Sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá, một số ngân hàng đã có dấu hiệu tăng nhẹ lãi suất huy động. Đáng chú ý, các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động lần này chủ yếu là ngân hàng cổ phần tư nhân có quy mô nhỏ và vừa.
Ví như VietCapitalBank tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng lên 5,2%, tăng nhẹ 0,1%, kỳ hạn 6 tháng lên 6,7%, tăng 0,5%, kỳ hạn 12 tháng lên 7,4%.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank) đã điều chỉnh tăng thêm 0,1 %/năm. Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) tăng từ 0,2 - 0,3 %/năm.
Không kém cạnh, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) được niêm yết ở mức 5,3%/năm, tức tăng 0,2%. Lãi suất cho kỳ hạn 6 tháng tăng 0,4%, hiện là 5,9%/năm và kỳ hạn 12 tháng tăng 0,3%, tức 6,8%/năm....
Trước đó Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng tăng lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn thêm 0,2 %/năm.
Bên cạnh việc tăng lãi suất, các nhà băng cũng “đua nhau” triển khai nhiều chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng gửi tiền. Đơn cử như Viet Capital Bank với chương trình tặng 30.000 phần quà dành cho khách hàng tới gửi tiền. Còn SeABank cũng tặng 10.300 phần quà ưu đãi với tổng trị giá lên tới 1 tỉ đồng cho khách hàng gửi tiền.
Khi các nhà băng nhỏ và vừa tăng lãi suất huy động thì lãi suất huy động của các “ông lớn” ngân hàng thương mại nhà nước lớn lại cơ bản không thay đổi. Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV)... hầu như không có sự điều chỉnh. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng lần lượt là 4,5%/năm và 4,6%/năm và lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng là 6%.
Các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động lần này chủ yếu là ngân hàng cổ phần tư nhân có quy mô nhỏ và vừa.
Lý giải việc tăng lãi suất lần này, các ngân hàng cho biết ngoài nhu cầu vay vốn đang tăng, nhất là trong lĩnh vực bất động sản do thị trường này bắt đầu “khởi sắc và tiền gửi USD cũng nhích lên khi tỉ giá được điều chỉnh nên buộc các nhà băng này phải tăng nhẹ lãi suất huy động để thu hút khách hàng gửi tiết kiệm VND.
Trong khi đó, theo một số chuyên gia tài chính, sở dĩ các ngân hàng nhỏ tăng lãi suất huy động trong khi ngân hàng lớn “bình chân như vại” là do các nhà băng nhỏ và vừa đang “đói” vốn nên việc tăng lãi suất này là một cách để giữ chân khách hàng. Mặt khác, các ngân hàng nhỏ và vừa cũng đang muốn đẩy mạnh đầu ra khi thị trường tài chính đang nhộn nhịp trở lại.
Tuy nhiên, theo CTCK Bảo Việt (BVSC), việc điều chỉnh lãi suất nhiều khả năng sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn và khó tạo thành cuộc đua giữa các ngân hàng. Áp lực tăng lãi suất huy động như trên xuất phát từ nguyên nhân nhu cầu tiền đồng của các ngân hàng tăng cao nhằm mua ngoại tệ đóng trạng thái ngoại hối âm hoặc tất toán các khoản vay bằng ngoại tệ trước hạn cho khách hàng.
“Trong khi đó, lãi suất trung, dài hạn hầu như chưa bị tác động từ diễn biến trên của tỷ giá nên vẫn được duy trì ở mặt bằng như giai đoạn trước. Do vậy diễn biến tăng nhẹ của lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn của các ngân hàng không phải yếu tố đáng lo ngại đối với thời điểm hiện tại”, BVSC bình luận.
Về vấn đề này, HSC lưu ý rằng lãi suất huy động bình quân ổn định trong tháng 8 ở mức 5,79%, không thay đổi so với tháng liền trước. Lãi suất huy động bình quân tính từ đầu năm đến nay đã giảm 0,25%. Một số ngân hàng nhỏ đã giảm lãi suất huy động trung dài hạn trong khi một số NHTM cổ phần lớn lại tăng.
Ví dụ, PVCombank giảm lãi suất huy động 0,1% đối với kì hạn 6-12 tháng; trong khi Maritime Bank giảm 0,2% lãi suất huy động dài hạn. Mặt khác, cả MB và Sacombank đều tăng lãi suất huy động 0,1- 0,3%, hầu như cho tất cả các kì hạn. “Chúng tôi cũng thấy rằng SCB tăng lãi suất huy động dài hạn thêm 0,1%; trong khi VIB tăng lãi suất ngắn hạn thêm 0,2-0,4%”, HSC chỉ ra.
HSC cũng cho biết, kết quả khảo sát lãi suất huy động và lãi suất liên ngân hàng của công ty cũng cho thấy lãi suất huy động USD cũng không thay đổi. Theo đó, lãi suất huy động USD bình quân ổn định ở mức 0,75% mặc dù một số ngân hàng có điều chỉnh một chút.
“Chúng tôi thấy rằng DongABank đã giảm lãi suất huy động USD từ 0,01-0,02% cho tất cả các kì hạn xuống còn 0,73-0,74%. Trong khi đó, SeABank cũng giảm lãi suất huy động không kì hạn từ 0,5% xuống 0,2%”, HSC cho biết.
Theo khảo sát của HSC, lãi suất cho vay bình quân giảm 0,15% xuống còn 9,55% so với 9,70% trong tháng 7. Mức lãi suất này cũng đã giảm 0,49% tính từ đầu năm đến nay, giảm từ mức 10,04% được công bố vào cuối tháng 12/2014) và đây là mức lãi suất cho vay thấp nhất trong chu kì hiện nay.
Eximbank đã tăng lãi suất cho vay ngắn hạn thêm 0,25% trong khi giảm 0,50% lãi suất cho vay trung dài hạn. Trong khi đó, Techcombank đã hạ lãi suất cho vay 1% cho tất cả các kì hạn. Vietcombank và Agribank giảm lãi suất cho vay ngắn hạn lần lượt là 0,5% và 1%.
Theo nhận định của HSC, mức giảm lãi suất hơn 0,5% của Vietcombank và Agribank là khá nhiều. Điều đó cho thấy NHNN vẫn chưa chấm dứt chính sách định hướng hạ tiếp lãi suất ở một số ngân hàng.
“Điều này ngoài dự báo của chúng tôi trong bối cảnh có sự điều chỉnh đáng kể đối với tỷ giá. Đặc biệt là trên thực tế, tỷ giá vẫn sát với ngưỡng trên của biên độ cho phép sau khi điều chỉnh. Với lãi suất cho vay giảm thì không có gì ngạc nhiên khi tín dụng tiếp tục tăng trưởng mạnh đặc biệt là khi so với cùng thời điểm này năm ngoái (tốc độ tăng hơn gấp đôi năm ngoái). Mặc dù lãi suất huy động đã không giảm theo lãi suất cho vay. Theo đó chúng tôi tin tưởng rằng lãi suất cho vay sẽ không giảm thêm nhiều hơn nữa”, HSC bình luận.
Ngọc Anh (Đời sống & Pháp luật)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.