Làm hầm biogas

Chủ nhật, ngày 16/10/2011 06:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bây giờ đâu chỉ có miền xuôi, ngay ở miền núi người ta cũng làm hầm biogas. Hầm biogas trở thành quen thuộc với bà con ta. Trẻ con cũng biết khoe: “Nhà tao toàn đun nấu bằng gas chứ không đun củi như nhà mày…”.
Bình luận 0

Riêng trong lĩnh vực chăn nuôi, chúng ta có cả một đề án quốc gia với sự hỗ trợ của nhiều nước và nhiều tổ chức quốc tế để phát triển mạnh biogas tới tất cả các tỉnh và thành phố. Hầu như gia đình nào cũng có thể thiết lập được bể biogas. Thế nhưng vẫn còn có rất nhiều nhà chưa hiểu hoặc chưa biết tới công nghệ này. Phải chăng, không có ai nói cho họ hoặc họ ngại tiếp cận với công nghệ mới đó?

img
Hầm biogas giúp ND tiết kiệm nhiều chi phí.

Biogas là cụm từ viết tắt của 2 từ: Biology (tức là sinh học) và gas (là khí). Vì vậy biogas là “khí sinh học”. Khí sinh học được sinh ra từ đâu? Nó được sinh ra từ quá trình phân giải chất hữu cơ. Khi các chất hữu cơ được thải ra ngoài (ví dụ như phân) hoặc cơ thể động, thực vật bị chết thì sẽ có một quá trình phân giải. Nếu sự phân giải đó diễn ra trong môi trường có oxy (như trên mặt đất) thì sản phẩm cuối cùng sẽ là CO2 (khí các - bô - níc).

Nhưng nếu sự phân giải diễn ra trong môi trường không có oxy (ví dụ: Nó bị dìm sâu dưới nước, dưới đáy giếng hoặc dưới bùn lầy) thì sản phẩm cuối cùng của nó chủ yếu là khí metan (CH4) và một phần nhỏ là khí CO2. Ngoài ra, nó còn có thêm một lượng rất nhỏ khí H2S. Khí này có mùi hôi của trứng thối. Khí metan chiếm tới 90% lượng khí sinh ra. Nó lại là loại khí có thể đốt cháy được. Đấy chính là nguyên nhân chủ yếu mà người ta quảng bá và vận động bà con ta làm hầm biogas.

Năng lượng là mục tiêu hàng đầu của biogas. Nếu có biogas, tức là có khí đốt, bà con ta có thể đun nấu mà không cần tới than, củi, trấu, rơm, rạ, dầu hỏa… Nó vừa sạch, vừa tiện, vừa không mất tiền mua. Nó còn có thể thắp sáng đèn “măng sông” chạy các cỗ máy (xay xát, bơm nước, phát điện, tủ lạnh…) hoặc tạo nhiệt để ấp trứng, úm gà, nuôi tằm…

Tất cả nguồn phân động vật (kể cả phân bắc), các phụ phẩm và phế thải nông nghiệp mà bỏ đi đều được dồn xuống hầm biogas để tạo ra khí đốt. Như vậy, trên nhà và chuồng trại hoàn toàn sạch sẽ, không còn phân, rác, không có mùi hôi thối, bẩn thỉu. Ruồi bọ cũng hết chỗ trú và sinh sống.

Chất hữu cơ qua hầm biogas sẽ được phân giải để tạo ra khí đốt. Phần bã còn lại nằm trong điều kiện ngập nước, không tiếp xúc với không khí. Vì vậy, các loài vi sinh vật gây bệnh và giun, sán dễ dàng bị tiêu diệt. Ta múc bã đó lên. Đó là loại phân sạch tuyệt vời. Có nơi còn dùng bã đó để làm thức ăn cho một số loài thủy sản.

Điều quan trọng là bà con mình đỡ khổ hơn nhiều. Có hầm biogas thì không còn phải lo đi kiếm củi, đi mua chất đốt, nhóm bếp, đốt lò, đun, thổi… vất vả nữa.

Biogas khó tính được thành tiền. Nhưng nếu có hầm biogas, ta đỡ được rất nhiều khoản phải chi. Người làm ăn giỏi phải tận dụng biogas.

Để ứng dụng công nghệ biogas, bà con có thể tìm đọc cuốn “Nghề sản xuất khí sinh học” có trong bộ sách 100 nghề của chúng tôi (do Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành). Ta cũng có thể liên hệ với các đơn vị khuyến nông để có thêm thông tin. Nếu trong vùng dự án, mỗi hầm biogas còn được hỗ trợ thêm 1 - 2 triệu đồng để hoàn thành.

Vậy, tại sao không làm hầm biogas ngay đi?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem