Dấu ấn khuyến nông: Làm "sông trong ao", thả nuôi cá dày đặc, bắt lên toàn con to khoẻ, bán đắt hàng (Bài 7)

Thiên Hương Thứ hai, ngày 17/10/2022 18:41 PM (GMT+7)
Nhờ tạo sông trong ao, cá được sống trong môi trường như nuôi trên lồng bè trên sông, nhưng không phải tiếp xúc với bùn và các tác nhân gây bệnh. Mật độ thả cá có thể cao gấp 10 lần bình thường, nhưng cá vẫn thơm ngon, săn chắc nhờ được "tập thể dục" hàng ngày...
Bình luận 0

Làm "sông trong ao", thả nuôi cá nhung nhúc

Lần đầu tiên tôi nghe tới cụm từ "sông trong ao" là vào năm 2018, khi biết tới mô hình nuôi cá của HTX Thủy sản Hưng Phát ở huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Tôi cảm thấy khó tin, làm thế nào để tạo được sông trong ao, bởi vốn dĩ ao có đặc điểm kín, không có dòng chảy thường xuyên. Nhưng khi tận mắt thấy những đàn cá nhung nhúc đang bơi ngược dòng trong những ao cá rộng mênh mông của HTX, tôi mới thốt lên "À, thì ra công nghệ này lại không phải cái gì quá phức tạp, cao siêu". 

Dấu ấn khuyến nông: Làm "sông trong ao", thả nuôi cá dày đặc, bắt lên toàn con to khoẻ, bán đắt hàng (Bài 7) - Ảnh 1.

Áp dụng kỹ thuật tạo "sông trong ao", anh Dũng có thể nâng cao mật độ nuôi cá cao gấp 10 – 15 lần so với phương pháp truyền thống. Đặc biệt, cá được bơi lội theo dòng nước chảy thường xuyên nên rất khoẻ mạnh, săn chắc. Ảnh: Ngọc Tùng

Tới thăm mô hình nuôi trồng thủy sản của anh Dũng, bất cứ ai cũng phải trầm trồ về quy mô ao nuôi rộng lớn, được thiết kế bài bản, khoa học. Xung quanh bờ ao được kiên cố hóa, hệ thống tạo oxy, cấp và thoát nước điều khiển hoàn toàn tự động.

Công nhân đang làm việc tại đây cho biết, điểm đặc biệt trong nuôi cá theo công nghệ này là phải tạo "sông trong ao". Theo đó, mỗi bể nuôi cá có đáy thảm bê tông cứng, máy tạo sóng, máy sục khí, máy quạt nước, máy hút chất thải đáy... 

Các máy này liên tục hoạt động 24/24 giờ tạo thành trục sông có tường bê tông ngăn nước. Trong sông có sóng và dòng chảy tuần hoàn, nước luôn lưu chuyển khắp ao bảo đảm điều kiện sống tối ưu cho cá. Những chiếc máy bơm tạo dòng chảy tuần hoàn, giúp cá trong bể hình thành thói quen vận động và bơi ngược dòng liên tục. 

Thời điểm đó, phương pháp nuôi cá kiểu sông trong ao còn khá mới, đang trong giai đoạn thử nghiệm. HTX Thủy sản Hưng Phát của anh Lưu Văn Dũng được sự hỗ trợ về vốn và công nghệ từ Chi cục Thủy sản tỉnh. Vẫn trong ao nuôi truyền thống, người nuôi cá sẽ cải tạo, xây dựng một chiếc bể hình chữ nhật bằng bê tông, có kích thước rộng 5m, dài 20m và sâu 2m. Một đầu bể lắp hệ thống bơm nước, kết hợp sục không khí. Đầu còn lại lắp lưới ngăn cá và hệ thống lắng phân cá cùng các chất thải khác, được hút ra ngoài theo định kỳ.

Diện tích bể tạo sông so với ao nuôi theo tỷ lệ 1/20; phần ao còn lại sẽ được thả các loại cá có đặc tính ăn tạp, tận dụng các loại chất thải dư thừa. Với cách nuôi này, nước ao được hệ thống máy bơm chuyên dụng bơm liên tục qua bể, biến thành con sông nhỏ chảy không ngừng, tăng lượng ôxy.

"Nhờ tạo sông trong ao, cá được sống trong môi trường như nuôi trên lồng bè trên sông, nhưng không phải tiếp xúc với bùn và các tác nhân gây bệnh. Mật độ cá nuôi trong bể gấp 10 lần so với ao thông thường, nuôi được nhiều loại cá khác nhau, chủ yếu là cá đặc sản, giá trị cao. Cá phát triển nhanh và hoàn toàn sạch"- anh Lưu Văn Dũng chia sẻ.

Dấu ấn khuyến nông: Làm "sông trong ao", thả nuôi cá dày đặc, bắt lên toàn con to khoẻ, bán đắt hàng (Bài 7) - Ảnh 2.

Với thành công trong nghề nuôi cá, anh Dũng đã được bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020". Ảnh: Hoàng Dân

Đến nay, anh Dũng đang sở hữu khu nuôi thuỷ sản rộng lớn nhất vùng, với diện tích nuôi cá 8,5ha. Mỗi năm, gia đình anh Dũng xuất bán ra thị trường khoảng 100 - 150 tấn cá thương phẩm, 150 tấn cá giống, doanh thu đạt từ 12 - 15 tỷ đồng/năm. Với thành công trong nghề nuôi cá, anh Dũng đã được bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020". 

Từ mô hình của HTX Thuỷ sản Hưng Phát và một số mô hình khác, hiệu quả của phương pháp tạo "sông trong ao" đã nhanh chóng được nhân rộng ra các vùng nuôi cá trên cả nước. Đơn cử như năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NNPTNT Hà Nội) đã triển khai thực hiện mô hình nuôi cá chép ứng dụng công nghệ "sông trong ao" tại 3 huyện: Quốc Oai, Thường Tín và Phú Xuyên. 

Với 5ha ao nuôi thả cá, gia đình ông Nguyễn Bá Trung (thôn Khai Thái, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên) được chọn làm điểm thực hiện mô hình, được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 15.000 con cá chép giống. 

Thực hiện chăn nuôi cá theo đúng quy trình kỹ thuật, đến tháng 10/2018, gia đình ông Trung thu hoạch cá thương phẩm đợt đầu được hơn 7 tấn; tháng 3/2019, thu hoạch lần 2 được hơn 9 tấn; trừ mọi chi phí, ông Trung thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Theo ông Trung, nuôi cá chép theo mô hình "Sông trong ao" có lợi hơn nuôi truyền thống bởi kiểm soát được lượng oxy trong nước, cá phát triển hoặc yếu, hay mắc bệnh sẽ được phát hiện sớm. Ngoài ra, khi nuôi cá truyền thống, tầng nước mặt bị nóng vào mùa hè và lạnh buốt vào mùa đông khiến cá lặn sâu, giảm ăn, chậm lớn, dễ mắc bệnh, ảnh hưởng đến năng suất. 

Với mô hình "sông trong ao", nước thường xuyên lưu chuyển nên mát vào mùa hè và không bị lạnh vào mùa đông, lượng oxy đủ nên cá phát triển đều. Riêng lượng chất thải của cá thu gom hằng ngày (khoảng hơn 1 tạ trở lên), ông Trung tận dụng ủ men vi sinh làm phân bón cho cây trong vườn...

Còn tại Hà Nam, mô hình nuôi cá kiểu "sông trong ao" này được bà con áp dụng ngày càng phổ biến. Theo Sở NNPTNT tỉnh Hà Nam, mô hình nuôi cá "sông trong ao" mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với hình thức chăn nuôi truyền thống. Đặc biệt là đảm bảo được các yếu tố vệ sinh môi trường.

Theo anh Bùi Văn Tùng, ở thôn Như Đồng, xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân, thông qua sách báo, anh Tùng cũng nắm bắt và được chuyển giao một phần kỹ thuật nuôi cá mới "sông trong ao". Đầu năm 2018, anh mạnh dạn mở trang trại với tổng diện tích hơn 20ha mặt nước tại huyện Lý Nhân để nuôi cá. Toàn bộ ao hồ cũ, anh Tùng cho cải tạo lại, kiên cố hóa bờ đập.

Mô hình "sông trong ao", theo anh Tùng, thực chất là việc nuôi cá trong bể, bể này được xây trong một ao lớn. Trong bể được trang bị máy tạo sóng, máy sục khí, máy quạt nước, máy hút chất thải đáy... bảo đảm điều kiện sống tối ưu cho cá, hình thành cho cá thói quen vận động và bơi ngược dòng liên tục 24/24 giờ.

Dấu ấn khuyến nông: Làm "sông trong ao", thả nuôi cá dày đặc, bắt lên toàn con to khoẻ, bán đắt hàng (Bài 7) - Ảnh 4.

Đàn cá thả nuôi nhung nhúc, dày đặc nhờ áp dụng công nghệ "sông trong ao" tại ao nuôi cá của anh Bùi Văn Tùng, ở thôn Như Đồng, xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Sông Thao

Dòng nước tuần hoàn sẽ đẩy chất thải của cá xuống bể lắng cho máy hút dọn mỗi ngày, nhờ đó nước ao nuôi luôn sạch. Bên ngoài bể, người ta vẫn có thể thả các loại cá mè, rô phi hoặc thả bèo tây để hút chất thải từ bể ra. Đây là những điểm khác biệt của mô hình nuôi cá "sông trong ao" so với phương pháp nuôi truyền thống. Thêm vào đó, chất lượng cá nuôi rất thơm ngon, săn chắc do cá được "tập thể dục" liên tục theo dòng nước. 

Đến nay, anh Tùng đã xây dựng được 4 bể nuôi cá, trong đó 2 bể nuôi cá trắm đen, 1 bể nuôi cá diêu hồng và 1 bể nuôi cá koi. Mỗi bể anh thả 4.000 - 5.000, mỗi năm sản lượng cá thu hoạch đạt từ 400 – 500 tấn cá, với trọng lượng trung bình 3-5kg/con.

Đặc biệt là tại khu vực sau bể nuôi, anh Tùng cho lắp đặt hệ thống thu toàn bộ phân, thức ăn thừa để dồn vào một bể chứa. Chất thải này sau đó được xử lý bằng men vi sinh, cuối cùng là quay vòng dùng để tưới cho cây trồng trong vườn. Như vậy có thể nói, mô hình nuôi cá "sông trong ao" đang phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, vừa hiệu quả kinh tế vừa vệ sinh môi trường. 

Dấu ấn khuyến nông: Làm "sông trong ao", thả nuôi cá dày đặc, bắt lên toàn con to khoẻ, bán đắt hàng (Bài 7) - Ảnh 5.

Mô phỏng thiết kế 2 bể nuôi (diện tích 125m2) trong ao nuôi (diện tích 10.000m2). Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện nay, nuôi cá theo mô hình "sông trong ao" đã được nhiều bà con tại các tỉnh thành phía Bắc áp dụng, đặc biệt phổ biến ở Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội... Hình thức nuôi cá này có thể giúp tăng năng suất; tăng chất lượng sản phẩm; bảo vệ môi trường, hạn chế dịch bệnh; tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, qua đó tăng hiệu quả kinh tế.

Ông Kim Văn Tiêu - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Sở dĩ gọi là "sông trong ao" vì người nuôi tạo dòng nước chảy liên tục (chảy như sông) trong ao suốt quá trình nuôi để nước luôn đủ ôxy cung cấp cho cá. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đã xây dựng, ban hành kỹ thuật nuôi cá theo hình thức "sông trong ao" để phổ biến đến bà con. 

Trong đó, ông Tiêu lưu ý: Diện tích ao phù hợp để áp dụng hình thức "sông trong ao" phải từ 7.000 – 20.000 m2, độ sâu ao từ 2 - 2,5 m. Nguyên lý hoạt động của hình thức "sông trong ao" là tạo dòng chảy liên tục trong ao. Vì vậy, người nuôi cần lắp các máy thổi khí đầu bể để tạo dòng chảy liên tục về phía cuối bể. Cuối bể có tường chắn để giữ phân cá và có hệ thống hút phân ra ngoài nhằm hạn chế ô nhiễm nước ao nuôi. Hai đầu bể có lưới chắn để cá không ra ngoài ao.

Để tối ưu hóa sản lượng và tái đầu tư cần tính toán chính xác cơ cấu cá thả trong mỗi bể. Nên chọn cá cỡ giống lớn. Đối tượng nuôi thường là cá chép, cá trắm, cá diêu hồng, cá rô phi, cá lăng, cá trắm đen... theo hình thức nuôi đơn. Bên ngoài bể, thả thêm cá mè hoa để cá ăn phù du giúp lọc nước sạch hơn.

Ông Kim Văn Tiêu cũng lưu ý bà con một số vấn đề khi áp dụng mô hình nuôi cá theo hình thức "sông trong ao": Tham quan học tập các mô hình thành công trước khi triển khai. Chuẩn bị đủ cơ sở vật chất (đất, vốn) và kỹ thuật, kinh nghiệm và lòng nhiệt tình, say mê. Làm từ nhỏ đến lớn, khi có kỹ thuật kinh nghiệm mới mở rộng.

"Ghi chép sổ nhật ký hàng ngày để hạch toán hiệu quả kinh tế, truy xuất nguốn gốc và rút kinh nghiệm cho vụ sau. Không có mô hình hoàn hảo nên phải chủ động, sáng tạo cho phù hợp với điều kiện của mình" - ông Tiêu nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem