Hồng Nhân (thực hiện)
Thứ sáu, ngày 05/02/2021 06:05 AM (GMT+7)
Mới đây, lực lượng chức năng đã triệt phá đường dây làm bằng giả, bảng điểm và mua bán chứng chỉ. Đáng nói, trong số này có không ít phôi bằng chứng chỉ bác sĩ y khoa, cử nhân sư phạm. Cơ quan chức năng cho rằng, nếu số bằng này được đưa vào sử dụng sẽ gây ra hậu quả khôn lường cho xã hội...
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 20/2019/TT-BGDĐT bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT.
Như vậy, kể từ ngày 15/1/2020, các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ như: Đối tượng và điều kiện dự kiểm tra; Nội dung kiểm tra, thời lượng, yêu cầu của đề kiểm tra; Điều kiện, thẩm quyền cấp chứng chỉ… theo quy định tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT sẽ không còn được áp dụng. Tuy nhiên, các chứng chỉ ngoại ngữ đã cấp theo quy định tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT vẫn có giá trị sử dụng.
Đồng thời, các khóa đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên đang triển khai thực hiện trước ngày 15/1/2020 sẽ tiếp tục được thực hiện đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ cho đến khi kết thúc.
Theo luật sư Quách Thành Lực - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết: "Một số đối tượng có thể lợi dụng việc còn phôi chứng chỉ trình độ A, B, C nên tổ chức cấp cho người cần. Mặc dù theo quy định kể từ ngày 15/1/2020 đã dừng cấp nhưng những người đăng ký thi vào tháng 3, tháng 4/2020 vẫn nhận được bằng trình độ B với thời gian cấp trong năm 2019. Bên cạnh đó, chứng chỉ, bằng những đối tượng này cấp có thể là bằng giả nhưng được làm tinh vi giống như thật khiến người mua không thể phát hiện".
Cơ quan công an đã thu giữ 4 bộ máy tính để bàn, 12 máy in, 1 ổ cứng di động chứa 500 Gb các file mẫu thiết kế phôi bằng, chứng chỉ giả; 50 con dấu nhựa chưa hoàn thiện; 1 máy làm con dấu; 2 dụng cụ đóng tạo phôi dấu. Tang vật làm giả gồm: 3.600 phôi bằng các loại (đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung học phổ thông); 110 học bạ, 1.300 con dấu cao su, 1.800 miếng dán phôi các loại; 2.505 tem chống giả, 340 bảng điểm.Chiều 3/2, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - A05, Bộ Công an đã thông tin ban đầu về đường dây làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức trên không gian mạng. A05 cho hay, ngày 2/2 đã cùng với Công an TP.Hồ Chí Minh triệt phá băng nhóm có hành vi làm giả số lượng lớn con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức. Lực lượng chức năng đã khám xét nơi ở của 3 nghi phạm gồm: Vũ Xuân Nghĩa (32 tuổi, quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh); Lê Huỳnh Duy Anh (26 tuổi, huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh) và Vương Huỳnh Phát Đạt (29 tuổi, quận 12, TP.Hồ Chí Minh).
200 bản sao tốt nghiệp các loại, 195 văn bằng các loại, 115 chứng chỉ các loại, 1 thùng chứa dấu sao, chứng thực, đánh số; 1 thùng chứa mực in các loại; 4 dụng cụ cắt giấy A4, A3; 1 máy ép nhựa; 1 máy hủy cắt giấy; 17 hộp mực in… và nhiều tài liệu, đồ vật khác có liên quan đến hành vi phạm tội của các đối tượng. Nhóm này sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để che giấu hành vi phạm tội. Đáng chú ý, trong số bằng cấp, chứng chỉ giả thu được, phát hiện nhiều bằng bác sĩ y khoa, đại học sư phạm đã được in sẵn tên, chưa kịp chuyển cho người mua. Cơ quan chức năng cho rằng, nếu số bằng này được đưa vào sử dụng sẽ gây ra hậu quả khôn lường cho xã hội.
Hiện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đang tiếp tục phối hợp với Công an TP.HCM củng cố hồ sơ, mở rộng điều tra vụ án để xử lý các nghi phạm theo quy định.
Sử dụng, mua bán bằng giả có thể bị tù đến 7 năm
Liên quan đến xử phạt mua bán bằng giả, chứng chỉ, luật sư Đặng Văn Cường– Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, hành vi của nhóm nêu trên gây nguy hiểm cho xã hội, vi phạm quy định về quản lý hành chính trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và quản lý nhân sự.
"Những tấm bằng, chứng chỉ giả nằm trong tay những người không có năng lực nếu đưa vào sử dụng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của nguồn nhân lực, gây ra sự bất công bằng và nhiều hệ lụy lâu dài cho xã hội, đặc biệt là đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, liên quan đến sức khoẻ, tính mạng con người như ngành khám chữa bệnh.
Theo quy định của pháp luật thì hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức và hành vi sử dụng tài liệu con dấu giả là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức chế tài cao nhất của tội danh này có thể lên đến 7 năm tù"- luật sư Cương thông tin.
Cụ thể tội danh và hình phạt được Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:
Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức: 1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 2 lần trở lên; c) Làm từ 2 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; đ) Thu lợi bất chính từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; e) Tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: a) Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Theo vị luật sư, với hành vi làm giả từ 6 tài liệu con dấu trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên thì các đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 3 năm đến 7 năm tù. "Có thể nói rằng ảnh hưởng của bệnh háo danh, bệnh thành tích và các cơ chế đòi hỏi bằng cấp mang tính chất hình thức, sự nơi lỏng trong công tác quản lý nên nhiều đối tượng đã bất chấp pháp luật để thực hiện các hành vi làm, mua bán, sử dụng bằng cấp, chứng chỉ, giấy tờ giả để phục vụ cho công việc của mình và thu lợi bất chính.
Hiện nay trên mạng xã hội có rất nhiều đối tượng đăng tin về việc làm, mua bán bằng cấp chứng chỉ, bởi vậy các cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ nhóm các đối tượng này để kịp trời ngăn chặn, xử lý, tránh việc các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, sản xuất, bán các bằng cấp chứng chỉ giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn lao động, ảnh hưởng đến việc quản lý trật tự hành chính, quản lý nhân sự và gây bất bình đẳng trong xã hội. Những hành vi sử dụng bằng cấp giấy tờ, chứng chỉ giả là hành vi vi phạm pháp luật", vị luật sư nói.
Theo ông Cường, những người biết là giấy tờ giả nhưng vẫn sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật thì cũng sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu trên.
Ông Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó vụ Giáo dục đại học, (Bộ GDĐT) khẳng định: Phải học thật, thi thật
Việc có chứng chỉ, bằng là hoàn toàn cần thiết cho người học, nó là cái để chứng minh trình độ. Tuy nhiên cần phải kiểm tra lại đối tượng cần cấp và quy trình cấp bằng. Đồng thời các cơ quan khi tuyển người ngoài bằng cấp, cần phải tuyển người có tài, có trình độ. Tôi thấy, đầu tiên chúng ta phải tránh việc thương mại hóa chứng chỉ. Theo tôi nắm được, trước đây báo chí phản ánh rất nhiều về việc mua, bán chứng chỉ, cũng như việc mở ra các lớp rồi hỗ trợ thi cho người đăng ký.
Chứng chỉ, bằng cấp, phải học thật, thi thật, năng lực thật, tránh tình trạng như một số nơi hiện nay chỉ cần nộp tiền là có chứng chỉ, có bằng để rồi dùng những giấy tờ đó làm đẹp hồ sơ xin việc trong khi trình độ năng lực không có.
Ông Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Cần hậu kiểm sau tuyển dụng
Tôi thấy ở nhiều nước tiên tiến, việc tuyển chọn công chức, viên chức, người lao động rất thực tiễn, họ không cần văn bằng, chứng chỉ mà thông qua phỏng vấn để xác định người ứng tuyển có tương xứng, phù hợp với vị trí cần tuyển hay không. Ở Việt Nam, tôi cho rằng cũng nên làm như vậy. Chúng ta hậu kiểm, kiểm tra năng lực thực hành là chính, không bắt buộc cung cấp cái này cái kia, giờ phải thực chất. Nếu như vậy sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng mua bằng cấp tránh tình trạng mua bằng làm đẹp hồ sơ, sau đó khi làm việc lại không hiệu quả.
Luật gia Nguyễn Trọng Nghĩa - Văn phòng luật sư X (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội): Hình phạt chưa đủ tính răn đe
Cơ quan chức năng cần nghiên cứu tăng mức hình phạt đối với trường hợp mua bán, làm giả con dấu tài liệu bởi những hệ lụy và việc này gây ra khá nghiêm trọng. Với mức phạt hành chính, hoặc phạt tù theo tôi thấy chưa đủ sức răn đe. Đồng thời, lợi nhuận lớn từ việc cung cấp bằng giả khiến các đối tượng có thể bất chấp quy định của pháp luật để vi phạm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.