Làm giàu với “kho báu” dược liệu dưới rừng Kon Ka Kinh

Trần Hiền Thứ tư, ngày 15/05/2019 06:30 AM (GMT+7)
Tận dụng lợi thế về khí hậu và diện tích rừng tự nhiên, huyện Kbang (Gia Lai) đã đẩy mạnh phát triển các loại dược liệu như cao mật nhân sâm, nấm linh chi, sâm đá, sâm dây, sa nhân tím… Hướng đi này đã khẳng định hiệu quả, giúp nông dân sống gần rừng vươn lên làm giàu.
Bình luận 0

“Kho báu” dưới tán rừng

Vượt 200km từ TP.Pleiku đi “ốc đảo” Kon Pne - nơi được mệnh danh là thiên đường của dược liệu, chúng tôi được mục sở thị những vườn cây thuốc quý nằm lọt thỏm giữa rừng già. Chỉ tay về phía thảm rừng xanh thuộc Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, anh Lê Văn Quang – Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne cho biết, đặc trưng của địa phương là… toàn rừng núi bao quanh.

 Trước đây dân chỉ biết vào rừng săn bắn hoặc hái lá, kiếm măng về ăn. Bây giờ người dân vẫn dựa vào rừng, nhưng bằng cách trồng bạt ngàn dược liệu dưới tán rừng, với nhiều loại thuốc quý, có giá trị kinh tế cao.

img

 “Củ khỏe”, một trong các loại dược liệu đặc hữu của rừng Kon Ka Kinh.  Ảnh: T.H

“Ban đầu chúng tôi chỉ nghĩ trồng dược liệu giúp dân có thu nhập phụ, từ đó tích cực bảo vệ rừng, giờ mới thấy thị trường rất ưa chuộng, hiệu quả kinh tế không hề nhỏ”, anh Quang cho biết. Cũng theo anh Quang, Kon Pne có lợi thế đồi núi cao, khí hậu mát mẻ nên xã đã vận động người dân chuyển đổi từ cây mì, cây lúa rẫy sang trồng các loại dược liệu như sa nhân tím, sâm đá, sâm dây, đương quy…

Không chỉ vận động suông, mà từ nhiều nguồn vốn, UBND xã Kon Pne đã hỗ trợ gần 50 hộ dân trồng dược liệu dưới tán rừng được nhận khoán bảo vệ. Đến nay toàn xã có hơn 60ha dược liệu dưới tán rừng, trong đó nhiều nhất là sa nhân tím, còn lại là các loại sâm.

“Với cách làm này, người dân vừa có thu nhập từ tiền dịch vụ môi trường rừng, lại tận dụng diện tích rừng nhận khoán để trồng dược liệu phát triển kinh tế” - anh Quang cho biết thêm.

Kỳ vọng mới từ OCOP

Cùng với Kon Pne, xã Đăk Krong cũng đang đẩy mạnh phát triển các loại cây dược liệu nhằm phát huy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Chỉ trong vài năm, xã đã hỗ trợ người dân phát triển 65ha dược liệu dưới tán rừng, với các loại như sa nhân tím, đương quy, sâm dây…

"Gia đình mình tham gia trồng sâm đá dưới tán rừng từ năm 2015, đến nay đã bắt đầu thu hoạch. Với giá bán khoảng 100.000 đồng/kg như hiện nay, mình dự kiến thu được khoảng 200 triệu đồng, gấp hàng chục lần trồng mì và lúa rẫy như trước đây”. 

Anh A Khúc (làng Kon Hleng)

Ông Mã Văn Tình - Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Kbang cho biết, với độ che phủ rừng cao và nhiệt độ trung bình khoảng 21 – 23 độ C, huyện đang đẩy mạnh phát triển vùng dược liệu ở các xã Đăk Roong, Kon Pne, Sơn Lang, Sơ Pai… Trong đó sa nhân tím đã phát triển được 160ha, sâm đương quy 8ha…

 Riêng sâm đương quy đang được HTX Nông nghiệp dược liệu Quang Huy trồng và chế biến thành công tại xã Sơ Pai, đây là cơ sở để mở rộng diện tích trong thời gian tới. Mới đây, Công ty Việt – Nga cũng đã nuôi cấy mô thành công đối với lan kim tuyến và đang tiếp tục mở rộng diện tích thử nghiệm lên hơn 20ha.

Cũng theo ông Tình, khi tỉnh triển khai Chương trình OCOP, huyện đã đăng ký 15 sản phẩm, trong đó chủ yếu là các loại dược liệu dựa trên lợi thế so sánh về khí hậu, thổ nhưỡng.

Huyện đang kỳ vọng Chương trình OCOP sẽ tiếp sức, mở ra cơ hội để nâng cao chất lượng, quảng bá rộng rãi các loại sản phẩm dược liệu đặc hữu của địa phương. Từ đó nâng cao thu nhập cho người dân vùng sâu, sinh sống gần rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem