Làm bột dinh dưỡng kiểu gì mà một người Quảng Nam tự trả lương cao hàng chục triệu/tháng?
Làm ra thứ bột gì mà ăn ngon, một phụ nữ Quảng Nam tự trả lương cao hàng chục triệu/tháng?
Trần Hậu - Tuyết Nhung
Thứ ba, ngày 25/06/2024 12:52 PM (GMT+7)
Luôn ấp ủ dự định mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm hữu ích từ các nông sản sẵn có tại quê hương, chị Đặng Thị Thuận (37 tuổi, trú khối phố Hà Quảng Tây, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã làm thành công sản phẩm ngũ cốc và thực phẩm chay.
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp, chị Thuận bộc bạch: "Trước kia, vợ chồng tôi đều làm trong lĩnh vực du lịch, cuộc sống cứ thế bình dị trôi qua. Năm 2019, khi mang thai lần ba, tôi tập tành chế biến ngũ cốc dinh dưỡng để dùng trong thai kỳ và cho các con sử dụng. Bản thân tôi và gia đình đã ăn chay trường nhiều năm, sau khi dùng bột ngũ cốc thì thấy sức khỏe được tăng cường, lại đảm bảo dinh dưỡng nên tôi bắt đầu sản xuất nhiều hơn".
Cùng với xu hướng tiêu dùng "thực phẩm xanh" ngày càng tăng, chị Thuận được gia đình và bạn bè ủng hộ, giúp chị có thêm niềm tin để quyết tâm khởi nghiệp. Ban đầu, chị chế biến các loại ngũ cốc truyền thống và đăng bán trên mạng xã hội.
Vừa làm vừa học, chị chăm chỉ tìm hiểu, đọc thêm nhiều sách vở, tham khảo nhiều nguồn tài liệu để hiểu đúng về thành phần dinh dưỡng, với mục tiêu sản xuất thêm nhiều dòng sản phẩm phong phú, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng.
Chị Thuận cho biết, ban đầu, chị chỉ sản xuất với số lượng ít, rồi quảng cáo sản phẩm trên facebook, zalo. Người thân, bạn bè dùng thấy tốt nên giới thiệu cho nhau, lâu dần số lượng càng tăng lên. Với công dụng bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, bột ngũ cốc do chị làm ra không chỉ tốt cho mẹ bầu, phụ nữ cho con bú, trẻ nhỏ, người già mà còn tốt đối với người ăn chay, ăn kiêng....
Năm 2021, chị mạnh dạn vay vốn để đầu tư hơn 250 triệu đồng xây nhà xưởng, mua sắm máy móc mở rộng sản xuất và hoàn thiện bao bì, nhãn mác. Sản phẩm có đầy đủ giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền cấp, cam kết không dùng chất phụ gia và bảo quản.
Chị Thuận cho hay: "Nguyên liệu đầu vào là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, quy trình chế biến, đặc biệt là tỷ lệ pha trộn hợp lý mới thực sự là chìa khóa làm nên thành công của sản phẩm. Ngoài ra, khâu sàng lọc, vệ sinh, sơ chế nguyên liệu trước khi phơi rang và phối trộn cũng được chú trọng".
Thu lãi 20 triệu đồng/tháng
Để có nguồn nguyên liệu ổn định, chị Thuận đã khuyến khích, hướng dẫn các hộ dân tại địa phương trồng nông sản theo hướng hữu cơ. Hiện nay, cơ sở của chị đã ký hợp đồng bao tiêu nông sản cho 7 hộ, đảm bảo nguồn nguyên liệu tại chỗ phục vụ sản xuất bền vững và cải thiện thu nhập cho người nông dân.
Với sự kiên trì, chịu khó giới thiệu sản phẩm, dần dần, các sản phẩm của Cơ sở sản xuất thực phẩm xanh Thuận Duyên được người tiêu dùng tin tưởng và đón nhận. Để mở rộng đầu ra, ngoài bán cho khách hàng truyền thống, chị Thuận còn giới thiệu sản phẩm ở nhiều hội chợ, phiên chợ nông sản trong và ngoài địa phương... nhờ đó lượng khách đặt hàng ngày một tăng lên.
Chị Thuận cho biết, với mong muốn đem đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe, gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường và hướng tới lối sống xanh, chị nỗ lực hoàn thiện sản phẩm bột ngũ cốc dinh dưỡng các loại và phát triển thêm nhiều sản phẩm phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng, các loại thực phẩm chay.
"Trong đó, trà hoa ngũ cốc Thuận Duyên là sản phẩm tôi tâm đắc nhất, bao gồm các thành phần như gạo lứt huyết rồng, đậu đen xanh lòng, đậu đỏ, hạt muồng, lá sen, gừng và hoa cúc. Đây là một thức uống gần gũi, mộc mạc, là hơi thở của quê hương, sử dụng được cho mọi lứa tuổi. Sản phẩm này được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2022 và đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh Quảng Nam năm 2023", chị Thuận chia sẻ.
Bằng sự chu đáo, tận tâm trong từng sản phẩm, chị Thuận dần được khách hàng ủng hộ nhiều hơn. Bình quân mỗi tháng, cơ sở xuất bán hơn 300 sản phẩm các loại, đem lại cho chị mức lãi khoảng 20 triệu đồng.
Chị Thuận tâm sự: "Khởi nghiệp lúc ban đầu luôn có những khó khăn, đối với phụ nữ tham gia khởi nghiệp lại càng nhiều khó khăn hơn. Song, chính niềm đam mê dành cho sản phẩm sạch và nông sản địa phương là động lực để tôi cố gắng hoàn thiện hơn mỗi ngày. Từ đó, mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm tối ưu cho sức khỏe".
Thời gian tới, chị sẽ tiếp tục duy trì sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thêm vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ với mong muốn tiếp tục đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm uy tín, ngon, bổ dưỡng nhất. Đồng thời, để sản phẩm đến gần hơn với khách hàng, chị dự định tối ưu hóa hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử....
Vui lòng nhập nội dung bình luận.