Làm thế nào lấy lại tiền đầu tư vào Thiên Ngọc Minh Uy

Thanh xuân Thứ năm, ngày 11/05/2017 19:08 PM (GMT+7)
Cuối ngày 11.5, Bộ Công Thương đã chính thức công bố các bước làm thủ tục để các nhà đầu tư đã đầu tư vào lĩnh vực bán hàng đa cấp lấy lại tiền từ Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy.
Bình luận 0

img

 Làm như nào lấy lại tiền đầu tư vào Thiên Ngọc Minh Uy (Ảnh TX)

Theo Bộ Công Thương, để đề cao tính minh bạch và tuân thủ pháp luật trong việc thanh lý hợp đồng và giải quyết quyền lợi cho người tham gia bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương đã yêu cầu và ngày 10 tháng 5 năm 2017 Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy đã báo cáo Bộ Công Thương về Quy trình, thủ tục thanh lý hợp đồng bán hàng đa cấp với người tham gia sau khi Công ty chấm dứt hoạt động.

 Cục Quản lý cạnh tranh đăng tải công khai nội dung của bản Quy trình này để người tham gia của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy nắm được và chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Theo đó, Cơ quan quản lý nhà nước sẽ căn cứ Quy trình này và các quy định có liên quan của pháp luật để giám sát chặt chẽ quá trình thanh lý hợp đồng và giải quyết quyền lợi cho người tham gia bán hàng đa cấp tại Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy. Trường hợp không thống nhất với phương án giải quyết của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, người tham gia có thể thông báo tới Sở Công Thương tại địa bàn hoặc Cục Quản lý cạnh tranh để được hỗ trợ.

Đề thanh lý hợp đồng, quy trình bao gồm các bước: Đầu tiên, Công ty tổ chức tiếp nhận hồ sơ yêu cầu thanh lý Hợp đồng bán hàng đa cấp của Chuyên viên kinh doanh tại Trụ sở chính và các Chi nhánh hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty.

Hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị thanh lý hợp đồng (theo mẫu), Hợp đồng BHĐC, đơn đặt hàng, phiếu xuất kho, hàng hoá… và các giấy tờ liên quan đến tư cách, nhân thân của Chuyên viên kinh doanh (yêu cầu bản chính).

Tiếp đến, Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm chuyển toàn bộ hồ sơ tới Bộ phận Nghiệp vụ tại Trụ sở chính Công ty (đối với khu vực từ Quảng Bình trở ra) hoặc Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (đối với khu vực từ Quảng Trị trở vào).

Bước thứ 3, tại Trụ sở chính Công ty và Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ phận Nghiệp vụ có trách nhiệm: Kiểm tra, đảm bảo tính đầy đủ của hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, Bộ phận Nghiệp vụ sẽ thông báo cho Chuyên viên kinh doanh bổ sung hồ sơ tại nơi tiếp nhận hồ sơ lần đầu; Chuyển hồ sơ tới Bộ phận Kế toán khi hồ sơ đã đầy đủ.

Tiếp đến, Bộ phận Kế toán có trách nhiệm: Kiểm tra dữ liệu lịch sử doanh thu, số tiền thù lao và các khoản lợi ích kinh tế khác mà Chuyên viên kinh doanh đã nhận; Đối chiếu, khớp số liệu với hồ sơ yêu cầu thanh lý của Chuyên viên kinh doanh và tính toán khoản lợi ích còn lại để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho Chuyên viên kinh doanh theo quy định; Báo cáo Ban lãnh đạo Công ty về việc thanh lý Hợp đồng của Chuyên viên kinh doanh.

 Trên cơ sở báo cáo của Bộ phận Kế toán, Ban lãnh đạo Công ty phê duyệt hồ sơ và giao cho Ban Pháp chế kiểm tra yêu cầu thanh lý Hợp đồng của Chuyên viên kinh doanh.

 Xét thấy hồ sơ hợp pháp, hợp lệ theo quy định, Ban Pháp chế lập Biên bản thanh lý Hợp đồng, sau đó chuyển hồ sơ trả Bộ phận Nghiệp vụ.  Bộ phận Nghiệp vụ có trách nhiệm thông báo và mời Chuyên viên kinh doanh lên Trụ sở chính Công ty hoặc Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh để thống nhất nội dung Biên bản thanh lý và ký kết Biên bản thanh lý.

Sau khi Biên bản được ký kết, bộ phận Nghiệp vụ chuyển hồ sơ tới Bộ phận Tài vụ.  Bộ phận Tài vụ, trên cơ sở hồ sơ hợp lệ đã được kiểm soát qua các phòng ban nêu trên, sẽ tiến hành lập phiếu chi giao Thủ quỹ chi trả các khoản quyền lợi cho Chuyên viên kinh doanh theo đúng quy định. 

Trong quá trình thực hiện Quy trình nêu trên, trường hợp Chuyên viên kinh doanh chưa nhất trí, thống nhất được nội dung Biên bản thanh lý, Công ty sẽ có trách nhiệm báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương và các cơ quan ban ngành về phương án giải quyết.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem