Lần đầu tiên người dân được nghe Quốc hội bàn về khiếu nại, tố cáo

Ngọc Lương (thực hiện) Chủ nhật, ngày 22/10/2017 14:47 PM (GMT+7)
“Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV có điểm mới là phiên thảo luận về báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được truyền hình, phát thanh trực tiếp; điểm mới thứ hai là có thêm báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc giải quyết khiếu nại, tố cáo”, bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói khi trao đổi với PV Dân Việt.
Bình luận 0

img

Bà Nguyễn Thanh Hải. (Ảnh Đàm Duy)

Bà Nguyễn Thanh Hải cho biết: Theo thông lệ, từ trước tới nay, Chính phủ cũng có báo cáo về giải quyết khiếu nại, tố cáo do Tổng Thanh tra Chính phủ trình bày, sau đó có báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV có điểm mới là phiên thảo luận về báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được truyền hình, phát thanh trực tiếp; điểm mới thứ hai là có thêm báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ yếu tập trung vào việc giải quyết đơn, thư do công dân gửi đến Quốc hội. Sau đó, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các cơ quan của Quốc hội chuyển đến các cơ quan chức năng và giám sát việc giải quyết.

Có thể nói, người dân ngày càng tin tưởng vào Quốc hội, chính vì thế lượng đơn thư khiếu nại của công dân gửi đến ngày càng nhiều, lớn gấp 2-3 lần so với những năm trước.

img

Khiếu nại liên quan đến nhà ở ngày càng xuất hiện nhiều. (ảnh IT).

Thưa bà lần đầu tiên một phiên thảo luận của Quốc hội về báo cáo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được công khai để người dân biết sẽ đem lại ý nghĩa tích cực gì?

- Việc này có ý nghĩa rất tích cực đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Có thể nói, ở quốc gia nào cũng vậy khi kinh tế-xã hội phát triển, đi kèm với đó là cần có quỹ đất để phát triển, để xây dựng khu công nghiệp, hạ tầng…Quá trình đó nhiều người dân sẽ bị thu hồi đất đai. Việc này không thể tránh khỏi những vấn đề như quy trình, thủ tục, định mức đơn giá bồi thường có những điểm chưa phù hợp nên người dân khiếu nại.

Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân từ trước tới nay cũng được Chính phủ và nhiều cơ quan chức năng tích cực giải quyết. Đặc biệt trong năm vừa qua Chính phủ đã tháo gỡ nhiều điểm nóng về khiếu nại. Thủ tướng đã phân công ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ hàng tuần trực tiếp nghe báo cáo về những vụ việc nổi cộm, bức xúc để ra những chỉ thị giải quyết trực tiếp.

Tuy nhiên có thể thấy hiện tượng người dân khiếu nại, tố cáo diễn ra vẫn ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp, có những đoàn khiếu nại đông người. Hiện nay vẫn có những vụ việc từ rất lâu chưa giải quyết xong, dẫn tới sự bức xúc cho người dân.

Tới đây, khi Quốc hội thảo luận về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ phát thanh, truyền hình trực tiếp sẽ giúp người dân hiểu hơn sự nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc giải quyết. Người dân cũng được nghe mổ xẻ để xem trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo còn mắc ở đâu, do hành lang pháp lý còn thiếu hay do quy trình, thủ tục, do vấn đề lịch sử hay do năng lực, trình độ giải quyết của cán bộ còn thiếu, việc bổ sung thế nào…

Khi Quốc hội công khai việc thảo luận về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng sẽ tạo ảnh hưởng tích cực. Tới đây đất nước còn nhiều dự án lớn liên quan đến rất nhiều người dân như Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai), đường cao tốc Bắc-Nam… Nếu như chúng ta quan tâm nhiều đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tìm ra những quy trình, tháo gỡ, những điểm nghẽn thì những dự án sau sẽ ít xuất hiện khiếu nại tố cáo hơn.

Thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội đã nhận đơn khiếu nại, tố cáo của người dân gửi đến thế nào, việc chuyển đơn để cơ quan thẩm quyền giải quyết ra sao thưa bà?

- Trong năm qua có hơn 42 nghìn đơn khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội. Quốc hội có gần 500 đại biểu, tính trung bình mỗi người nhận 80-90 đơn/năm. Trong số hơn 42 nghìn đơn đó, có đến khoảng một nửa là trùng lặp, mạo danh, đơn gửi nhiều lần, đơn không đủ điều kiện để xử lý. Số đơn còn lại, các ĐBQH cũng như các cơ quan của Quốc hội cũng đã tích cực nghiên cứu, rà soát, tham vấn từ các chuyên gia rồi chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Số lượng đơn khiếu nại của các ĐBQH, cơ quan của Quốc hội chuyển đi đã được giải quyết khá cao (trên 50%). Trách nhiệm giải quyết ở các bộ, ngành cũng khẩn trương, đặc biệt là Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã tích cực đôn đốc các địa phương giải quyết những đơn thư, vấn đề được ĐBQH đề cập.

Việc khiếu nại tố cáo vẫn diễn biến phức tạp, qua việc đi giám sát bà có thể cho biết đâu là nguyên nhân thưa bà?

- Trong thời gian vừa qua khi đi giám sát ở một số địa phương, chúng tôi thấy có một số bất cập trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ví dụ như năng lực, trình độ giải quyết của cán bộ trong vận dụng pháp luật, đặc biệt trong việc liên quan đến thu hồi đất đai, việc xác định đơn giá, định mức đền bù trải qua nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ lãnh đạo. Có trường hợp ở giai đoạn này, người dân bị thu hồi đất, được nhận đền bù cao, đến giai đoạn sau tuy mức bồi thường vẫn như thế nhưng do sự trượt giá hoặc lý do khác dẫn tới sự so bì. Trong khi đó cán bộ lại không đủ năng lực, trình độ để giải thích thấu đáo cho người dân hiểu nên dẫn tới nhiều trường hợp khiếu kiện gay gắt, kéo dài.

Qua giám sát chúng tôi thấy việc khiếu nại kéo dài có nguyên nhân là do vấn đề lịch sử để lại, do hành lang pháp lý liên quan đến đất đai, trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện hành cũng có những bất cập. Đoàn giám sát cũng có những kiến nghị.

Trong khiếu nại, tố cáo ngoài vấn đề liên quan đến đất đai còn có thêm vấn đề gì đáng quan tâm không thưa bà?

- Trong khiếu nại, tố cáo nhìn chung là liên quan đến vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng, chiếm khoảng 60-65%. Tuy nhiên, đáng lưu ý trong kỳ này lại xuất hiện khiếu nại liên quan đến nhà ở, chiếm khoảng 10%. Khiếu nại này chủ yếu diễn ra ở các khu chung cư của thành phố, các khu đô thị mới xây dựng. Khi chủ đầu tư, hay đơn vị quản lý tòa nhà không thực hiện những cam kết với người dân, như thiếu khu vui chơi, cây xanh, trường học, chợ…, tòa nhà chưa đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy nhưng đã cho người dân vào ở. Khiếu nại về nhà ở thường liên quan đến đoàn đông người nếu không được giải quyết kịp thời sẽ phức tạp.

Trong năm vừa qua việc chuyển đổi mô hình chợ, từ chợ truyền thống sang các trung tâm thương mại, quá trình đó có thể làm ảnh hưởng đến việc buôn bán của tiểu thương hoặc nhiều khi họ bị kích động, quá khích nên có những đoàn khiếu nại đông người về việc này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem