Làm nông nghiệp an toàn từ những điều nhỏ nhất

Hồng Liên Thứ ba, ngày 12/11/2019 05:15 AM (GMT+7)
Xác định bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội và phong trào nông dân, thời gian qua, cùng với phát động phong trào “Nông dân Vĩnh Phúc vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, môi trường xanh-sạch-đẹp”, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động các cấp hội viên chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa.
Bình luận 0

Từ việc làm nhỏ

Có mặt tại xã Vũ Di (Vĩnh Tường) những ngày này, chúng tôi thấy bà con nông dân thường nói với nhau nhiều hơn về những câu chuyện liên quan tới rác thải nhựa.

Cô Nguyễn Thị Hạ (thôn Yên Nhiên, xã Vũ Di) cho biết: "Trước đây, từ đi hái rau, đi chợ, đến đi chơi, tôi đều sử dụng túi nylon vì tiện, rẻ và đẹp. Thế nhưng, thời gian gần đây, qua công tác tuyên truyền, tôi hiểu được những nguy cơ gây hại từ rác thải nhựa đối với sức khỏe con người và môi trường, nên tôi đã thay thế túi nylon bằng làn đi chợ; dùng thùng, rổ đi hái rau để hạn chế rác thải nhựa. Đồng thời, trồng rau, củ, quả đảm bảo sạch, an toàn cho gia đình".

img

  Thay vì sử dụng túi nylon để hái rau, bà Nguyễn Thị Hạ ở thôn Yên Nhiên, xã Vũ Di (Vĩnh Tường) đã dùng thùng sử dụng nhiều lần.  Ảnh:  H.L

Ông Đặng Trần Bảo- Chủ tịch Hội Nông dân xã Vũ Di cho biết: "Góp phần thực hiện bảo vệ môi trường, đẩy lùi rác thải nhựa tại địa phương, Hội Nông dân xã đã vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hội đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp, lồng ghép vào các hội nghị của UBND, của thôn, xóm về sự nguy hiểm và tác hại của ô nhiễm môi trường, đặc biệt từ rác thải nhựa tới hệ sinh thái và sức khỏe con người, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hội viên, nông dân trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng địa phương ngày càng sạch đẹp.

Sau 2 năm triển khai, phong trào "Nông dân Vĩnh Phúc vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, môi trường nông thôn xanh-sạch-đẹp" đã tạo hiệu ứng, có sức lan tỏa rộng rãi tới các hội viên, nông dân; nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được áp dụng từ các chi hội. Gần 80% số hộ hội viên nông dân tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, hình thành hơn 100 tổ thu gom rác thải tại các chi, tổ hội trên địa bàn.

Xây dựng mô hình cụ thể

Để bảo vệ chính mình, gia đình, người thân và môi trường sống, mỗi cán bộ hội, hội viên, nông dân tỉnh Vĩnh Phúc tự nâng cao nhận thức, hạn chế sử dụng túi nylon, đồ dùng 1 lần, cùng chung tay đẩy lùi rác thải nhựa vì một thế giới xanh-sạch-đẹp.

Phát huy kết quả đạt được và thực hiện lời kêu gọi nông dân chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các cấp Hội tăng cường vận động nông dân thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các quy định của tỉnh, địa phương, cơ sở để giữ gìn và bảo vệ môi trường. Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy các chương trình, đề án, dự án, biện pháp, các hoạt động cụ thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường tại khu vực nông thôn.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Hội Nông dân tỉnh cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân các cấp nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của rác thải nhựa; tham gia thực hiện giải quyết vấn đề rác thải nhựa với các hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện thực tế ở mỗi địa phương.

Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Vĩnh Phúc cũng gương mẫu không sử dụng nước uống đóng chai sử dụng 1 lần tại cơ quan, đơn vị và trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn, các buổi thông tin tuyên truyền, thay vào đó là sử dụng bình nước có thể tích lớn (trên 20 lít) hoặc tự đun nấu, dùng các dụng cụ chứa đựng được nhiều lần hoặc vật liệu dễ tiêu hủy (sản phẩm sản xuất từ giấy hoặc các sản phẩm thân thiện môi trường).

Đồng thời, các cấp Hội triển khai xây dựng các mô hình điểm về thu gom, chống ô nhiễm từ rác thải nhựa. Mỗi cán bộ, gia đình hội viên nông dân hành động bằng các việc làm cụ thể, thiết thực để giảm thiểu rác thải nhựa như: Không sử dụng túi nylon khó phân hủy, đồ nhựa dùng 1 lần; phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì khó tiêu, túi nylon trước khi bỏ vào túi rác chung; sử dụng túi đựng hàng hóa thân thiện, hoặc dùng được nhiều lần…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem