Lan man những con đường và cây cầu

Thứ bảy, ngày 13/02/2010 23:06 PM (GMT+7)
Nhân nói về cầu, tôi lại nhớ đến cây cầu Vĩnh Tuy của Hà Nội chúng ta thông xe mùa thu năm rồi. Quyết định xây cây cầu Vĩnh Tuy là một chuyện dài...
Bình luận 0
img
Cầu sông Hàn, Đà Nẵng. Ảnh: Đỗ Tuấn

Đám bạn bè tôi nhờ đổi mới, từ thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, được ông khích lệ, chúng tôi cũng hăng hái tập quần vợt. Thế nên giờ này tuy trình độ chỉ vào loại cầu lông mở rộng, nhưng lũ chúng tôi được xếp hạng tay chơi quần vợt chuyên nghiệp hẳn hoi.

Thật quả là may mắn nhờ danh hiệu chuyên nghiệp, có đôi lần chúng tôi được đụng vợt với ông Nguyễn Bá Thanh, khi ông còn là Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng. Đụng vợt với ông, chúng tôi nhận ra ông là người chơi quần vợt nhiệt thành và dâng hiến. Ông không chơi để chơi, càng không chơi để đùa... ông chơi để dâng hiến, để cống hiến. Người xưa bảo cách chơi như thế nào cũng phân hạng đẳng cấp người. Cứ xem ông Nguyễn Bá Thanh chơi quần vợt, chơi cờ tướng nhất định sẽ biết ông hiến dâng, cống hiến như thế nào.

Lâu lắm rồi, dễ chừng hơn nửa một nhiệm kỳ chúng tôi không gặp ông. Bởi mỗi người đi một nẻo trên đường đời dài dằng dặc.

Mới đây, tình cờ lũ chúng tôi gặp ông trên đỉnh Bà Nà. Gặp ông, ngợi khen ông đâu có dễ, chê ông thì được nhưng chớ có vội vàng. Tôi bảo ông, lâu nay tôi mới đến Đà Nẵng thì bị choáng. Ông bảo: Hay là độ cao Bà Nà làm tôi choáng? Cao nhất, dài nhất - cáp treo một dây Bà Nà đã xác lập một kỷ lục ghinét thế giới. Tôi bảo: Không. Cao hay thấp đối với lũ chúng tôi đều như nhau. Ông bà xưa kia đã từng dạy rằng: “Núi cao bởi tại đất bằng...” cấp cao hay cấp thấp chả có nghĩa gì.

Tôi bị choáng bởi tôi nhận thấy những con đường ở Đà Nẵng hiển hiện như vóc dáng người miền Trung từ thời ông Bá Thanh Chủ tịch cho đến ông Bá Thanh Bí thư. Tôi trộm nghĩ, người quản lý thời nào cũng vậy, phải là người mở đường. Không biết mở đường, chỉ biết hỏi... đất nước đã làm gì cho mình thì hỡi ôi!

Ông Bá Thanh đã mở nhiều con đường không chỉ lớn về mặt đường, còn lớn cả hành lang bảo vệ con đường.

Trong lan man câu chuyện về những con đường, tôi chạnh nhớ người mà tôi hay gọi bằng em chú Long Tet - di. Chú ấy cũng đã phóng không biết bao nhiêu con đường trên mảnh đất Việt Nam đau thương và kêu hãnh này. Giá mà hôm nay có Long Tet - di ở đây thì nhất định trên đỉnh cao Bà Nà toàn chuyện những con đường, những cây cầu.

Nhân nói về cầu, tôi lại nhớ đến cây cầu Vĩnh Tuy của Hà Nội chúng ta thông xe mùa thu năm rồi. Quyết định xây cây cầu Vĩnh Tuy là một chuyện dài... Ngày ấy cứu mùa lũ sông Hồng thì Hà Nội phải bắc cầu phao. Bởi cây cầu Chương Mỹ quá tải, có nguy cơ sập. Cây cầu Thăng Long thì quá xa... Cánh lái xe, để tiết kiệm chi phí, cứ nhất quyết đi cầu Chương Dương hoặc cầu phao ở Thanh Trì.

Tình cảnh ấy dẫn đến quyết định của nguyên Chủ tịch TP. Hà Nội (nay là Bộ trưởng Bộ Y tế): Phải xây cây cầu Vĩnh Tuy. Trong trăm ngàn ý kiến khác nhau, người thì bảo không xây cầu Vĩnh Tuy mà nên thực hiện dự án đường 5 kéo dài.

Dự án đường 5 kéo dài có hai điều lợi, tận dụng được cầu Thăng Long, có một quỹ đất đến hàng chục, hàng trăm dự án hai bên đường.Thời nay có gì sinh lời bằng đất dự án. Thế nên người Việt mình thời hiện đại cải lại cái triết lý của cha ông. Chết là ăn đất. Thế mà ngày nay người ta bảo sống được là nhờ ăn đất.

Ông Nguyễn Quốc Triệu là người biết lắng nghe. Vậy mà ông không làm dự án đường 5 kéo dài vào thời buổi ấy. Ông quyết xây cầu Vĩnh Tuy. Cây cầu ấy ngày thông xe dân dụng, chắc ông Nguyễn Quốc Triệu không thể không nhớ tới chú Long Tet-di đã làm những gì cho cây cầu được xây bằng tiền của người dân Hà Nội. Được để cho mọi người ở nước Việt Nam mình và bạn bè quốc tế đến cái lõi của Thăng Long - Hà Nội, cái cốt cách của Thăng Long - Hà Nội bằng con đường gần nhất, khang trang nhất.

Lan man về cây cầu và những con đường ông Bá Thanh, lại muốn kể một chuyện vui. Có một viên quan đại thần được nhà vua ở một xứ sở lạ gọi lên: “Ta cho nhà người ba điều ước”. Viên quan đại thần thưa: “Làm đường”. Nhà vua bảo: “Gì nữa?” Viên quan đại thần thưa: “Làm đường”. Nhà vua cáu lên bảo: “Còn gì nữa?” Viên quan đại thần lại thưa: “Làm đường”.

Chao ôi! Choáng thật! Triết lý của ông Bá Thanh giống như củ khoai củ sắn! Thế mà không phải ai cũng hiểu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem