Lãi thấp “bóp nghẹt” cây mía, nông dân càng trồng càng nghèo

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 22/10/2019 11:24 AM (GMT+7)
Cây mía có tỷ lệ diện tích canh tác tính trên đầu người cao nhất tỉnh Tây Ninh, nhưng lại cho lợi nhuận và giá trị gia tăng thấp nhất trong các cây trồng truyền thống. Vì thế, dự thảo Đề án chuỗi giá trị của Tây Ninh đã đề xuất cây mía thuộc nhóm không khuyến khích sản xuất và giảm dần diện tích canh tác.
Bình luận 0

Càng trồng càng nghèo

Nhiều năm qua, Tây Ninh vẫn được coi là “thủ đô” của ngành mía đường. Hiện nay, diện tích mía đang có xu thế giảm nhưng quy mô trồng ở Tây Ninh vẫn còn khá lớn.

Thời gian qua, các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo dựng chuỗi giá trị và liên kết trồng mía với nông dân. Tuy nhiên, kết quả không được như mong đợi.

“Do giá mua mía thấp nên nông dân không còn quan tâm nhiều đến việc phát triển vùng nguyên liệu và cũng không muốn tập trung vào cây trồng này do lợi nhuận thấp, triển vọng không cao” - lão nông Võ Văn Ten ở xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu nói.

img

 Giá thành để sản xuất ra 1 tấn mía còn cao.  (ảnh: Nguyên Vỹ)

Theo Sở NNPTNT tỉnh, Tây Ninh có điều kiện tự nhiên khá phù hợp cho phát triển mía đường, tuy nhiên biên độ nhiệt ngày và đêm thấp nên khả năng tích đường của mía trồng ở Tây Ninh thấp so với miền Trung và Bắc bộ. Ngoài ra, cây mía còn chịu sự cạnh tranh diện tích đất canh tác với một số loại cây trồng khác đang cho hiệu quả cao hơn.

Việc áp dụng cơ giới hóa khâu thu hoạch mía hiện còn thấp, phụ thuộc nhiều vào lao động thủ công. Tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến khâu trồng, chăm sóc khá tốt nhưng do máy móc áp dụng vào khâu thu hoạch mía còn thấp, nên chủ yếu chỉ áp dụng ở các diện tích canh tác lớn, hay các nông trường mía.

Theo tính toán của Sở NNPTNT, tổng chi phí sản xuất cho 1ha mía tại tỉnh Tây Ninh là 51 triệu đồng/vụ ở các nông trường lớn, cánh đồng lớn và 54 triệu đồng/vụ ở các nông hộ. Sau khi hạch toán hiệu quả sản xuất, doanh thu trung bình của 1ha mía chỉ đạt khoảng 58 - 59 triệu đồng/năm.

Giá thành để sản xuất ra 1 tấn mía còn cao, ở nông trường mía là 689.000 đồng, còn ở nông hộ là 749.000 đồng/tấn, trong đó chi phí cho vật tư chiếm tới 30%. Mặc dù các nhà máy đường có hỗ trợ thêm phần nào, nhưng lợi nhuận trung bình của nông dân chỉ đạt khoảng 4 - 8 triệu đồng/ha/năm. So với các cây trồng truyền thống khác như lúa, mì, cao su thì hiệu quả kinh tế sản xuất từ cây mía thấp hơn.

Khó cạnh tranh

Nông dân Võ Văn Ten đánh giá, thời gian qua, liên kết chuỗi trong sản xuất mía đường được thực hiện tốt. Người trồng mía được các nhà máy hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm từ đầu vụ. Hiện, toàn tỉnh có 4 nhà máy chế biến mía đường được đầu tư công nghệ mới. Tuy nhiên, việc đa dạng hóa các sản phẩm cạnh đường và sau đường thì chỉ có 1 nhà máy được đầu tư khá hoàn chỉnh. 3 nhà máy còn lại không được thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả làm cho giá thành sản xuất đường cao. Vì thế đường chủ yếu tiêu thụ trong nước, chưa cạnh tranh được với giá đường thế giới, từ đó không có cơ hội để nâng giá mua nguyên liệu cho nông dân. 

Định hướng thời gian tới là các địa phương của Tây Ninh sẽ giảm dần các diện tích mía không hiệu quả để chuyển sang các cây trồng khác. Bên cạnh đó, vẫn giữ lại những diện tích có cơ sở hạ tầng đáp ứng được yêu cầu của sản xuất.

Ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở NNPTNT thừa nhận lợi nhuận mà cây mía mang lại cho người dân ngày càng thấp. Nông dân có xu hướng chuyển đổi diện tích trồng mía để trồng cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn như cây ăn quả hoặc cây mì.

Ngành nông nghiệp Tây Ninh xác định, mía sẽ là cây trồng thuộc nhóm không khuyến khích sản xuất và giảm dần diện tích canh tác. Vì thế, định hướng thời gian tới các địa phương sẽ giảm dần các diện tích mía không hiệu quả để chuyển sang các cây trồng khác. Bên cạnh đó, vẫn giữ lại những diện tích có cơ sở hạ tầng đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, hoặc các cây trồng khác không cạnh tranh được để tiếp tục phát triển gắn cơ giới hóa đồng bộ.

Theo thống kê, tỉnh Tây Ninh hiện có diện tích sản xuất mía đường khoảng 15.600ha; tạo ra hơn 2.000 việc làm. Dự báo, tổng diện tích mía đến năm 2020 là 10.000ha, năm 2030 là khoảng 10.000 - 15.000ha và giảm dần các nhà máy mía đường không hiệu quả, đảm bảo quy mô phù hợp với khả năng phát triển vùng nguyên liệu. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem