Trò chuyện với NTNN bên hành lang kỳ họp Quốc hội (QH) hôm qua (28.10) với câu hỏi: “Vì sao nông nghiệp nước ta vẫn khó khăn thế, nông dân vẫn nghèo thế?”- đại biểu QH Trần Hoàng Ngân (ảnh- TP. Hồ Chí Minh) cũng chỉ lắc đầu ngao ngán: “Giờ biết phải làm sao?”. Rồi khi được hỏi tiếp, ông đã mở lòng chia sẻ với NTNN về nền nông nghiệp nước nhà.
Đại biểu QH Trần Hoàng Ngân
Có thể dễ dàng nhận thấy, hầu như kỳ họp QH nào, vấn đề nông nghiệp- nông dân- nông thôn cũng được các đại biểu QH đưa ra thảo luận. Rồi Chính phủ cũng đưa ra nhiều chính sách để hỗ trợ, song có vẻ như nguồn lực thực tế dồn vào nông nghiệp lại không được như mong đợi. Theo ông, đây có phải là nguyên nhân dẫn đến ngành nông nghiệp nước ta cứ mãi “đì đẹt”?
Hiện người nông dân làm ra rất nhiều của cải, nhưng do chi phí cao, nên không có lãi nhiều (ảnh minh họa).
- Trước tiên, tôi xin nói rõ tinh thần Nghị quyết của QH ngay kỳ đầu tiên của khóa này đã xác định, trong giai đoạn từ năm 2011-2015, chúng ta phải tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Nhưng hiện nay mô hình tăng trưởng như thế nào, cụ thể ra sao thì đến đại biểu QH vẫn chưa rõ hay là cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ chiếm bao nhiêu %, tức 15%- 18% hay 20% trong nền kinh tế cũng chưa được làm rõ. Điểm thứ ba là, tái cơ cấu lần này là cho toàn diện nền kinh tế, trong đó ngành nông nghiệp cũng phải tập trung tái cơ cấu. Nhưng mục tiêu của tái cơ cấu là gì?
Tôi cho rằng, đó là nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của ngành hay nói cách khác là làm sao nâng cao được đời sống, chất lượng sống của người nông dân, chứ không phải đơn thuần chỉ làm tăng trưởng cho riêng ngành nông nghiệp, để nông nghiệp đóng góp cho xuất khẩu nhiều hơn hay đóng góp vào GDP nhiều hơn.
Như ông nói, chứng tỏ một điều hiện người nông dân làm ra rất nhiều của cải vật chất, sản phẩm cho xã hội, song chất lượng cuộc sống của họ lại rất thấp. Nghịch lý này là do đâu, thưa ông?
- Vừa qua, chúng ta có tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, đây là hướng đi đúng. Tuy nhiên, về năng suất lao động của người nông dân vẫn còn thấp, dẫn tới thu nhập thấp. Nguyên nhân chủ yếu do chúng ta thiếu đầu tư vào khoa học công nghệ (KHCN), chính sách đầu tư vào KHCN chưa đúng, cũng như thiếu chính sách để thu hút các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Tôi cho rằng, ngành nông nghiệp chúng ta là một ngành đầy tiềm năng, bởi khí hậu phù hợp, đất đai phì nhiêu.. thế nhưng người nông dân lại rất khổ là vì sao? Đó là bởi vì, nguồn cung vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất thường xuyên bị làm giá, trong khi đó vai trò của Nhà nước và thành phần kinh tế quốc doanh ở lĩnh vực này còn rất mờ nhạt.
Vì thế, theo tôi rất cần sự xuất hiện của thành phần kinh tế nhà nước để đảm bảo nguồn cung phân bón, thuốc trừ sâu, rồi thức ăn gia súc… ổn định. Từ đó, những mặt hàng này không bị làm giá, lũng đoạn gây khó khăn cho người nông dân.
Ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc tái cơ cấu vẫn chủ yếu tập trung vào khâu nâng cao năng suất, tổng sản phẩm từng ngành, chứ chưa giải quyết tận gốc của vấn đề là thu nhập của người nông dân?
- Tôi cho rằng, vấn đề là phải tập trung đầu tư và chú ý đến thị trường, đặc biệt là phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, để người nông dân làm ra của cải nhiều hơn với chi phí thấp hơn. Thực tế, hiện người nông dân làm ra rất nhiều của cải, nhưng do chi phí rất cao, nên không có lãi nhiều.
Tôi nói chẳng hạn, như người nuôi cá tuy có thu nhập lớn, nhưng thức ăn cho cá lại luôn luôn bị làm giá hay mỗi khi sản phẩm nông sản đầu ra tăng là y như rằng phân bón, thuốc trừ sâu cũng bị đẩy lên rất cao, thành ra mọi lợi nhuận “khúc giữa” đều hưởng hết, còn người nông dân luôn chịu thiệt.
Do đó, chúng ta cần hiểu tận gốc vấn đề của người nông dân để có chính sách đúng, đồng thời Nhà nước cũng cần hỗ trợ họ tìm kiếm thị trường. Qua theo dõi tôi thấy, thị trường rau củ quả trên thế giới hiện còn rất lớn, nên cần phải có chiến lược về sản phẩm đối với những mặt hàng này, chứ không chỉ loanh quanh lúa gạo mãi.
Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp bằng những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Bây giờ, bài toán là làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người nông dân, chẳng hạn như phát triển các mô hình liên kết?
- Hiện như chúng ta đã thấy mô hình cánh đồng mẫu lớn của Công ty cổ phần Thuốc bảo vệ thực vật An Giang khá tốt, họ có sự liên kết với nông dân và đã có những kết quả khá tốt, nên cần phát huy những mô hình như thế. Theo tôi, chỉ có sản xuất lớn, có sự liên kết thành cánh đồng mẫu lớn mới có thể ứng dụng KHCN được.
Chúng ta phải có sự tin tưởng rằng, ở những nước châu Âu họ đã phát triển trên nền tảng nông nghiệp hiện đại, rồi từ đó trở thành những nước tiên tiến, công nghiệp hiện đại với thu nhập bình quân đầu người rất cao. Như vậy, vấn đề ở đây là phải ứng dụng KHCN vào nông nghiệp như thế nào để nâng cao hiệu quả sản xuất, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế nhưng điều quan trọng theo tôi vẫn là nâng cao được đời sống của người nông dân.
Xin cảm ơn ông!
Kỳ họp trước, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát trước Quốc hội, ông có nói, ngành nông nghiệp có nhiều khó khăn nhưng bộ trưởng trả lời có vẻ “hiền” quá. Vậy đến nay, đã qua 2 kỳ họp QH, ông có thấy hài lòng về các giải pháp mà Bộ trưởng Cao Đức Phát đã thực hiện? - Về khách quan, tôi thấy bộ trưởng không thể giải quyết được cho cả ngành nông nghiệp đâu, nhưng nỗ lực của ngành nông nghiệp là có và rất tích cực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.