Làm gì để Việt Nam ngày càng có thêm nhiều tỷ phú USD? (Ảnh: IT)
Với việc liên tiếp có thêm các tỷ phú USD lọt vào tốp những người giàu nhất hành tinh càng khẳng định kinh tế của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, so với thế giới thì số lượng tỷ phú và tài sản của tỷ phú Việt Nam vẫn còn “khiêm tốn” nên cần cơ chế thông thoáng hơn để số lượng tỷ phú và tài sản của tỷ phú không ngừng tăng.
Tiền của tỷ phú ăn nhiều đời chẳng hết
Dù lọt vào tốp những người giàu nhất hành tinh nhưng các tỷ phú của Việt Nam vẫn không ngừng mở rộng sản xuất kinh doanh và đặc biệt là sự tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán khiến cho cổ phiếu của các doanh nghiệp của các tỷ phú tăng mạnh, từ đó các tỷ phú của Việt Nam ngày càng có khối tài sản lớn hơn.
Tạp chí Forbes đã công nhận 2 tỷ phú USD của Việt Nam là ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Ở thời điểm đầu năm 2017, Forbes cho biết, tài sản của ông Vượng được Forbes định giá 2,4 tỷ USD, đứng thứ 867 thế giới, tiếp tục mức tăng ổn định so với kỳ xếp hạng năm trước. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo có tài sản được Forbes định giá 1,2 tỷ USD, đứng thứ 1.678 thế giới.
Tuy nhiên, số liệu mới nhất của Forbes công bố, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng hiện đã tăng lên 5,2 tỉ USD, còn bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng tăng mạnh lên 3,4 tỉ USD.
Ngoài 2 tỷ phú của năm 2017, dự kiến trong năm 2018 những tỷ phú USD của Việt Nam trong danh sách tiếp tục được nối dài thêm.
Như Dân Việt trước đó đã đưa tin, các tên tuổi tỷ phú của Việt Nam có thể thêm: Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã cổ phiếu HPG); Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC và ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Thaco đều là những người có tài sản trên 1 tỷ USD.
Nếu so sánh với mức sống hiện tại ở Việt Nam, các tỷ phú USD này không cần làm gì, chỉ gửi tiền vào ngân hàng cũng có cuộc sống thoải mái và ăn nhiều đời cũng không hết. Tuy nhiên, họ vẫn đang cố gắng, nỗ lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh vì đằng sau họ là hàng trăm, hàng nghìn người lao động chưa kể tới các chương trình ủng hộ, hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Chuyên gia kinh tế, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng: “Để bình luận và đánh giá về các tỷ phủ cũng rất khó nhưng có một thực tế khi họ đã trở thành tỷ phú là đã có những đóng góp và cống hiến rất lớn cho xã hội. Như ông Phạm Nhật Vượng là người rất thành đạt nhưng không hề có điều tiếng gì, thậm chí nhiều lĩnh vực y tế, giáo dục của ông ấy cũng đã chuyển sang hình thức phi lợi nhuận. Thực tế, với tàn sản của ông Vượng thì chỉ cần dừng lại là có thể ăn tới đời con cháu không hết nhưng họ vẫn kinh doanh là đang cống hiến cho xã hội, cho đất nước”.
Ông Lưu Bích Hồ cũng cho rằng, tất nhiên, tỷ phú cũng phải là người làm ăn chân chính, không kinh doanh kiểu “bất chấp thủ đoạn”, thì mới thực sự là những tấm gương cho các thế hệ trẻ học tập theo.
Ông Trần Bá Dương
Cơ chế cần thông thoáng hơn
Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, đã lọt vào tóp những tỷ phú USD của thế giới thì chắc chắn các tỷ phú của Việt Nam là những người tài giỏi. “Tôi hoan nghênh và ghi nhận những nỗ lực của các tỷ phú trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nỗ lực của họ đang đóng góp cho xã hội và cống hiến cho đất nước”, ông Doanh nhấn mạnh.
Ông Doanh cũng cho rằng, trong số những tỷ phú của Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng hiện được biết đến có tài sản lớn nhất và không ngừng mở rộng các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Lĩnh vực mới nhất của ông Vượng cũng chính là mong mỏi của nhiều người Việt với giấc mơ ô tô Made in Việt Nam.
“Mặc dù các ông chủ của những doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã có những cố gắng, nỗ lực và được vinh danh không chỉ trong nước mà còn có trong bảng xếp hạng thế giới, tuy nhiên, nếu so với các nước thì tỷ phú của chúng ta vẫn còn quá khiêm tốn. Do đó, muốn có thêm những tỷ phú USD của Việt Nam xuất hiện cần có môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng hơn, tạo sự cạnh tranh bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, mọi loại hình doanh nghiệp hoạt động”, TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia kinh tế, các tỷ phú chắc chắn là những người tài giỏi và có đóng góp cho đất nước (Ảnh: IT)
Cùng chung nhận định trên, PGS. TS. Nguyễn Văn Nam – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại cho rằng: Dù tỷ phú USD của Việt Nam đã tăng mạnh trong 2 năm qua nhưng nếu so với thế giới thì vẫn còn quá chậm. Nhìn vào các nước, họ chỉ cần 15- 20 năm đã có hàng loạt tỷ phú xuất hiện, ngay như Trung Quốc hiện đã có rất nhiều tỷ phú, trong đó có những người có tài sản lên tới hàng trăm tỷ USD. Trong khi, Việt Nam đã hơn 30 năm đổi mới nhưng hiện mới chỉ có khoảng 4- 5 tỷ phú với tài sản cao nhất cũng chỉ hơn 5 tỷ USD thì vẫn còn khiêm tốn.
Theo ông Nam, nguyên nhân chính dẫn tới Việt Nam đến bây giờ mới có những tỷ phú tư nhân là do cả một thời gian dài kinh tế tư nhân chưa được coi trọng. “Phải tới thời gian gần đây mới khẳng định kinh tế tư nhân đóng vai trò động lực, Chính phủ mới chỉ đạo cắt giảm các thủ tục hành chính, “dọn” các rào cản về chính sách, về điều kiện kinh doanh…nhưng các rào cản về đất đai cũng là quan trọng thì chưa thực sự làm được tốt”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, để có thêm các tỷ phú của Việt Nam trên bảng xếp hàng thế giới với mức giá trị tài sản tăng cao lọt vào những tốp đầu của bảng xếp hạng thì điều quan trọng nhất là phải thay đổi cơ chế. Phải làm sao cơ chế khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng, bình đẳng.
"Tôi thấy, nhiệm kỳ này Chính phủ đẩy phát triển kinh tế tư nhân là đặt vấn đề đã rất đúng và trúng nhưng khi triển khai cần có sự quyết tâm. Trong đó, việc đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước rất cần tiếp tục triển khai. Nếu vẫn để xảy ra tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, các bộ, ngành vẫn có những “ưu ái” cho các doanh nghiệp “sân sau” của ngành mình thì sẽ rất khó để cho kinh tế tư nhân phát triển”, ông Nam nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.