Nuôi cá đặc sản trên sông, hồ chứa lãi cao gấp 1,5 lần, nông dân Tuyên Quang thả nuôi hàng nghìn lồng

Thiên Hương Thứ năm, ngày 13/10/2022 18:31 PM (GMT+7)
Nhờ tận dụng tốt diện tích mặt nước trên sông, hồ chứa để nuôi cá lồng đặc sản, người dân các tỉnh miền núi phía Bắc như Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La, Hoà Bình đã có thu nhập cao và ổn định.
Bình luận 0

Theo Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản, trong 13 hồ chứa có diện tích trên 5.000ha thì các hồ Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Na Hang, Trị An là những hồ chứa có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hoá, mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thể đảm bảo lợi ích lâu dài và một nghề cá có trách nhiệm cam kết với cộng đồng.

Nhờ tận dụng tốt diện tích mặt nước trên sông, hồ chứa để nuôi cá lồng đặc sản, người dân các tỉnh miền núi phía Bắc như Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La, Hoà Bình đã có thu nhập cao và ổn định.

Hình thành chuỗi liên kết nuôi cá đặc sản

Tại toạ đàm khuyến nông chủ đề "Giải pháp nâng cao hiệu quả nuôi cá lồng trên sông, hồ", do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Tuyên Quang tổ chức mới đây, ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tuyên Quang, cho biết, Tuyên Quang có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản. 

Với trên 12.000ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản, trong đó có trên 8.000ha mặt nước hồ thủy điện, hiện toàn tỉnh có 2.255 lồng cá được nuôi trên sông, hồ (cá đặc sản, cá chủ lực chiếm 50% tổng số lồng). Sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt trên 4.800 tấn.

Ông Hùng cho biết: Nuôi cá lồng là nghề truyền thống lâu đời của người dân sống ven sông trên địa bàn tỉnh, đem lại lợi nhuận rất cao, nên người ta thường nói: "Thứ nhất nuôi cá, thứ nhì gá bạc".

Liên kết nuôi cá đặc sản trên sông, hồ chứa - Ảnh 1.

Huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) hiện có trên 1.000 lồng cá, với hơn 100 hộ nuôi. Ảnh: Nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Na Hang. Ảnh: T.L

Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, điều đáng chú ý là thời gian gần đây, tại Tuyên Quang đã hình thành, duy trì và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, gắn với chế biến cá lồng, với đầu mối là các doanh nghiệp, HTX.

Trên địa bàn tỉnh đã có 15 sản phẩm thuỷ sản được công nhận, xếp hạng OCOP từ 3 đến 4 sao; 2 sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu "Cá Chiên đặc sản Thái Hòa"; "Cá Lăng hồ thủy điện Tuyên Quang"; có 6 cơ sở được chứng nhận VietGAP...

Báo cáo tại toạ đàm, đại diện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Na Hang cho biết, hồ Thuỷ điện Tuyên Quang nằm trên địa phận 2 huyện Na Hang và Lâm Bình, trong đó tại huyện Na Hang có diện tích trên 4.600ha. 

Lợi thế mặt nước rộng lớn đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân huyện Na Hang phát triển nghề nuôi và khai thác thủy sản. Hiện toàn huyện có 116 hộ, 3 doanh nghiệp và 2 HTX tham gia nuôi thuỷ sản, với 1.121 lồng nuôi.

Đối tượng nuôi chủ yếu tại hồ thuỷ điện là cá trắm cỏ, cá nheo Mỹ, cá rô phi, cá chình và các loại cá đặc sản (bỗng, lăng chấm, chiên và anh vũ). Trong đó, cá nheo Mỹ vẫn là đối tượng nuôi chính. Sản lượng nuôi trồng đến 30/9/2022 ước đạt khoảng 987 tấn. Trong đó cá truyền thống khoảng 519 tấn, cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao khoảng 468 tấn.

Thời gian gần đây, phong trào liên kết nuôi cá lồng và tiêu thụ sản phẩm từ cá cũng được đẩy mạnh phát triển ở Na Hang. Trong đó nổi bật là chương trình liên kết sản xuất, tiêu thụ cá đặc sản của Công ty TNHH Thủy sản Đức Nguyên; Công ty TNHH Thủy sản Nhật Nam với các hộ nuôi cá đặc sản.

Anh Vi Anh Đức - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Nhật Nam cho biết, công ty đang liên kết với 10 hộ dân đầu tư lồng bè để phát triển chăn nuôi các loại cá đặc sản theo quy trình an toàn như cá quả, cá lăng, cá bỗng... Theo hợp đồng, khi cá đến tuổi xuất bán, công ty thu mua toàn bộ sản phẩm để đưa đi tiêu thụ.

Đầu tư chế biến sâu, tạo nhiều sản phẩm cá lồng giá trị cao

Tại buổi Tọa đàm, bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, các hồ chứa có nguồn nước sạch, chưa có nhiều hoạt động nuôi trồng thủy sản, ít bị tác động bởi nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, hóa chất nông nghiệp và chất thải, hóa chất của nhà máy công nghiệp nên thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản. 

Nuôi cá trên hồ chứa tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa thích và có giá bán trên thị trường cao hơn nuôi trong ao, bể từ 1,2 - 1,5 lần.

Tuy nhiên, theo bà Hạnh, nghề nuôi cá lồng bè còn những khó khăn, tồn tại trong công tác quy hoạch, tổ chức sản xuất. Việc áp dụng đúng quy trình kỹ thuật; chất lượng đầu vào con giống; vấn đề thức ăn và môi trường; việc liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ... còn nhiều hạn chế. Do vậy, đòi hỏi các bộ, ban, ngành và các địa phương phải cùng nhau bàn bạc nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp và hiệu quả để phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng trên sông, hồ.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Na Hang cũng cho biết, tỉ lệ sản phẩm thủy sản qua sơ chế, chế biến và đa dạng hóa rất ít…

Anh Nguyễn Quang Minh (xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) đang nuôi 150 lồng cá cho biết, việc tiêu thụ sản phẩm cá lồng còn khó khăn bởi đường sá xa xôi. Chở về đến Hà Nội thì 1kg cá lòng hồ Na Hang bị đội giá lên ít nhất 20 - 25%. Do cá hồ Na Hang ngon nổi tiếng nên hay bị trà trộn với cá nuôi ở vùng khác, trong khi người tiêu dùng thì chỉ so sánh về giá, nơi nào rẻ thì họ mua. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem