Làm thương hiệu cho nông sản Hà Nội: “Chìa khóa” mở cửa thị trường

Ngọc Quỳnh Thứ năm, ngày 24/10/2019 06:05 AM (GMT+7)
Sau thời gian đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu nông sản, Hà Nội đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp chinh phục được người tiêu dùng, mang lại giá trị cao cho nông dân. Thương hiệu chính là “chìa khóa” mở cánh cửa cho nông sản chiếm lĩnh thị trường.
Bình luận 0

Nâng tầm giá trị sản phẩm

Năm 2014, thương hiệu nhãn chín muộn Hà Nội được triển khai xây dựng, gồm nhãn chín muộn Quốc Oai và nhãn chín muộn Hoài Đức. Theo ông Trần Văn Bảy (ở xã Song Phương, huyện Hoài Đức), mỗi năm gia đình thu hoạch được khoảng 5-6 tấn nhãn chín muộn và đã có 2 tấn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bán cho doanh nghiệp với giá tại vườn từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, cao gấp 2 lần so với khi chưa xây dựng thương hiệu.

img

Ông Trần Văn Bảy ở xã Song Phương (huyện Hoài Đức) giới thiệu nhãn chín muộn tại vườn.  Ảnh: Bá Hoạt

Hà Nội đã xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu nông sản, được bảo hộ thương hiệu. Trong đó nhiều loại đặc sản mang hương vị riêng, được người tiêu dùng ưa chuộng như: Cam Canh, bưởi Diễn, tương Cự Đà, gà đồi Ba Vì, vịt cỏ Vân Đình, bưởi tôm vàng Đan Phượng, nếp cái hoa vàng Đông Anh... 

Ông Đỗ Văn Thủy (ở xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng) có 100 gốc bưởi tôm vàng. Ông cho biết, từ khi bưởi có thương hiệu, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn rất nhiều, nông dân bán được giá cao hơn, thương lái đến tận vườn đặt hàng trước khi thu hoạch từ 2 - 3 tháng. Với 100 gốc bưởi, giá bán trung bình từ 45.000 - 50.000 đồng/quả, mỗi năm cho thu nhập khoảng 700 - 800 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, không chỉ nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân, cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, việc xây dựng thương hiệu nông sản còn giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm an toàn.

Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập, như: Quy trình sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm; thu hoạch, chế biến, bảo quản sau thu hoạch vẫn  thủ công nên chất lượng không đồng đều… Chưa kể, sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể chủ yếu được xác định chất lượng bằng màu sắc, hình dáng, mùi vị… dựa vào cảm quan là chính nên rất khó định lượng để đề ra tiêu chuẩn chung.

Nỗ lực chinh phục thị trường

Ông Nguyễn Mạnh Phương - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội chia sẻ: "Mặc dù định vị thương hiệu mang lại giá trị cao cho sản phẩm nông nghiệp, nhưng đến nay Hà Nội mới có 40/100 sản phẩm truyền thống được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp bảo hộ nhãn hiệu".

Nguyên nhân là chính quyền cơ sở và người dân chưa thấy hết tầm quan trọng của việc xây dựng và đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu nhãn hiệu nông sản. Mặt khác, công nghệ, chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn kém, nên một số sản phẩm có thương hiệu nhưng 70% là bán cho thương lái, giá bấp bênh.

Để nâng cao vị thế của nông sản Hà Nội ở thị trường trong nước và xuất khẩu ra thế giới, nhiều giải pháp đã được đưa ra như: Hỗ trợ người dân về quy trình sản xuất an toàn nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao; thúc đẩy liên kết “4 nhà” để tham gia chặt chẽ, hiệu quả vào lộ trình xây dựng thương hiệu nông sản; tập trung phát triển một số mặt hàng nông sản chủ lực để hình thành vùng nguyên liệu ổn định…

Còn Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội - ông Chu Phú Mỹ cho hay, Sở đã và đang xây dựng, lồng ghép nhiều mô hình sản xuất an toàn, hữu cơ làm tiền đề cho việc xây dựng thương hiệu nông sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem