Trồng mía nợ như chúa chổm, chuyển sang trồng na thành triệu phú

Trần Hiền Thứ ba, ngày 06/08/2019 06:15 AM (GMT+7)
Nhận thấy mía, mì kém hiệu quả, ông Nguyễn Tấn Thạch ( 42 tuổi, trú tại thôn 2, xã Kon Yang, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) đã chuyển sang sống chung với na. Từ khi bỏ mía trồng na, ông Thạch đêm đến kê cao ngủ kỹ, không lo ngay ngáy chuyện ế ẩm, nợ nần như ngày trồng mía. Sau 10 năm ông Thạch đã có gần 2ha na, trừ chi phí ông lãi về hơn 200 triệu đồng/năm.
Bình luận 0

Trước đây, vợ chồng ông Thạch cùng 2 người con sống nhờ cây mía, cây mì, tuy nhiên những năm trở lại đây mía, mì rớt giá, kém năng suất khiến gia đình lâm vào nợ nần. Tiền công cán, thuốc men…cứ đội sổ nợ tăng lên từng ngày khiến cuộc sống của gia đình ông càng lúc càng kiệt quệ.

Phát hiện xung quanh có một số hộ dân trồng na mang lại hiệu quả khá cao, song ông về bàn với vợ rồi đi vay mượn vốn đầu tư vào na. Xuất thân từ một người nông dân chân lấm tay bùn nên tất nhiên việc trồng na của ông chẳng hề dễ dàng.

img

img

Kinh tế của gia đình ông Thạch khởi sắc từ khi chuyển qua trồng na thay vì bám mía

Tâm sự PV Báo điện tử DANVIET.VN, ông Thạch bộc bạch: “Ngày đó mất tiền ngu nhiều lắm, có 6 sào na mà bệnh lên bệnh xuống, cây ra quả cây không rồi bệnh rụng lá, rụng quả nhiều lắm. Tiền đổ ra thì nhiều mà toàn thu về bệnh tật chứ chẳng thấy quả đâu, cũng nản lắm. Lăm hôm tôi muốn bỏ nhưng được vợ, con ủng hộ nên dần rồi quên. Sau thời gian đó, tôi lên mạng học hỏi các quy trình kỹ thuật chăm sóc, đồng thời đi đến các nhà vườn học hỏi cách trị sâu bệnh ở cây na. Cũng may được chỉ dẫn nhiệt tình, về vườn áp dụng thấy sâu bệnh cũng giảm hẳn nên cả nhà phấn khởi lắm”.

img

Với gần 2000 gốc na, mỗi năm ông Thạch lãi về hơn 200 triệu đồng

Sau thời gian sâu bệnh, vườn na 6 sào của ông Thạch bắt đầu phát triển xanh tốt trở lại và bắt đầu cho thu hoạch. Xác định đây là cây trồng phát triển khá tốt trên vùng đất sỏi đá nên hai vợ chồng tiếp tục mở rộng diện tích lên 1,8 ha. Hiện tại với gần 2.000 gốc trên diện tích 1,8ha, mỗi năm vợ chồng ông Thạch thu về gần 400 triệu đồng. Sau khi trừ hết công cán, phân tro gia đình ông lãi hơn 200 triệu đồng/năm.

img

Cũng nhờ na mà ông Thạch có tiền trả nợ, sắm ô tô

So sánh giữa mía và na, ông Thạch cho hay: “Nếu tính về lợi nhuận giữa hai loại cây này thì mía còn thua xa na. Mặc dù, na hơi nhiều công cán chăm sóc, chi phí phân tro nhưng lãi vẫn gấp 4-5 lần mía. Trung bình 1 ha mía sẽ thu về khoảng 40 – 50 triệu đồng, nhưng đó là trước đây thôi chứ bây giờ chẳng ăn thua, thậm chí còn lỗ nặng ấy. Còn tính bình quân, 1ha na sẽ thu về khoảng 150 – 200 triệu/năm. Cũng nhờ chuyển đổi sang na mà gia đình tôi vừa xóa được nợ, vừa mua được chiếc xe tải để vận chuyển đất, cát, nông sản lúc nông nhàn…”.

img

Nhiều quả na tại vườn ông Thạch nặng gần 1kg

Theo ông Thạch, về kỹ thuật trồng na và chăm sóc na khá tỉ mỉ. Sau khi thu hoạch cần cắt tỉa cành và bón phân kịp thời để đạt năng suất vụ sau. Các dòng cây lâu năm, cây ăn quả cần tăng cường phân chuồng để giảm thiểu sâu bệnh.

"Phần lớn cây na thường mắc các bệnh như tán thư, rầy…Dù thời tiết năm nay không ổn định, năng suất bị giảm từ 5-10% nhưng giá cả lại khá cao so với mọi năm. Giá na hiện tại người dân cũng như gia đình ông Thạch bán ra thị trường là 35.000 đồng/kg, tăng 10 % so với mọi năm", ông Thạch tiết lộ với PV Báo điện tử DANVIET.VN.

img

Dù được trồng trên vùng đất khô cằn song nga ở đây khá ngọt, giòn và thơm

Được biết, trên địa bàn huyện Kông Chro có gần 70ha diện tích trồng na, trong đó tập trung nhiều  ở các xã như Kong Yang, Chư Loong, Đăk Song…Cũng nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên đời sống của người dân trên địa bàn huyện có phần khởi sắc hơn so với những cây trồng như mía, mì…Bên cạnh na, nhiều người dân cũng bắt đầu trồng thử nghiệm các loại cây ăn quả khác như quýt đường, thăng long…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem