Lạm phát tâm thần, ngành y không gánh nổi

Phạm Trung Tuyến Thứ năm, ngày 10/12/2015 05:54 AM (GMT+7)
15% nhân dân tâm thần, trong số đó 80% không có điều kiện tiếp cận điều trị.
Bình luận 0

Hình dung trong một cơ quan có 100 người thì 15 người hiện đang mắc các chứng rối loạn tâm thần, ngại phết! Nhưng điều đó hoàn toàn có thể xảy ra trong thực tế. Bởi tại Hội thảo về sức khỏe tâm thần hôm 7.12, bác sĩ La Đức Cương – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương – cho biết: Tỷ lệ người rối loạn tâm thần ở Việt Nam hiện nay chiếm 15% dân số.

Thông tin này thực sự đáng ngại, bởi biểu hiện rõ nhất ở người bệnh rối loạn tâm thần là không có khả năng kiểm soát hành vi. Chung sống trong một cộng đồng mà có tới 15% thành viên rối loạn tâm thần, có nghĩa là chúng ta đang sống trong một xã hội có nguy cơ mất kiểm soát rất cao.

Những vụ thảm sát vì lý do nhỏ nhặt, những tội ác không có dấu hiệu được báo trước, những bê bối showbiz hay quan trường nằm ngoài mọi giá trị luân thường đạo lý… tất cả đều có thể dễ dàng xảy ra bởi nguyên nhân rối loạn tâm thần. Sống trong một xã hội như thế quả là đáng sợ, đặc biệt là trong 1,35 triệu người rối loạn tâm thần ở Việt Nam thì có tới 80% không được tiếp cận điều trị, tức là không có thuốc chữa.

Áp lực cuộc sống rất dễ khiến con người bị rối loạn tâm thần.

Áp lực cuộc sống rất dễ khiến con người bị rối loạn tâm thần (ST Internet)

Cũng ở cuộc hội thảo về sức khỏe tâm thần, đại diện của Bệnh viện tâm thần Trung ương cho biết tình trạng rối loạn tâm thần đang ngày một gia tăng, đặc biệt trong nhóm người lao động trí thức. Bởi thế, đây không phải câu chuyện của ngành y. Đây là câu chuyện của một xã hội có quá nhiều áp lực tác động tới sức khỏe tâm thần của con người, nhóm người có nhu cầu về các giá trị sống càng cao thì càng chịu nhiều áp lực.

Tuần qua, có một câu chuyện chua xót xảy ra ở Hiệp Hòa, Bắc Giang. Chua xót bởi chỉ vì một lý do vô cùng nhỏ nhoi là vì thiếu 1,7 triệu đồng đóng góp xã hội cho chính quyền thôn mà một người phụ nữ đã bị khước từ những dịch vụ cơ bản cho cái chết của mình. Người ta lên án ông trưởng thôn đã khiến người phụ nữ đó không thể được ma chay tử tế. Họ cho rằng ông ta vô cảm, nhẫn tâm, tăm tối… Nhưng có lẽ, ông ta chỉ là một người tâm thần đáng thương thuộc cái tập đoàn vô số những người tâm thần trong chúng ta do đang phải chịu áp lực đảm bảo nguồn thu. Áp lực đó nặng lắm, và ông trưởng thôn không phải người cá biệt.

Có biết bao nhiêu người đang phải chịu áp lực như ông trưởng thôn đó trong thời điểm này? Có những bệnh viện ở Hải Phòng, Đắk Lắk cả năm không thu đủ tiền để trả lương y bác sĩ. Có Thành ủy Bạc Liêu hết tiền để tiêu. Có Ủy ban nhân dân thành phố Cà Mau nợ mấy trăm tỷ đồng. Có nợ công, nợ xấu… Có rất nhiều áp lực về số tiền phải thu, đồng nghĩa với việc có rất nhiều bi kịch từ những hành vi không thể kiểm soát kiểu trưởng thôn ở Bắc Giang.

Những người bệnh rối loạn tâm thần truyền thống, khác với tâm thần phân liệt, chủ yếu là do nguyên nhân bất đắc chí, do nhu cầu quá cao về những mục tiêu trong cuộc đời mà tự thân không thể đáp ứng, và áp lực đó hầu hết là do họ tự tạo ra cho mình. Cơ chế sinh bệnh là như vậy, cơ bản không thay đổi. Điều duy nhất khác là ở chỗ những thứ áp lực từ mong muốn, nhu cầu vượt khả năng giờ đây không phải là chuyện cá nhân từng người nữa.

Bệnh rối loạn tâm thần không tự nhiên sinh ra, nhưng cũng không tự nhiên mà mất đi. Sẽ không thể làm thay đổi tỷ lệ người rối loạn tâm thần trong xã hội bằng những can thiệp y tế, không thể hy vọng Bộ Y tế có thể làm gì, chẳng hạn như đào tạo đủ bác sĩ để chữa bệnh cho nhân quần tâm thần lạm phát.

15% nhân dân tâm thần mà trong đó 80% không có điều kiện tiếp cận điều trị, đó là gánh nặng mà nếu bắt ngành y phải một mình gánh vác thì đó cũng là một áp lực khiến toàn ngành theo đó mà... tâm thần. Để điều trị một xã hội 15% rối loạn tâm thần, có lẽ chẳng còn cách nào khác là cần giảm áp lực cho cái xã hội đó, bắt đầu từ những điều dễ thấy nhất, là áp lực thu tiền từ nhân dân. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem