Làm thế nào để đăng kí hiến tạng?

Thứ bảy, ngày 17/03/2018 06:00 AM (GMT+7)
Công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên đầy đủ sức khỏe, năng lực hành vi theo quy định đều có thể đăng ký hiến tạng.
Bình luận 0

Dưới đây là thông tin để công dân Việt Nam nào từ 18 tuổi trở lên đều có thể đăng ký hiến tạng

Tại Hà Nội:

Người có nguyện vọng hiến tạng có thể đến Trung tâm điều phối quốc gia về ghép Bộ phận cơ thể người trực thuộc Bộ Y tế được đặt tại BV Việt Đức (số 40 Tràng Thi, Hà Nội).

Theo đó, mọi người đăng kí hiến tạng đến phòng 230, Trung tâm ghép tạng nhà C2, khu khám bệnh, BV Việt Đức.

Tại đây luôn có nhân viên trực từ 7h30 sáng đến 16h30 từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Người có nhu cầu hiến tạng sẽ được nhân viên y tế tư vấn, phát đơn điền thông tin cá nhân theo mẫu và sau khoảng 5 phút đã có thể nhận một thẻ cứng trong đó ghi đầy đủ thông tin cá nhân về đăng kí hiến tạng.

Người ở xa có thể điện thoại đến đường dây nóng 0919213508 để được hướng dẫn, gửi mẫu đơn đăng ký qua email.

Sau khi nhận đơn này, người có nhu cầu hiến tạng in ra giấy, điền đầy đủ thông tin, chữ ký rồi gửi qua bưu điện đến địa chỉ trên.

Sau khi nhận được đơn, với các thông tin đúng theo quy định Trung tâm sẽ cấp thẻ cứng và chuyển qua bưu điện đến người đăng kí hiến tạng.

Theo đại diện Trung tâm, hiện nay Trung tâm đã tiếp nhận gần 1.000 đơn đăng kí hiến tạng của người dân.

Tại TP Hồ Chí Minh:

Người có nhu cầu hiến tạng có thể đăng ký tại đơn vị điều phối hiến ghép mô tạng tại bệnh viện Chợ Rẫy.

Cách 1: Đăng ký qua email: dieuphoigheptangbvcr@gmail.com để nhận mẫu đơn xin hiến tạng và hướng dẫn cụ thể. Sau đó, đơn vị sẽ in thẻ hiến tạng và gửi đến địa chỉ của người hiến tạng.

Cách 2: Người hiến tạng đến đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy để được đăng ký và nhận ngay thẻ hiến tạng. Liên hệ số điện thoại 08.39560139, hoặc số điện thoại nóng 24/24 giờ: TS Dư Thị Ngọc Thu, ĐT: 0913677016.

Tại miền Trung:

Người có nhu cầu hiến tạng có thể liên lạc với Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế để được hướng dẫn cụ thể, chi tiết, với các bước đơn giản như Hà Nội, TP Hồ chí Minh.

Là người đóng vai trò quan trọng trong các ca ghép trên, GS.TS. TTND Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng cho biết, để thực hiện một ca ghép tạng cần 4 khâu được quản lý chặt chẽ về y khoa cũng như pháp luật. Quy trình gồm chuẩn bị nguồn hiến, người nhận, nhân lực kỹ thuật và theo dõi, chăm sóc sau ghép.

Trong đó, người cho tạng cần được khám sức khỏe tổng quát, đảm bảo không có bệnh lý kèm theo. Tuổi người cho nên tương đương hoặc lớn hơn người nhận và đảm bảo phản ứng chéo giữa người cho và nhận, các xét nghiệm viêm gan virus B, C và nhiễm virus CMV, EBV,... của cả hai đều âm tính mới được phép hiến – ghép tạng.

“Trong trường hợp bệnh nhân chết, từ lúc lấy tạng khỏi cơ thể đến khi ghép phải trong vòng 8 tiếng. Do đó, thời gian di chuyển, thời gian bảo quản tạng, các trường hợp phát sinh…. luôn được tính toán kỹ lưỡng nhất. Một ca ghép tạng đòi hỏi ê-kíp rất đông làm việc chuyên nghiệp, phối hợp nhịp nhàng”, GS Trịnh Hồng Sơn cho hay.

Hồng Hải (Dân Trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem