Làm vợ "tập hai": Có chăng "quyền" của người đến sau?

Thứ ba, ngày 24/04/2012 06:20 AM (GMT+7)
Chấp nhận thiệt thòi khi làm người đến sau, nặng gánh trách nhiệm với nhà chồng lẫn con riêng của chồng... Thế nhưng những phụ nữ "tập hai" vẫn chẳng có được hạnh phúc như mong muốn.
Bình luận 0

Sống trong cái bóng của "tập một"

Xinh gái, học hành thành đạt, gia đình cơ bản, Thuỳ Trang (kế toán trưởng của nhãn hãng điện tử uy tín) đã làm xiêu lòng biết bao chàng trai. Ấy vậy mà cô chỉ yêu Tuấn- người đàn ông đã qua một đời vợ đang sống cùng đứa con trai 7 tuổi.

Tình yêu ấy đã bị gia đình phản đối kịch liệt nhưng cô vẫn quyết bảo vệ tới cùng sự lựa chọn của mình. Trang bước vào cuộc sống hôn nhân với tình yêu lãng mạn mà không hề lường được những khó khăn sau đó.

img
 

Người vợ trước của Tuấn qua đời vì tai nạn giao thông, vì vậy trong lòng anh tình yêu và ký ức đối với người đã mất vẫn còn sâu nặng. Trước khi về làm vợ Tuấn, Trang cũng đã nghĩ tới việc phải đối diện với quá khứ của chồng trong cuộc sống. Cô chấp nhận và yên tâm vì cho rằng người chết thì... vô hại. Thế nhưng càng sống Trang càng cảm thấy ngột ngạt bởi tất cả những người xung quanh đều bắt cô phải sống dưới cái bóng của... người đã khuất.

Đầu tiên là Tuấn, anh bắt cô phải nấu những món mà ngày trước vợ cũ nấu, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, chăm sóc con theo cách người mẹ quá cố của cháu vẫn làm. Thậm chí trong việc vợ chồng âu yếm nhau, anh cũng lấy vợ cũ ra so sánh rồi bắt cô phải chiều theo đúng như thế. Tiếp đến là người thân của chồng, những ảnh hưởng tốt của cô con dâu bạc phước ấy vẫn còn rất mạnh mẽ trong họ.

Mỗi lần chuẩn bị cỗ bàn ngày lễ Tết, bố mẹ chồng thường đem gương con dâu cũ ra so sánh với con dâu mới. Đã nhiều lần Trang góp ý với mọi người rằng cô là cô, còn người cũ là người cũ, mỗi người có một tính cách riêng, không thể lấy tiêu chuẩn của người này áp đặt cho người khác.

Thế nhưng dẫu cô cố gắng thế nào cũng không thể vượt qua được cái bóng của người đã khuất. Áp lực phải sống dưới cái bóng của người khác khiến Trang luôn cảm thấy mệt mỏi, hạnh phúc cũng theo đó mà nhạt dần.

Khổ vì "trách nhiệm kép"

Tại lớp điều trị bệnh tâm lý, Trang kể nguyên nhân khiến cô mắc bệnh trầm cảm. Đó là nỗi khổ tâm không biết ngỏ cùng ai khi cô phải gồng gánh "trách nhiệm kép" đối với người thân của chồng. Từ một cô gái vô tư, sống hoạt bát, năng động, Trang biến thành một người vợ lúc nào cũng nặng gánh lo toan mà không hề được ai ghi nhận.

Bố mẹ chồng không khá giả nên kinh tế vẫn cậy nhờ vợ chồng Trang nhiều. Vừa lo làm kinh tế, vừa lo chăm sóc con riêng lẫn con chung, Trang gần như kiệt sức. Ấy vậy nhưng chồng cô không hề thông cảm và chia sẻ với vợ. Anh xem đó là việc đương nhiên cô phải làm. Thậm chí, anh còn kéo cô cùng chung trách nhiệm chăm sóc bố mẹ đẻ của vợ cũ.

Mỗi lần ông bà gặp trái gió trở trời, bên đó lại nhắn anh sang vì "chỉ có anh mới giúp được". Ban đầu Trang nghĩ vì họ là ông bà ngoại của con anh, giúp đỡ họ là chuyện nên làm để gây tình cảm tốt. Cứ nghĩ chồng sẽ chỉ dừng lại ở vai phụ trong việc báo hiếu đó, không ngờ anh lại nặng tình với người cũ mà đảm nhận luôn vai chính.

Mỗi lần cô phản ứng trước việc đó là lập tức bố mẹ chồng cô vào cuộc bênh con trai. Dần dần Trang rơi vào tình trạng phản ứng thì bị mọi người khinh ghét mà đồng tình thì quá sức chịu đựng. Kết quả là cô mắc bệnh trầm cảm nghiêm trọng.

"Quyền" của "người đến sau"

Tại văn phòng tư vấn hôn nhân, anh Mạnh (Từ Liêm, Hà Nội) bức xúc về sự "lạm quyền" của người vợ "tập hai": “Cô ấy cấm tôi không được qua lại nhà vợ cũ, không được thăm hỏi người thân của vợ cũ khi ốm đau, mỗi lần sang thăm con phải có cô ấy đi cùng, tất cả đồ đạc trong nhà lẫn quần áo trước đây của tôi cô ấy bắt phải bỏ đi.

Thậm chí tiền cấp dưỡng hàng tháng cho con sau khi ly hôn, tôi cũng phải đưa theo ý của cô ấy. Khi mới cưới về sống cùng với bố mẹ chồng, một vài lần bị họ chê bai không bằng con dâu trước thế là cô ấy đùng đùng bắt tôi chuyển ra ngoài sống riêng nếu không thì ly hôn. Vì không muốn đổ vỡ thêm một lần nữa nên tôi nín nhịn, không ngờ càng ngày cô ấy càng lạm quyền hơn”.

Còn chị Tú (Hà Đông, HN) cũng không giấu nổi bất bình: “Khi tôi về làm vợ "tập hai" của anh ấy, mẹ chồng tôi tuyên bố tôi không có quyền gì trong khối tài sản mà của vợ cũ và anh ấy có trước đây (vợ cũ anh mất vì bệnh hiểm nghèo) và tài sản đó chỉ một mình con riêng của anh được hưởng sau này.

Sau 10 năm chung sống, tôi không thể tiếp tục cuộc sống làm người giúp việc hơn là làm vợ nên đã quyết định ly hôn. Đến lúc này, anh ấy bảo tôi phải ra đi tay trắng vì từ ngày lấy nhau đến giờ tôi chẳng đóng góp tiền của mua sắm thêm được thứ gì nên không có quyền đòi chia tài sản”.

Chuyên gia tâm lý Thanh Tùng (Trung tâm tư vấn HNGĐ) cho rằng, đa số những người làm vợ "tập hai" đều chịu nhiều thiệt thòi và áp lực trong cuộc sống với gia đình chồng. Ngoài ra, với tâm lý là người đến sau, họ phải đối mặt với quá khứ của chồng, nặng gánh trong trách nhiệm nuôi dưỡng con riêng, con chung... nếu như người chồng không hiểu được khó khăn này của vợ để chia sẻ, thông cảm thì vô tình tạo thêm áp lực cho vợ.

Một số người sẽ tìm đến những hành động "tự bảo vệ mình" giống như tình trạng "lạm quyền" mà anh Mạnh nêu trên. Để cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, người chồng ngoài việc làm tốt vai trò của mình còn phải đủ tinh tế để không làm vợ tổn thương, mang nặng mặc cảm là người đến sau.

Ngoài ra việc người chồng cho rằng khi vợ là "tập hai" thì không có quyền can thiệp vào quá khứ cũng như quyền được hưởng, sử dụng tài sản của chồng là hoàn toàn sai lầm. Theo luật sư Nguyễn Bích Lan (Văn phòng luật sư số 5 HN) thì Pháp luật quy định, vợ chồng có tài sản chung và người vợ hoàn toàn có quyền được hưởng số tài sản chung đó theo luật định. Sau khi kết hôn, người vợ ở nhà nội trợ chăm con vẫn được xem là người góp phần tạo lập tài sản chung, chứ không hoàn toàn là người “vô sản” như một số người vẫn nghĩ.

Theo Phụ nữ Thủ đô
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem