bể lót có diện tích 10m2, có thể nuôi 1.500 con lươn nhưng tôi thả thưa 1.000 con để chúng sinh trưởng nhanh. Nguồn nước để nuôi cũng được tôi xử lý sạch sẽ, đảm bảo độ pH thích hợp cho lươn sinh sống nên con lươn giống thích nghi tốt. Ngoài ra, khi thay nước hàng ngày sẽ giúp tôi dễ quan sát mầm bệnh trên lươn (nếu có) để từ đó có biện pháp và tìm hướng xử lý kịp thời. Nhờ đó mà tỷ lệ lươn nuôi hao hụt rất thấp; 1.000 con lươn giống mà tôi chỉ hao hụt độ hơn 20 con, lươn nuôi đến nay cũng không thấy bị bệnh”.
Là người tiên phong với mô hình này tại địa phương, anh Thắng cẩn thận với từng giai đoạn sinh trưởng của lươn nuôi: “Hồi mới bắt lươn về còn rất nhỏ, lúc đó tôi phải kiếm trùn chỉ cho ăn. Khoảng 10 ngày sau mới cho ăn thức ăn và theo dõi mầm bệnh và nguồn nước sạch. Sau 3 tháng nuôi, đã đạt trọng lượng hơn 10 con 1kg và sau từ 5 đến 6 tháng thì chỉ còn 7 con đạt 1kg. Đến nay, lươn lớn nhất cũng đạt trọng lượng từ 2- 2,5 lạng...”.
Theo tính toán của anh Thắng, bình quân 1 tháng sẽ tốn 350.000 đồng tiền thức ăn cho 1.000 con lượn nuôi. Nếu bầy lươn hiện nay đạt chừng 200kg và bán được với giá 130.000 đồng/kg thì tổng thu nhập cũng được 26 triệu đồng, trừ chi phí, như: tiền con giống, thức ăn, điện, nước…sau 10 tháng nuôi lươn cũng lãi được hơn 14 triệu đồng. Hiện mô hình của anh Thắng được nhiều người đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm để có thể áp dụng tại hộ gia đình.
Lươn là một trong những đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao nên có thị trường tiêu thụ khá rộng. Với mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt, thả chùm dây ni lông có thể giúp nông dân vùng ven đô thị có hướng đi phù hợp trong việc giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi và nâng cao thu nhập cho hộ gia đình. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả kinh tế cao, người nuôi cũng cần tìm hiểu kỹ quy trình nuôi, kỹ thuật chăm sóc và đảm bảo nguồn nước phù hợp cho lươn sinh trưởng...
Hải Hà (Báo Sóc Trăng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.