Người thân, bạn bè bảo... điên
Người phụ nữ với ước mơ “điên” ấy là chị Lâm Việt Hòa - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa tại Cần Thơ (Vườn rau thủy canh Minh Hòa ở khu vực Bình Phó B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ).
Chị Hòa bên hệ thống rau sạch thủy canh khép kín của mình. Ảnh: H.C
"Mô hình rau sạch thủy canh của trại rau Minh Hòa được Hội ND thành phố đánh giá rất cao, là hướng để nông dân tiếp cận và phát triển nhân rộng ra cho nông dân trong thời gian tới. Hiện tại, Hội bước đầu đã đưa hội viên đến đây để trao đổi, học tập kỹ thuật và thời gian tới sẽ vận động hội viên nông dân có quỹ đất, kinh phí tham gia chuyển giao công nghệ...”.
Ông Lê Bá Phước -
Chủ tịch Hội ND TP.Cần Thơ
|
Nhìn vào vườn rau thủy canh rộng 3.000m2, với hơn 17 loại rau xanh mướt, có nguồn gốc từ châu Âu, ai cũng trầm trồ khen ngợi. Nhưng mấy ai biết, để có được kết quả bước đầu như ngày hôm nay, chị Việt Hòa đã trải qua bao lần thất bại, vất vả đến gần như vắt kiệt sức lực, niềm tin và cả tài chính của gia đình chị. Nhưng cuối cùng chị đã chứng minh được chân lý “Một khi dám ước mơ và đủ quyết tâm thì sẽ có ngày thành công”.
Chị Lâm Việt Hòa nhớ lại: “Khởi nghiệp của tôi ban đầu là từ thương hiệu bánh khọt Cần Thơ. Cách đây khoảng hơn 10 năm tôi rất thành công với bánh khọt. Thương hiệu bột bánh khọt Việt Hòa của tôi đã được cấp bằng sở hữu trí tuệ năm 2010”.
Với cá tính “khác người”, làm món gì cũng phải ngon, phải sạch, phải an toàn, bánh khọt của chị Hòa được làm từ những nguyên liệu tươi ngon nhất đồng bằng sông Cửu Long: Bột từ gạo Nàng Thơm chợ Đào, tôm đất Bạc Liêu, nước cốt dừa Bến Tre và đậu xanh trồng hữu cơ…
Loại bánh đặc biệt, giòn rụm suốt 8 giờ của chị phải ăn kèm với rau sống thì mới ngon đúng chuẩn. Bánh chất lượng, có thương hiệu, lấy được lòng thực khách rồi nhưng rau ăn kèm thì vẫn phải sử dụng rau mua từ chợ, điều đó khiến chị chưa an tâm.
Trăn trở nhiều đêm liền, chị quyết định trồng rau sạch để tự phục vụ cho quán bánh khọt của mình. Năm 2007 chị thuê đất trồng rau sạch hữu cơ tại Vĩnh Long, nhưng vì 2 cơ sở hai nơi nên chị không quản lý được, cuối cùng chị đành chuyển giao công nghệ rau hữu cơ lại cho một người bạn.
Một lần qua bạn bè, chị biết đến công nghệ trồng rau sạch thủy canh nhưng giá chuyển giao quá cao, khoảng 50 tỷ đồng. “Số tiền đó quá lớn với tôi. Một lần nữa ước mơ của tôi tạm gác lại vì không đủ tiền thực hiện. Thế là tôi tiếp tục chạy khắp nơi để tìm hướng đi khác cho mình” - chị Hòa nhớ lại.
Và cuối cùng cơ duyên cũng đến với chị, chị gặp một Việt kiều Mỹ có công nghệ trồng rau sạch thủy canh từ Israel đã nhìn thấy tâm huyết của chị và đồng ý chuyển giao công nghệ lại cho chị với mức hỗ trợ 30% phí.
Với xuất phát điểm của cả hai vợ chồng chị đều là làm công ăn lương, nên vốn liếng dành dụm bao năm vẫn không đủ để thực hiện việc nhận chuyển giao công nghệ rau sạch từ các nước tiên tiến. Anh chị bàn nhau bán tài sản đất đai gia đình để lại để đầu tư vườn rau thủy canh công nghệ cao.
“Ngày vợ chồng mình gom đủ tiền nhờ bán được lò gạch và đất đai để nhận chuyển giao công nghệ, gia đình hai bên và bạn bè biết chuyện đều bảo hai vợ chồng… bị điên” - chị cười khi nhớ lại.
Ước mơ thành hiện thực
Ước mơ có, tâm huyết có nhưng khi bắt tay vào làm thì không dễ. Sau khi nhận chuyển giao công nghệ, chồng chị Hòa xin nghỉ việc, cùng 10 người con (có 8 con nuôi) bắt đầu hành trình thực hiện ước mơ cho chị. Nhà kín, dàn phun sương, hệ thống nước, kỹ thuật… và khoảng 100 giống rau nhập từ châu Âu đã sẵn sàng. Nhưng một rồi hai vụ rau đầu đều thất bại, bởi công thức kỹ thuật đó không phù hợp với thổ nhưỡng ở Cần Thơ, hàng trăm giống rau không thể sống cùng một công thức dinh dưỡng. Thua lỗ liên tiếp khiến gia đình dần khánh kiệt.
Nhiều đêm liền, hai vợ chồng chị gần như thức trắng để tìm ra một công thức dinh dưỡng phù hợp nhất cho vườn rau sạch. Sau 7 năm gian nan, vất vả, cuối cùng chị Hòa đã thành công. Chị được những người bạn cùng tâm huyết hỗ trợ kỹ thuật để cho ra đời một công thức kỹ thuật trồng rau độc quyền.
Vườn rau thủy canh 3.000m2 (đạt chuẩn VietGAP) với hơn 100 giống rau được nhập hạt giống từ châu Âu luôn xanh mướt. Cứ một vụ, chị cho ra 17 loại rau các loại. Xoay vòng trong một năm, chị trồng trên 100 loại rau.
Chị Hòa chia sẻ: “Khái niệm sạch ở đây là phải được kiểm chứng và không ai khác ngoài người tiêu dùng, khi họ được tự tay hái rau, tận mắt nhìn thấy cách trồng và được thưởng thức liền sản phẩm đó. Thế là khu ẩm thực đối chứng ngay tại vườn rau ra đời. Tại vườn rau, khách sẽ được thưởng thức các loại lẩu từ rau do tự tay mình hái từ vườn vào nhúng mà không cần rửa, hay thưởng thức bánh khọt giòn rụm với rau sống tươi xanh, và mua rau về dùng”.
Hiện tại, rau của chị Hòa có giá từ 45.000 - 70.000 đồng/kg, nên chỉ có những người thu nhập khá trở lên mới đủ khả năng sử dụng lâu dài. Mong muốn của chị là đưa giá rau xuống bằng giá chợ, còn khoảng 30.000 đồng/kg trở lại thì mọi người dân sẽ dùng được rau sạch, an toàn, dinh dưỡng. Để làm được điều đó, chị Hòa mong muốn được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng tạo điều kiện để chị được liên kết với nông dân mở rộng mô hình sản xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.