Với những người phụ nữ độc lập và cá tính, họ có thể đạp lên dư luận mà sống, nhưng bản chất của phụ nữ luôn là mềm yếu nên ta không thể phủ nhận những áp lực mà dư luận giáng xuống họ. Bạn có thể bị gọi là “ích kỉ” nếu chỉ quan tâm đến cuộc sống tự do của mình hoặc có thể bị gọi là “ngu ngốc” khi bị động rơi vào hoàn cảnh “single mom”.
Có một cụm từ cứ ám ảnh tôi mãi, ám ảnh không vì tôi sắp bước sang tuổi 30 mà chưa lập gia đình, ám ảnh không vì mình sẽ là người vợ tồi, ám ảnh không vì tôi không có người đàn ông ở bên… Nhưng tôi vẫn bị ám ảnh bởi nó: “single mom”- người mẹ đơn thân. Người ta không dùng cụm từ “người mẹ độc thân”, dù “đơn thân” hay “độc thân” đều chỉ một cá thể nhưng “độc thân” gợi sự cô độc nhiều hơn.
Tại sao lại thành “single mom” vậy?Ta nhìn thấy cô ấy đáng thương, cô ấy yêu bằng tình yêu trong trắng mãnh liệt. Và rồi hắn biến mất như một miền kí ức muốn rũ bỏ. Cô quay quắt trong những giọt nước mắt đau khổ cùng sự hi vọng, phẫn uất về một tên họ Sở…
Ta nhìn thấy cô ấy mẫu phụ nữ hiện đại: Thành đạt, xinh đẹp, bản lĩnh. Xung quanh cô thật không thiếu những người đàn ông có tiền tài địa vị nhưng cuối cùng cô ấy vẫn chọn cho mình một con đường là lặng lẽ sinh con và vẫn sống cuộc đời tự do của mình… Đó cũng là cách mà các cô muốn khẳng định cá tính của mình trước cuộc sống, giống như khẩu hiệu nữ quyền mà tôi có lần nhìn thấy: “We can do it.”
Ta nhìn thấy cô ấy sớm khuya đi về lẻ bóng. Cuộc đời có lẽ đã lấy của cô ấy quá nhiều thứ, gắn vào cô ấy quá nhiều trách nhiệm, để rồi khi cô nhìn lại, trên con đường mình đi hoàn toàn thiếu vắng một người đàn ông. Cô đành chọn phương án “gửi gắm” một đứa con để an dưỡng tuổi già..
Vậy, ta nhìn thấy mái ấm của những bà mẹ đơn thân hoàn toàn thiếu vắng vai trò trụ cột của những người đàn ông, những người chồng, người cha, như một mô hình gia đình thường thấy. Và những “single mom” này tự mình gánh hai trách nhiệm: vừa nhu mì như một người mẹ lại vừa cứng rắn mạnh mẽ như một người cha. Gia đình “single mom” vẫn phát triển song song với những gia đình đầy đủ các thành viên khác, thậm chí nó đang trở thành một xu hướng ở các nước phát triển.
“Single mom”- hạnh phúc hay đắng cay?Câu trả lời là cả hai!
Hạnh phúc, như có lần ca sĩ Siu Black từng chia sẻ, đại ý, vẫn có người đàn ông đợi tôi ở nhà cơ mà (chỉ con trai của nữ ca sĩ). Hạnh phúc, như siêu mẫu LaLa Xuân Lan với những lo lắng tất bật cho ngày chào đời của bé Thỏ. Hạnh phúc là giọt nước mắt của những người phụ nữ lam lũ cả đời được bế bồng trên tay đứa con thơ. Hạnh phúc là sự nức nở của cô gái trẻ khi đón đứa bé trên tay mà không biết ngày mai sẽ ra sao…
Cô bé ơi, cô có biết, biết bao người phụ nữ khác hiếm muộn mong muốn được như cô không? Họ sẵn sàng đánh đổi tất cả, miễn là có được hạnh phúc làm mẹ như ngày hôm nay cô đang có, dù cô bé có thể chưa ý thức được điều đó rõ ràng…
…Nhưng cũng đắng cay nhiều đường…
Là phụ nữ mà thân phải lo cả những việc của đàn ông đã là một sự mệt mỏi. Nhưng “single mom” có nỗi khổ tâm riêng, đó là sự bàn tán của dư luận xã hội. Quan niệm truyền thống luôn lấy một gia đình đủ đầy làm chuẩn mực, thế nên sự khuyết thiếu ấy luôn bị đánh giá ở mức thấp hơn, kèm theo đó là những ánh mắt, những lời dị nghị.
Với những người phụ nữ độc lập và cá tính, họ có thể đạp lên dư luận mà sống, nhưng bản chất của phụ nữ luôn là mềm yếu nên ta không thể phủ nhận những áp lực mà dư luận giáng xuống họ. Bạn có thể bị gọi là “ích kỉ” nếu chỉ quan tâm đến cuộc sống tự do của mình hoặc có thể bị gọi là “ngu ngốc” khi bị động rơi vào hoàn cảnh “single mom”.
Gia đình thiếu bóng dáng đàn ông nghĩa là “single mom” trở thành trụ cột trong nhà, cũng có lúc phải cầm búa đóng cái đinh tường hay trèo thang treo một khung tranh, hay đơn giản hơn là phải tự mình dắt xe ngày hai buổi ra vào ngôi nhà…
Nhưng đắng cay nhất có lẽ là những lời “ong bướm” của những kẻ ngoài xã hội, những kẻ là vừa là trụ cột trong gia đình của họ nhưng cũng muốn làm “cái cột” của mấy “mái nhà” khác nữa. “Single mom” từ chối thẳng thừng vẫn nhận được những nụ cười khinh khỉnh của họ, và có thể còn là sự khinh bỉ nhân cách bởi những người phụ nữ của họ nữa.
“Mẹ ơi ba con đâu?” Đây có lẽ là điều mà bất cứ “single mom” nào cũng phải chuẩn bị tinh thần, để làm sao có câu trả lời cho con trẻ ít bị tổn thương nhất. “Single mom” có thể là tình trạng cả đời, cũng có thể là sự tạm thời, khi người phụ nữ ấy tìm thấy cho mình bến đỗ nhưng trái tim yêu một khi bị tổn thương thật khó hàn gắn lắm thay!
Bạn có muốn trở thành một “single mom?”Cá nhân tôi là một người phụ nữ độc lập và hơn một lần tôi nghĩ đến việc làm một “single mom”. Tôi cũng hồi hộp không biết những người đàn ông xung quanh tôi nghĩ gì về suy nghĩ của mình và quyết định hỏi 3 người đàn ông. Một người là người bạn rất hiểu tôi dù kém tuổi, một người là người hơn tôi cả về tuổi tác lẫn trình độ và người cuối cùng, cũng là người tôi hỏi sau cùng, người yêu tôi-bằng tuổi.
Bạn tôi chia sẻ: “Cuộc sống có những thứ gọi là quy luật Nhân- quả, sinh- tử, trẻ- già… và tình nghĩa vợ chồng. Đôi khi con người ta có duyên mà không có phận và ngược lại. Vợ chồng là duyên phận và chúng ta cũng phải có trách nhiệm với gia đình, họ hàng mình. Lấy chồng, sinh con, chăm sóc bố mẹ… đều là quy luật. Đừng rũ bỏ nó, cũng đừng sợ nó.”
Người đàn ông hơn tuổi tôi thì nói: “Em làm như thế có ích kỉ quá không… Ta dừng cuộc nói chuyện ở đây… Em đi nghỉ đi nhé.” Còn người yêu tôi thì nói: “Em định như thế… còn anh thì sao?”
Tôi nghĩ ba câu trả lời trên là hợp lý. Nếu bạn nghiêm túc làm một “single mom”, bạn hãy chuẩn bị tốt về tài chính, sức khỏe và tâm lý. Có lẽ tôi không thể trở thành “single mom” vì tôi đã có một điểm tựa. Nhưng nếu tôi gặp “single mom”, tôi vẫn rất tôn trọng quyết định họ. Và nếu “single mom” đó muốn tìm cho mình một tổ ấm, như con ngựa chồn chân mỏi gối muốn tìm về cái tàu ngựa thì tôi cũng vẫn sẽ ủng hộ họ. Vì biết đâu đấy, cuộc sống mà… Có “single mom” thì cũng có “single dad” đó thôi...
Guu (Theo Guu)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.