Lãi nữa tỷ/năm
Trao đổi với Dân Việt, anh Nguyễn Văn Kiệt cho biết: Xuất thân trong một gia đình thuần nông, ngoài mấy sào ruộng tôi còn làm thêm các công việc tự do khác để kiếm sống, tuy nhiên thu nhập khá bấp bênh. Năm 2003, tôi bắt đầu chọn mô hình trang trại theo hướng VAC làm bước đi khởi nghiệp cho gia đình mình.
Trang trại theo mô hình VAC của anh Nguyễn Văn Kiệt cho lãi hơn nửa tỷ đồng/năm. Ảnh: Trần Hậu
“Với nguồn vốn vay 50 triệu từ ngân hàng Agribank Điện Bàn, cộng với số tiền tích cóp được, tôi quyết định thành lập trang trại theo mô hình VAC. Ban đầu, do vốn ít nên trang trại chỉ có quy mô khoảng 0,5ha (năm 2003), đến nay quy mô trang trại của tôi đã mở rộng lên hơn 1,5ha. Với 2 ao nuôi cá (gồm cá trắm, chép, rô phi), hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 40 tấn cá các loại, trung bình mỗi tấn có giá từ 25-30 triệu, tùy vào loại cá. 3 chuồng nuôi gà, nuôi theo hình thức gối đầu (khoảng trên 7.000 con/lứa, mỗi năm 3 lứa), mỗi kg gà bán ra thị trường hiện nay có giá từ 40-45.000 đồng/kg, cùng đàn bò 5 con. Hiện trang trại của tôi cho doanh thu trên 2 tỷ đồng/năm, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi hơn nửa tỷ đồng…” - anh Kiệt phấn khởi nói.
Với 7.000 con/lứa, mỗi năm 3 lứa, riêng gà hàng năm mang về nguồn doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng cho gia đình anh Kiệt. Ảnh: Trần Hậu
Anh Kiệt cho biết thêm, ban đầu khởi nghiệp cái khó khăn nhất là vốn và kinh nghiệm, nhưng với tính siêng năng, cần cù và ước muốn làm giàu từ kinh tế trang trại, anh Nguyễn Văn Kiệt đã bền bỉ, chịu khó học hỏi, nghiên cứu và từng bước phát triển kinh tế theo mô hình VAC mang lại hiệu quả kinh tế. Hiện trang trại đang giải quyết cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Anh Kiệt bên ao nuôi cá của mình. Ảnh: Trần Hậu
Xây nhà lầu nhờ mô hình VAC
Chia sẻ về quá trình làm giàu đầy gian khó của mình, anh Kiệt cho hay: Trước đây diện tích của tôi chỉ có 0,5ha, chỉ để trồng lúa và một số cây hoa màu, nhưng hiệu quả không cao, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình VAC. Tôi đã cải tạo đất ruộng thành ao thả cá và chuồng trại để chăn nuôi gà. Sau một thời gian thấy có hiệu quả, với số tiền tích góp được, tôi mua thêm đất xung quanh và đến nay trang trại của tôi rộng hơn 1,5ha.
Nhờ phát triển kinh tế trang trại theo mô hình VAC mà anh Nguyễn Văn Kiệt xây được ngôi nhà lầu 2 tầng khang trang, có giá gần 2 tỷ đồng. Ảnh: Trần Hậu
Trang trại của tôi chia làm 2 khu: Khu nuôi gà và khu nuôi cá, nhằm tận dụng nguồn phân thải của gà làm thức ăn cho cá, tiết kiệm được chi phí. Ngoài ra, tôi còn nhận ruộng của bà con (hơn 10 mẫu) không có nhu cầu sử dụng để sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm làm thức ăn cho gà phục vụ cho trang trại. Nhờ mô hình VAC mà gia đình tôi vươn lên khá giả, xây được ngồi nhà mới khang trang, giá trị gần 2 tỷ đồng, nuôi 2 đứa con ăn học.
“Hiện đầu ra của trang trại khá ổn định, thời gian tới, tôi đang có dự định mở rộng trang trại của mình, xây dựng thêm chuồng trại để nuôi thêm heo và trồng cỏ nuôi bò để nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình, cũng như giải quyết lao động cho địa phương”, anh Kiệt chia sẻ.
Trang trại của anh Kiệt chia làm 2 khu, gồm khu nuôi gà và khu nuôi cá, nhằm tận dụng nguồn phân thải của gà làm thức ăn cho cá, tiết kiệm chi phí. Ảnh: Trần Hậu
Ông Mai Phước Thành - Chủ tịch Hội Nông dân xã Điện Thọ, cho biết: Mô hình VAC khép kín của anh Nguyễn Văn Kiệt đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập ổn định cho hộ gia đình. Không chỉ chú tâm phát triển kinh tế gia đình, với vai trò là trưởng thôn, anh Kiệt luôn gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động; thường xuyên giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm giúp bà con trong xã phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mãnh đất quê hương mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.