“Lái mai cà-rem” vào mùa bứng... vàng

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 10/01/2020 06:30 AM (GMT+7)
Chỉ là “ăn mót”, “ăn” hàng dạt nhưng sau mỗi mùa mai tết, đội ngũ “lái mai cà-rem” cũng đút túi tiền triệu rủng rỉnh và có một cái tết dư dả.
Bình luận 0

Trước khi theo chân đội ngũ “lái mai cà-rem”, tôi nhờ ông bạn là chủ vườn mai vàng thuộc loại lớn nhất ở vùng mai Bình Lợi (TP.HCM) giải thích vì sao gọi anh em lái mai này là “cà-rem”? Anh cười mỉm: “Nói chung, họ chở mai đi bán dạo như người đi bán cà-rem. Nhưng đừng thấy vậy mà chê, họ kiếm tiền không thua kém gì mấy chủ vựa mai tết”.

Làm giá…

Thời điểm này, khi Tết Nguyên đán chỉ còn đếm từng ngày, “lái mai cà-rem” cũng bắt đầu lùng sục tìm nguồn mai dạt tại vùng mai vàng lớn nhất Tây Nam Bộ, là xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Loại mai của các “lái cà-rem” này ưa thích là mai dạt, nhỏ, bông xấu, lép tàng với giá vài trăm ngàn đồng/cây. Theo ông Mười Lập (Nguyễn Văn Lập) – một chủ vườn mai tại đây, mặc dù vùng mai vàng này hiện có hơn 400ha, nhưng số diện tích có mai bán tết năm nay chỉ có khoảng 50ha với hơn 200.000 cây sẽ được đưa ra thị trường tết năm nay.

img

“Lái mai cà-rem” lùng sục mua mai ở vùng mai vàng Bình Lợi (TP.HCM). Ảnh: P.V

Cũng theo ông Mười Lập, hàng năm, cùng với nhiều lái mai khác tìm đến vùng này thu mua mai, lượng “lái mai cà-rem” có đến 30 - 40 người. Họ chủ yếu là người miền Trung, miền Bắc. “Cứ tưởng là họ đi thu mua mai riêng lẻ, nhưng thật ra có người tổ chức hẳn hoi. Trong đội ngũ “lái cà-rem” này, mỗi lái lớn nắm cả chục lái con. Những lái con trong đội sẽ hùn tiền lại cho lái lớn để đi thương lượng giá và “rút” mai tại các vườn”- ông Mười Lập chia sẻ.

Anh Lê Hữu Thiện – Giám đốc HTX mai vàng Bình Lợi kể, việc “lái mai cà-rem” mua cả dòng mai với 1.000 cây, trị giá vài trăm triệu đồng là chuyện thường. “Họ mua bao như vậy cho rẻ, chứ lựa từng cây sao mua nổi. Tất nhiên, mua như vậy mai sẽ không đẹp”- anh Thiện chia sẻ.

Theo đó, lái chính sẽ ôm tiền đi mua mai. Họ đi dọ giá các vườn mai. Vườn nào giá rẻ hơn thì đặt cọc mua trước. Sau khi, mua được vườn mai ưng ý, lái chính rải quân đi bứng mai bán. Mỗi lái con chọn 2 - 3 cây mai rồi bứng đi bán. Lái khác lại đến lượt. Cứ thế họ bứng hết các vườn mai. Có chủ vườn yêu cầu bứng cây nào trả tiền cây đó. Tuy nhiên, cũng có chủ vườn yêu cầu cứ đặt thuổng vào bứng cây là trả tiền hết những cây mai đã chọn mua.

Một chủ vườn mai thổ lộ, cái hay của “lái cà-rem” là không tranh nhau mua mai. Họ mua chung một giá thống nhất. Sau khi mua mai vườn giá cao, họ sẽ mua tới vườn giá thấp hơn với mai xấu hơn. Tất nhiên, lái mai sẽ yêu cầu chủ vườn hạ giá dần. Bởi vì họ có tổ chức đường dây, thống nhất giá, nên chủ vườn không thể làm gì khác được.

Tuy nhiên, vườn mai chưa được chủ “khui”  thì “lái cà-rem” chưa được phép vào “càn” thu gom, mà phải chờ lái lớn mua hết mai đẹp.

Chiêu trò…

Thời điểm này, “lái mai cà-rem” chỉ có thể mua mai lá. Nhưng từ 20/1, họ sẽ chuyển sang mua mai đã có bông, khi các vườn mai đã tuốt lá cho mai ra bông đúng dịp tết.

img

Chú cháu ông Sanh lên đường bán mai. Ảnh: P.V

Dưới một vườn mai vàng nằm cạnh con kênh 3, hai chú cháu ông Nguyễn Văn Sanh - một “lái mai cà-rem” đang hì hục bứng gốc mai cao gần 2m. Cây mai này, ông Sanh đã đặt trước chủ vườn từ đầu năm với giá 900.000 đồng. “Tôi đã mua mai ở đây được 6 năm. Cũng cỡ cây mai này, tết năm ngoái tôi mua 600.000 đồng, nhưng tết nay giá tăng thêm 30%. Tuy nhiên, tôi sẽ đi bán cây mai này với giá 2 - 3 triệu đồng”- ông Sanh thổ lộ.

Ông Sanh cho biết thêm, đây là cây mai ông sẽ chở đi giới thiệu với khách hàng quen thuộc. Ông hy vọng họ sẽ đặt nhiều cây mai như thế để chơi tết. “Làm ăn bây giờ, lớn hay nhỏ đều phải có chiêu trò thì mới kéo được khách. Vào dịp tết, thấy nhà này có cây mai đẹp thì nhà khác cũng muốn có một cây” - ông Sanh cười thích thú. Theo ông Sanh, mỗi dịp tết (khoảng 2 tháng cận tết), ông bán khoảng 600 cây mai vàng. Tết năm ngoái, sau khi trừ hết chi phí, ông bỏ túi hơn 50 triệu đồng.

Đúng như ông Mười Lập cho biết, trước Tết Nguyên đán, “lái mai cà-rem” thường mua mai lá rồi chở đi tiếp thị để lấy khách chơi mai. Khu vực họ ưa thích là các khu dân cư đô thị ngoại ô TP.HCM, thậm chí những tỉnh lân cận thành phố. Với chiếc xe máy cà tàng được cơi nới, mỗi lần đi bán “lái cà-rem” có thể chở 5 - 6 cây mai. Nếu là xe ba gác, số mai có thể lên tới hơn chục cây. Đi tới đâu họ ăn ngủ tới đó, khi nào hết mai về lấy tiếp đi bán.

Với chiếc xe máy cà tàng được cơi nới, mỗi lần đi bán “lái cà-rem” có thể chở 5 - 6 cây mai. Nếu là xe ba gác, số mai có thể lên tới hơn chục cây. Đi tới đâu họ ăn ngủ tới đó, khi nào hết mai về lấy tiếp đi bán.

Theo ông Sanh, phân khúc người chơi mai “cà-rem” là thành phần dân cư thu nhập trung bình. Và thắng - thua của “lái mai cà - rem” là dịch vụ khuyến mãi có tốt hay không. “Nhọc lắm! Khi bán mai cho khách, tôi còn khuyến mãi xơ dừa và công vô chậu. Thậm chí, tôi còn phải bê chậu mai lên lầu cho khách hàng. Được cái, mỗi cây mai lời cũng được vài trăm ngàn đồng”- ông Sanh bộc bạch.

Lê Thanh Quân - một “lái mai cà-rem” kể, vài mùa tết qua anh thắng lớn là học được chiêu “mai vàng đặt trước cửa”. Theo đó, những ngày cận tết, anh lẻn đến trước nhà người ta rồi đặt chậu mai vàng trước cửa, sau đó gọi chủ nhà mua mai. “Nhiều người kiêng cữ, mê tín lắm. Tết nhứt, thấy một chậu mai với vài nụ hoa nở tươi rói đặt trước cửa, vận may đến nhà ai lại không thích. Vả lại, chậu mai vài trăm ngàn đáng bao nhiêu mà không mua” nói xong, anh cười khúc khích.

Theo ông Hồ Quốc Trường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi, mặc dù chỉ là “lái mai cà-rem” nhưng mỗi mùa tết, lượng mai tiêu thụ nhờ lực lượng này khá lớn, chiếm 15% lượng mai bán ra của xã Bình Lợi. “Thực tế, người giàu có chơi mai lớn ở thành phố không nhiều, nhưng trong các khu dân cư, mỗi nhà đều có cây mai giá vài ba trăm ngàn là nhờ lực lượng “lái mai cà-rem” này lùng bán. Cho nên đừng xem thường, họ bán mai tết có bài có bản hẳn hoi. Mùa tết, chủ vựa mai thấy ngon vậy chứ thực ra không lãi bằng “lái cà-rem”. Họ chất mai lên xe chạy bán rần rần suốt ngày, khắp hang cùng ngõ hẻm, còn vựa mai đứng ngồi chờ khách”- ông Trường  chia sẻ.

Trưa nắng chang chang, hai chú cháu ông Sanh chằng chéo cột mấy cây mai lên xe máy rồi kéo nhau đi bán. Thấy tôi đứng ngáng đường, ông gắt: “Thôi để tôi đi bán, trưa rồi. Làm mệt gần chết mà ông cứ hỏi hoài trả lời không kịp. Bán cây mai lời có 600.000 – 700.000 đồng đâu có nhiều mà hỏi nhiều vậy”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem