Rượu, bia khiến trí thức đổ bệnh... tâm thần

Diệu Linh Thứ tư, ngày 09/12/2015 06:30 AM (GMT+7)
Tỷ lệ người bị rối loạn tâm thần (RLTT) ở Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 15% dân số (tương đương 13,5 triệu người). Điều đáng lo ngại là RLTT ở nhóm trí thức đang có xu hướng gia tăng...
Bình luận 0

“Làm việc căng thẳng, nhiều áp lực thành công, kèm theo nghiện bia rượu, thuốc lá, ít hoạt động khiến nhóm trí thức ngày nay có nguy cơ bị RLTT nhiều hơn” – bác sĩ La Đức Cương – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư I nhận định như vậy.

Nói nhiều cũng bệnh

Anh Trần Văn Thành (32 tuổi, ở Linh Đàm,Hà Nội) là nhân viên dự án, tuy bận bịu tối ngày và hay uống rượu nhưng sức khỏe của anh Thành rất tốt, không ốm vặt bao giờ. Nhưng đến một ngày, anh bỗng dưng phải nhập viện tâm thần vì có các hành vi rối loạn, bất thường...

img

Bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện tâm thần T.Ư 1. Ảnh:  D.L

Đến lúc ngẫm lại, đồng nghiệp của anh Thành mới nhận ra thời gian gần đây, sau khi đi nhậu về, anh thường nói to, nói nhiều, lảm nhảm hoặc trêu chọc mọi người thái quá. Không ít người trong cơ quan 2-3h sáng còn nhận được nhắn tin trêu đùa, nói lời “tri kỷ” của anh Thành. Nhưng hầu hết mọi người đều cho rằng anh cư xử bất thường là do quá chén.

Chỉ đến khi anh tụt quần áo, chui vào góc nhà sợ hãi “bị tấn công”, người nhà mới kinh hãi, gọi người đưa anh đi khám bệnh. Bác sĩ kết luận anh bị RLTT dạng hoang tưởng “hưng phấn”. Những biểu hiện như nói nhiều, nhắn tin đêm khuya (do mất ngủ) chính là những biểu hiện ban đầu của căn bệnh này.

Ngoài trường họp anh Thành, bác sĩ Nguyễn Đăng Luyện – Phó khoa Khám bệnh tổng hợp (Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1) cho biết, ông vừa khám cho một cô giáo 53 tuổi,  ở Thanh Oai, Hà Nội. Cô đã điều trị RLTT 3 năm nay nhưng chưa khỏi. Lúc đầu cô giáo này bị đau đầu, mất ngủ triền miên, sau đó dẫn đến suy nhược cơ thể, gầy mòn, ốm yếu. Cô đi khám khắp nơi vẫn không ra bệnh. Cuối cùng một bác sĩ đã định hướng cho cô giáo đi khám tâm thần.

Tuy đã “bắt” đúng bệnh nhưng cô giáo này vẫn lén lút điều trị, không dám cho mọi người biết mình bị “tâm thần”. “Nếu biết tôi điên thì trường nào dám cho tôi dạy học, phụ huynh nào dám giao con cho tôi trông coi” – cô giáo này tâm sự.

Theo bác sĩ Luyện, ngày càng có nhiều trí thức, học sinh bị “ốm” về mặt tinh thần. “Cuộc sống quá nhiều áp lực, tham vọng nhằm đáp ứng nhu cầu sống ngày càng quá cao; càng lao lực trí óc thì trí óc càng dễ căng thẳng, lo âu và bị bệnh. Ngoài ra, cuộc sống hiện đại cũng nảy sinh quá nhiều tệ nạn như nghiện bia rượu, thuốc lá, ít vận động... càng khiến trí não làm việc quá tải dẫn đến tâm thần rối loạn” – bác sĩ Luyện phân tích.

“Cú hích” bia rượu

Bác sĩ La Đức Cương cho biết, rượu bia là tác nhân trực tiếp khiến trí óc của nhóm trí thức đổ bệnh nhanh hơn, nặng hơn. Theo bác sĩ Cương, nghiện rượu sinh ra những giấc ngủ rối loạn, ngủ không ngon giấc, đồng thời các chất kích thích, chất độc (methadone) trong bia rượu vừa khiến thần kinh hưng phấn quá mức, vừa phá hủy các tế bào thần kinh. Những người làm việc trí óc đã căng thẳng, lại thêm “cú hích” bia rượu, rất dễ bị tâm thần hoang tưởng. Đến lúc đó, hành vi, lời nói đều sẽ rối loạn, họ phải nhập viện điều trị.

img

Cán bộ Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 chăm sóc sức khỏe, vệ sinh cho bệnh nhân.  Ảnh: D.L

Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần T.Ư, năm 2014, bệnh viện tiếp nhận 246 ca RLTT và hành vi do dùng chất kích thích (rượu bia, chất gây nghiện), trong đó chiếm phần không nhỏ là trí thức nghiện rượu. Nghiên cứu năm 2014 cho thấy, tỷ lệ người bị RLTT ở Việt Nam hiện nay khoảng 15% dân số (tương đương 13,5 triệu người). Tuy nhiên, bác sĩ Cương cho biết, con số đó có thể vẫn quá nhỏ so với thực tế. Ở Mỹ, Pháp, số người có dấu hiệu RLTT đều trên 50%.

“Đó là vì họ điều tra tình trạng RLTT từ bé đến lúc phỏng vấn người được hỏi, còn Việt Nam chỉ điều tra tại thời điểm phỏng vấn” – bác sĩ Cương nhấn mạnh.

Theo TS Lại Đức Trường – cán bộ Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, chỉ có 20-30% người RLTT (trong tổng số 13,5 triệu người) được tiếp cận điều trị còn lại né tránh hoặc thiếu cơ hội, thiếu hiểu biết để tiếp cận điều trị. Ngoài 15% dân số bị RLTT, còn có khoảng 10-20% dân số ở mức “tiền bệnh RLTT” do gặp áp lực công việc, học tập, bệnh tật, đói nghèo, thiên tai, tai nạn…

Bác sĩ Cương cũng nhận định, có một quan niệm sai lầm cho rằng người bị tâm thần là người nói năng lảm nhảm, điên loạn, mất năng lực hành vi, là người bỏ đi, vô dụng. Trừ những người bị rối loạn tâm thần mãn tính như tâm thần phân liệt, động kinh, còn lại các RLTT chia ra nhiều giai đoạn, trạng thái, biểu hiện khác nhau.

“Biểu hiện đầu tiên của RLTT chính là đau đầu, mất ngủ, lúc nào cũng lo lắng, sợ hãi, tim đập nhanh, có người nói nhiều, hay khóc nhưng cũng có người trở nên im lặng, thích một mình, sợ hãi gặp gỡ mọi người. Đối với những người mới bị trầm cảm, nếu không được điều trị bệnh sẽ nặng lên” – bác sĩ Cương cho biết.

Nếu tính cả đời người, hầu hết mọi người đều gặp phải các sang chấn tâm lý (thất tình, thất nghiệp, bệnh tật, áp lực)… dễ bị RLTT.  Trong khi đó, chương trình mục tiêu quốc gia về sức khỏe tâm thần mới chỉ tập trung vào quản lý người RLTT nặng (1-3% dân số như tâm thần phân liệt, động kinh) tại cộng đồng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem