Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Mới đây, hai rapper Bình Gold và Andree Right Hand đã phát hành sản phẩm âm nhạc mới mang tên Đổi tư thế trên nền tảng nhạc số. Ca khúc ngay lập tức gặp nhiều chỉ trích bởi tiêu đề và phần ca từ đều mang tính gợi dục, thậm chí phản cảm: "Này người tình ơi sao em phải làm thế/ Nào giờ về nhà anh đi anh chỉ cần em nằm trên ghế/ Đảm bảo lần đầu tiên với kỹ năng điêu luyện sẽ làm em bé giật mình giật mình bần bật/ Cả 2 chân em đưa lên cổ anh kê".
Dù từng gặp không ít ồn ào xung quanh các bản rap trước đó, Bình Gold không dán nhãn 18+ hoặc hạn chế phạm vi tiếp cận cho sản phẩm này. Sau một ngày phát hành trên nền tảng YouTube, ca khúc nhanh chóng xuất hiện ở danh sách âm nhạc thịnh hành, thu hút sự tò mò của không ít khán giả trẻ.
Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên Bình Gold gây tranh cãi. Anh từng có loạt sản phẩm gặp chỉ trích dữ dội từ phía công chúng như Bốc bát họ, Ông bà già tao lo hết, Trơn, Quan hệ rộng, Lái máy bay. Điểm chung của các MV này đều là hình ảnh nóng bỏng, ngôn từ gợi dục, tục tĩu. Năm 2022, nam rapper đã phải ẩn những MV kể trên khỏi kênh YouTube, sau đó trở nên tiết chế hơn trong các sáng tác. Tuy nhiên, hiện tại dường như Bình Gold đang tìm về "con đường cũ".
Vào tháng 6/2024, ca khúc Fever của Coldzy và tlinh cũng gây xôn xao ngay khi mới phát hành. Ở phần lyrics, loạt câu hát nhạy cảm xuất hiện, như: "Kéo rèm lại gần sát bên em/ Và đoán xem lần này ai sẽ làm ướt đệm/ Khóa phòng rồi khóa môi em/ Nóng lòng được mở khóa bên trong"; "Đôi tay lả lơi/ Khám phá khắp nơi". Sau quá nhiều chỉ trích, Coldzy đã thay phần lời mới cho ca khúc. Tuy vậy, khi trao đổi với PV Dân Việt, anh xin phép không đưa ra quan điểm riêng về những lùm xùm xung quanh bài hát.
Trước đó, vào tháng 12/2023, ca khúc Để ai cần của B Ray (tên thật Trần Thiện Thanh Bảo) gây xôn xao dư luận với những ca từ có nội dung tục tĩu, xúc phạm phụ nữ. Không chỉ vậy, ở nhiều câu rap, tác giả còn mong người yêu cũ mắc bạo bệnh "Anh mong em đánh bại được ung thư/ Chỉ để bị ung thư thêm lần nữa/Chúc em khi bệnh không người thăm/ Về nhà mùng 1 và 15"... Nam rapper sau đó thừa nhận sai phạm khi làm việc với Sở VHTT TP.HCM, đồng thời gỡ bỏ tác phẩm nói trên.
Trước đó, vào tháng 10/2021, Thanh tra Bộ VHTTDL đã ra quyết định xử phạt rapper Chí (tên thật Lê Vũ An) – thành viên nhóm Rap Nhà Làm vì vi phạm hành chính khi lưu hành bản ghi âm Thích Ca Mâu Chí trên mạng xã hội có nội dung xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo với số tiền 45 triệu đồng. Đồng thời, rapper Chị Cả (tên thật Đinh Thanh Tùng) cũng bị phạt vì vi phạm hành chính về lưu hành bản ghi âm Censored (Mua cho con chiếc còng tay) trên mạng xã hội có từ ngữ trái với thuần phong, mỹ tục, thậm chí cổ súy hành vi loạn luân số tiền 35 triệu đồng.
Ngoài ra, dù không nằm trong danh sách bị xử phạt, nhưng hàng loạt sản phẩm âm nhạc khác như Mẩy thật mẩy (BigDaddy); Cypher nhà làm (nhóm Rap Nhà Làm) cũng làm dấy lên làn sóng phản ứng do các hình ảnh 18+ và ngôn từ thô tục xuất hiện dày đặc.
Thực tế cho thấy, việc xử phạt số tiền có giá trị chục triệu đồng hoặc bị chỉ trích rầm rộ trên mạng xã hội dường như chưa tác động nhiều tới các nghệ sĩ theo dòng nhạc Rap. Với sự phóng khoáng và có phần "bốc đồng, họ sẵn sàng cho ra đời những ca khúc có ngôn từ gây "sốc", nhằm thu hút khán giả trẻ, đặc biệt là những thanh niên ở độ tuổi dưới 20. Vấn đề đặt ra là những quy định rõ ràng, nghiêm khắc hơn từ nhà quản lý, cũng như sự thay đổi ở tư duy của chính các rapper trong việc chinh phục khán giả.
Trao đổi với Dân Việt, rapper Hà Lê nhận định, việc các bản Rap có nội dung dung tục, thiếu thẩm mỹ không phải vấn đề mới xảy ra mà đã xuất hiện từ rất lâu trước đó. "Nói một cách tổng quan, tôi cho rằng đó là câu chuyện về sự thích nghi của một loại hình văn hóa, nghệ thuật từ phương Tây khi du nhập về Việt Nam. Những người yêu thích, lĩnh hội loại hình văn hóa này sẽ phải tìm cách để thích nghi và phát triển nó sao cho phù hợp với nền văn hóa truyền thống của dân tộc".
Hà Lê cũng nói thêm: "Khi đụng chạm về những vấn đề như tôn giáo hay các chủ đề nhạy cảm trong văn hóa phương Đông, người sáng tác phải làm sao để có thể truyền tải ý đồ của mình một cách tinh tế, thông minh mà không thô tục. Đó là cái khó của những rapper Việt Nam, đòi hỏi họ phải trau dồi, nỗ lực. Đây sẽ là bài học cho họ trên chặng đường sau này, và lùm xùm này cũng là điều cần thiết cho làng nhạc rap Việt Nam trong hành trình phát triển".
Trong khi đó, Tiến sĩ Văn hóa học Hồ Lâm Giang cho rằng, người nghệ sĩ cần được tự do sáng tạo nghệ thuật, được thể hiện quan điểm của bản thân trong tác phẩm của mình, nhưng khi sản phẩm đưa ra công chúng, có nguy cơ ảnh hưởng tới thế hệ trẻ, bản thân nghệ sĩ cần có sự kiểm soát, đồng thời cũng cần sự giám sát quản lý của xã hội. "Có thể, trong nhận thức và thế giới quan của bạn là bình thường, nhưng như vậy không có nghĩa là bạn có quyền vô tư phạm lỗi" - bà khẳng định.
Cũng nói tới chủ đề các bản rap dung tục, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang đưa ra ý kiến: "Những tác phẩm chứa câu từ mô tả sex một cách thô bạo, biểu hiện cách sống gấp gáp, bản năng hoàn toàn không thể hiện tình yêu đôi lứa. Để tránh ảnh hưởng tới tâm lý của giới trẻ, các cơ quan chức năng cần cấm phát hành cũng như đưa ra khung xử phạt cứng rắn hơn, tránh để tác phẩm "rác" trở thành thứ "thường tình" trên thị trường âm nhạc".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.