Thạc sĩ luật Trần Thị Thu Hà (trường Đại học Luật t.p Hồ Chí Minh) trả lời:
Bạn Nga thân mến! Cũng là phụ nữ, tôi xin được chia sẻ với bất hạnh của bạn. Mặc dù Luật Hôn nhân và gia đình (Luật HNGĐ) năm 2014 (K1, Đ 51) quy định ly hôn là quyền của vợ, chồng nhưng hôn nhân là một việc quan trọng trong cuộc đời của con người nên pháp luật quy định rất chặt chẽ về điều kiện ly hôn.
Theo Khoản 1 Điều 56 Luật HNGĐ, “nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” thì “khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn”. Như vậy, để Tòa án giải quyết việc ly hôn, thì việc chứng minh bạn là nạn nhân của bạo lực gia đình là cần thiết.
Ảnh minh họa I.T
Vậy thế nào là bạo lực gia đình? Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định các hành vi “hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng” là hành vi bạo lực gia đình (Điểm a Khoản 1 Điều 2). Căn cứ quy định này, hành vi thường xuyên chửi bới đánh đập vợ của chồng bạn chính là hành vi bạo lực gia đình. Cũng theo Khoản 2 Điều 5 Luật này, là nạn nhân bạo lực gia đình, bạn “có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu”.
Khi bạn nộp đơn xin ly hôn tại Tòa án, bạn có nghĩa vụ cung cấp các thông tin, chứng cứ mà qua đó có thể chứng minh rằng “bạn là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình” theo quy định tại Điều 58 và Điều 79 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011).
Tuy nhiên, nếu chồng bạn cũng thừa nhận có hành vi bạo lực đối với bạn thì căn cứ Điều 80 Bộ luật TTDS bạn không cần phải chứng minh hành vi bạo lực của chồng đối với mình nữa.
Ngược lại, nếu chồng bạn không thừa nhận thì bạn phải chứng minh.
Chứng cứ để bạn có thể chứng minh bạn là nạn nhân của bạo lực gia đình là: Lời khai của những người chứng kiến sự việc; ghi chú về thương tật, thương tích của bạn trong văn bản của cơ quan công an, của chính quyền địa phương; ảnh chụp thương tật, thương tích và hiện trường xảy ra vụ việc; giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc khám và điều trị thương tích do hành vi bạo lực gia đình gây ra; các vật chứng liên quan đến bạo lực; kết quả giám định thương tật… (Điều 82 và Điều 83 Bộ Luật TTDS). Trên cơ sở sự chứng minh của bạn, Tòa án sẽ có căn cứ để giải quyết cho bạn ly hôn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.