Làm nông nghiệp “lười biếng” kiểu chị Thu, trả sự giàu có cho đất

Uông Ngọc Thứ bảy, ngày 18/05/2019 19:25 PM (GMT+7)
Bằng tình yêu cỏ cây, cộng với hiện thực “rau tắm hóa chất”, Thu đã quyết tâm minh bạch sản phẩm nông nghiệp của mình. Chị còn kết nối được “sứ mệnh” của từng cây, tiến đến giấc mơ trả lại sự giàu có cho đất mẹ.
Bình luận 0

Kết nối sứ mệnh của cỏ cây

Cánh đồng gần Trường Tiểu học xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội xanh ngắt những luống chùm ngây ngang tầm mắt. Tầng dưới là ngải cứu, tía tô, cỏ mực (nhọ nồi), mần trầu… Khắp mương nước nhỏ chạy quanh các luống là hoa tím bèo tây. Góc ruộng thì um tùm bụi chuối. Phía khác, cải bó xôi mới thu hoạch.

Không cày cuốc, xới xáo gì, Nguyễn Thị Thu bưng mẹt hạt vừng cứ thế vãi xuống. Mấy người phụ nữ đạp xe qua cánh đồng ngoái lại gọi với: “Cỏ rả, cây cối lộn xộn quá vậy cô Thu?”. Thu cười giòn “Cháu làm nông nghiệp lười”.

img

Cải bó xôi trước đi đưa vào máy sấy lạnh. Ảnh: U.N

Bây giờ, bà con nông dân của cả xã Khánh Hà và nhiều xã khác trong huyện đã hiểu giá trị của con đường nông nghiệp nương vào tự nhiên mà chị đi. Không ít bà con còn tìm đến hỏi chị cách làm phân vi sinh, làm các chế phẩm trừ sâu từ tỏi, ớt.

Rồi chị nhanh nhảu giải thích: “Hạt vừng giống rất rẻ, cây dễ sống, lúc trưởng thành, rễ đâm xuống đất 5-10cm. Rễ cây giống bác thợ cày, khi thu hoạch, đất theo gốc, rễ mà tơi. Nhọ nồi cũng thế, rễ chùm, nên khi thu hoạch, đất theo rễ bung lên. Nhọ nồi còn che phủ ngăn không cho các loại cỏ khác mọc. Thế là đỡ tốn hai công: Làm cỏ và cày đất…”.

Tôi trêu: “Làng Đan Nhiễm chỉ có truyền thống “ba toa” (giết mổ và bán thịt lợn) chứ có mạnh về nông nghiệp bao giờ đâu mà Thu biết rõ thế?”. Chị cười phớ lớ: “Mất hơn hai năm thử nghiệm, tôi mới tìm ra được “hệ sinh thái” các loại cây tương hỗ lẫn nhau. Mọi cây cối trong tự nhiên đều có “sứ mệnh” của nó. Khi con người biết cách để các “sứ mệnh” đó gặp nhau thì sẽ tiết kiệm được cả nhân công và thời gian”.

Thu vừa dứt lời thì chiếc công nông phành phạch chạy đến. Chị thoăn thoắt qua các luống cây, xăm xắn cùng công nhân hạ cái thùng nhựa lớn xuống đầu ruộng lúa. Thu xắn quần rồi nhảy phắt lên nóc thùng. Mấy người đi qua cùng dừng lại thắc mắc: “Không biết cái Thu làm gì”. Thu - tay mở nắp thùng, ròng ống dẫn, miệng trả lời: “Cháu bón đạm cho lúa bằng phân ủ từ cá, kali ủ từ cây chuối… Cháu không dùng phân vô cơ như mọi người đâu”.

Chế biến bằng công nghệ cao

Hầu hết các loại hoa màu Thu trồng đều không bán làm rau ăn. Thu hoạch đến đâu, công nhân chở cả về xưởng, sơ chế rồi đưa vào sấy lạnh để giữ màu và vitamin, từ cải bó xôi, cải bắp, cải cúc… Sau 8 tiếng đồng hồ thì chuyển rau sấy sang máy nghiền để ra các loại bột rau củ rồi mới đưa ra thị trường.

img

Máy móc hiện đại do Thriive hỗ trợ “người lội bùn” Nguyễn Thị Thu. Ảnh: U.N

Biết Thu đã nhiều năm, không ít lần tôi thắc mắc, chị lấy đâu năng lượng mà luôn khiến người đối diện phấn chấn lây. Nói cười hào sảng, đặc biệt mỗi lúc bàn về nông nghiệp, chị có thể mê mải cả ngày. Chị luôn đầy ắp ý tưởng, đầy ắp sáng kiến để biến ý tưởng thành hiện thực. Chính những loại bột rau củ sấy lạnh này, lần tôi gặp Thu năm 2018, đó mới là ý tưởng. Vậy mà sau chưa đầy một năm, Thu đã mời tôi ly nước pha từ bột rau củ.

Chuyện quá khứ. Từ khi Thu mới lớn. Tóc rụng dần từng ngày. Các bệnh viện không tìm được nguyên nhân. Thuốc thang đông, tây y đủ loại mà từng lọn tóc mây vẫn thi nhau… chào tạm biệt cô chủ. Đến một ngày, Thu “gõ” thêm cánh cửa của thầy lang ở Thái Bình. Ông lão lụ khụ chỉ đưa cho Thu một túi các loại lá khô, bảo mang về đun nước gội đầu.

Chẳng ngờ sau một thời gian, tóc bắt đầu mọc, chính Thu là người cảm nhận rõ sự diệu kỳ của cây cỏ nước Nam. Quãng thời gian ngắn ngủi ấy, Thu đã kịp được ông cụ truyền cho tình yêu và kiến thức ban đầu về thảo dược. Cái duyên đó đã dẫn đến một việc táo bạo, thậm chí là ảo tưởng trong mắt mọi người: Thu 25 tuổi, bỏ ghế trưởng phòng maketting để khởi nghiệp ở một lĩnh vực xa lạ: Nông nghiệp.

Dự án trao cho “người lội bùn”

Nhiều năm trước, khi rộ lên cây chùm ngây, Thu đã tìm các loại sách vở, tài liệu nói về nó. Và việc đầu tiên khi chị mở công ty riêng là… đi buôn rau chùm ngây. Công ty khi đó có 3 người (vợ chồng Thu và kế toán), cả ba đều đích thân chạy xe máy đi mua và bán chùm ngây. Bán rau ăn chỉ lấy phần lá non, nhìn đám lá già bị vặt bỏ, Thu tiếc.

Cùng thời điểm, nông dân Thanh Hóa ồ ạt trồng chùm ngây nhưng không ai mua. Chị tìm về tận nơi hỏi, bà con bảo chặt bỏ đầy ngoài ruộng, ra mà lấy. Vừa tiếc cây, vừa thương bà con nên liều, chị đóng xe tải chở về Hà Nội, thuê sấy hết để làm trà.

Sau chuyến “buôn” đặc biệt đó, Thu thuyết phục bố mẹ, các chị giúp mình vốn để mua máy móc. Thu đến Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NNPTNT) để hỏi mua máy sấy lạnh. Đang hào hứng nói về con đường dược liệu với cán bộ của Viện, vừa thoáng thấy bảng báo giá máy, nụ cười Thu vụt tắt. Vị cán bộ của Viện vốn biết tâm huyết của Thu, nên bảo Thu cứ mang máy về, phần còn thiếu ông sẽ bảo lãnh cho… chịu.

Về, tạm yên tâm cốm chùm ngây và các loại trà thảo dược đã có cái máy sấy lạnh lo, Thu bắt tay vào làm dầu gội đầu từ cây cỏ. Tháng 12.2015 bắt đầu làm, nhưng cuối năm 2017 mới thành công với dầu gội thảo dược như ngày hôm nay.

Dần dần, tâm huyết và con đường minh bạch sản phẩm nông nghiệp của Thu đã lay động nhiều người. Họ mách Thu tìm đến Thriive - một tổ chức chuyên hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thriive đã tìm hiểu phương thức sản xuất, mô hình liên kết với các nông hộ của Thu. Sau khi chứng kiến chị bì bõm dưới ruộng, trò chuyện với những lao động có hoàn cảnh khó khăn được chị nhận vào làm công nhân, Thriive quyết định hỗ trợ một máy sấy đa năng, một kho lạnh, một máy đóng gói và sau đó là hệ thống tưới phun cho cây.

Tôi nhớ lần đầu tiên hỏi đường đến nhà Thu, bà bán thịt lợn ở chợ Khánh Hà cắm phập con dao xuống phản thịt chống nạnh bảo: “Tưởng làm giám đốc thế nào, chứ suốt ngày lội ruộng vất vả hơn cả nông dân. Mà trồng toàn cỏ, có khi nó rửa tiền cũng nên”. Thu bảo, bước sang năm thứ năm làm nông dân, còn ngổn ngang mọi thứ, nhưng bù lại, trà thảo dược của chị đã được khách hàng Hàn Quốc, Dubai… tin tưởng đưa về xứ họ.

Bây giờ, bà con nông dân của cả xã Khánh Hà và nhiều xã khác trong huyện đã hiểu giá trị của con đường nông nghiệp nương vào tự nhiên mà chị đi. Không ít bà con còn tìm đến hỏi chị cách làm phân vi sinh, làm các chế phẩm trừ sâu từ tỏi, ớt...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem