Làm giả sổ điểm, học bạ, cả dàn cán bộ dắt díu nhau vào tù

Nha Mẫn Thứ ba, ngày 24/05/2022 10:17 AM (GMT+7)
Thảo nghĩ có thể kiếm tiền bằng cách làm giả mạo hồ sơ, tài liệu để lừa dối cơ quan quản lý giáo dục nhằm cấp bằng tốt nghiệp THCS cho những người có nhu cầu nên đã bàn bạc với các đồng phạm cùng làm giả để lấy tiền chia nhau.
Bình luận 0

Đến thời điểm này, vụ án làm giả giấy tờ xảy ra tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn luôn là câu chuyện được dư luận quan tâm bởi nó liên quan đến ngành giáo dục, một ngành có nhiệm vụ “trồng người”. 

Tuy nhiên nguyên dàn lãnh đạo trung tâm này đã lợi dụng chính quyền hành giáo dục của mình móc nối với nhau làm giả nhiều loại giấy tờ để thu lợi bất chính. Điều đó khiến cho dư luận địa phương hoang mang thời gian dài vì những mánh khoé của một số con sâu trong ngành giáo dục.

Làm giả sổ điểm, học bạ một dàn “bộ sậu” dắt díu nhau vào tù - Ảnh 1.

Bị cáo Hải. Ảnh: B.Long

Cụ thể, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Long Điền là một đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và đơn vị này được thành lập năm 2005. Đến ngày 9/10/2012, Phạm Ngọc Thảo được bổ nhiệm làm Giám đốc trung tâm. Sau đó, đến ngày 6/9/2016, Lê Thanh Hải (SN 1969) được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc trung tâm. 

Ngoài ra, trong trung tâm còn có Nguyễn Đình Khôi (SN 1962, nhân viên văn phòng), Nguyễn Huỳnh Quang (SN 1983, GV môn Tin học), Ngô Minh Khuê (SN 1987, GV môn Địa lý) và Nguyễn Hồng Tài (SN 1987, GV môn Vật lý).

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong năm học 2015-2016, Thảo chỉ đạo Hải cùng các giáo viên và nhân viên nói trên làm giả sổ gọi tên và ghi điểm, học bạ GDTX, lập danh sách học viên trên Mạng giáo dục Việt Nam (Vnedu)…, nhằm hợp thức hóa việc xét công nhận tốt nghiệp, đề nghị Phòng GDĐT huyện Long Điền công nhận và cấp bằng tốt nghiệp THCS  (hệ vừa học vừa làm) cho 97 học viên của Trung tâm trái quy định.

Sau vụ việc trót lọt, Thảo nhận thấy có thể làm giả mạo hồ sơ, tài liệu để lừa dối cơ quan quản lý giáo dục với mục đích cấp bằng tốt nghiệp THCS cho những người có nhu cầu nên Thảo đã bàn bạc cùng những người khác để thực hiện những hành vi sai trái.

Làm giả sổ điểm, học bạ một dàn “bộ sậu” dắt díu nhau vào tù - Ảnh 2.

Trung tâm nơi xảy ra những sai phạm của Thảo và đồng phạm. Ảnh: Tuệ Mẫn

Cụ thể năm học 2016-2017, Thảo cùng đồng phạm đã thống nhất nhận hồ sơ của những người có nhu cầu để làm hồ sơ giả mạo thể hiện quá trình học, kiểm tra, thi, xét tốt nghiệp cho các học viên hệ vừa làm vừa học, rồi đề nghị cấp bằng tốt nghiệp THCS nhằm thu tiền chia nhau.

Trong đó, sau khi nhận hồ sơ của học viên, Thảo chỉ đạo Hải cùng các đồng phạm thực hiện việc tạo lập sổ gọi tên và ghi điểm bằng cách sao lại danh sách điểm trên sổ gọi tên và ghi điểm của năm học 2015-2016. 

Khi có danh sách học viên thì điền vào sổ rồi ký tên với tư cách là giáo viên chủ nhiệm; lập học bạ GDTX của các học viên, trong đó ghi đủ các năm học các lớp 6, 7, 8 và 9 rồi giao cho Hải, Khôi, Quang, Khuê, Tài ký với tư cách là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và giả chữ ký của các giáo viên khác.

Tiếp đó, Quang lập danh sách học viên trên Vnedu để Thảo hoặc Hải ký xác nhận với tư cách Giám đốc, hoặc Phó giám đốc Trung tâm vào sổ gọi tên và ghi điểm, sổ học bạ GDTX của học viên, để hoàn thành thủ tục tại trung tâm.

Trên cơ sở đó đề nghị Phòng GDTX huyện Long Điền tiến hành các thủ tục tiếp theo để những người nộp hồ sơ đăng ký học bậc THCS hệ vừa làm vừa học tại Trung tâm sẽ nhận được bằng tốt nghiệp THCS, do Phòng GDĐT huyện Long Điền cấp mà không phải đi học, làm bài kiểm tra, thi theo quy định…

Qua điều tra, công an xác định đã có việc thỏa thuận thu và chia tiền giữa Thảo và đồng phạm. Cụ thể năm 2015-2016, các bị can nhận 253 hồ sơ học viên nhưng không thu tiền, còn năm 2016-2017, các bị can khai thu 200.000 đồng/học viên/khóa. Với 580 học viên, các bị can thu được 116 triệu đồng.

Năm học 2017-2018 và 2018-2019, Thảo và Hải chỉ đạo Khôi và Quang nhận hồ sơ của học viên, đưa ra mức tiền thu là 1,5 triệu đồng/học viên, nếu ai thu hơn thì được hưởng nhưng không quá 2 triệu đồng/học viên. Các bị can Thảo, Hải, Khôi và Quang khai nhận đã thu được khoảng 674 triệu đồng, từ khoảng 1.235 hồ sơ học viên.

Như vậy, các bị can đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, sử dụng con dấu uy tín của trung tâm để tạo lập các giấy tờ giả mạo với mục đích lừa dối cơ quan quản lý giáo dục. Để từ đó những người đăng ký và nộp tiền cho các bị can được công nhận và cấp bằng tốt nghiệp THCS mà không cần phải học, kiểm tra, thi và xét tốt nghiệp theo quy định của Bộ GD-ĐT. Thực tế số lượng bằng tốt nghiệp THCS đã cấp cho các học viên của Trung tâm là 815 bằng tốt nghiệp.

Với những hành vi nêu trên, các bị cáo đã bị TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa ra xét xử và tuyên phạt Phạm Ngọc Thảo 10 năm tù, Lê Thanh Hải 8 năm tù, Nguyễn Đình Khôi 7 năm tù, Nguyễn Huỳnh Quang 7 năm tù, Ngô Minh Khuê 5 năm tù và Nguyễn Hồng Tài 4 năm tù về tội “giả mạo trong công tác” theo quy định tại Khoản 4, Điều 359 Bộ Luật hình sự.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem