Lan tỏa nghĩa nước, tình đồng bào

Gia Tưởng Thứ năm, ngày 18/04/2024 10:30 AM (GMT+7)
Khu di tích tâm linh Đền Hùng tại xã Hy Cương, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, hàng năm đón cả triệu đồng bào và du khách về với Tổ.
Bình luận 0

Ở đó có những con người thầm lặng đang ngày đêm phục vụ tiếp đón con em người Việt khắp năm châu bốn bể về chiêm bái. Đó là những nhân viên ở Ban Quản lý Đền Hùng mà không phải ai cũng biết tới.

Xúc động mỗi khi nhắc tới các Vua Hùng

Cận đến ngày Giỗ Tổ, đội hướng dẫn của khu di tích Đền Hùng ai cũng bận lắm, vì có quá nhiều đoàn khách yêu cầu được nghe thuyết minh để hiểu thêm về những giá trị mà các đời Vua Hùng để lại cho con cháu. 

Chị Nguyễn Thị Vân Anh (43 tuổi) – Tổ trưởng tổ thuyết minh khi trò chuyện với chúng tôi mà giọng vẫn còn chút khàn khàn, bởi hiện tượng dây thanh quản phải làm việc quá công suất. 

Chị Vân Anh chia sẻ: "Em ra trường là vào đây làm hướng dẫn viên luôn, cũng đã gần 20 năm em được nói về Tổ, cho hàng trăm đoàn khách về Đền Hùng hành hương, từ các bác lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những người nông dân, hay kiều bào ta ở người ngoài… Nhưng em vẫn nhớ như in lần em thuyết minh cho một đoàn nông dân ở tỉnh Hà Nam lên, các bác ấy đều là cựu chiến binh tham gia quân đội từ 1954. 

Khi nghe hướng dẫn viên thuyết minh về Đền Hùng và những công trình được tôn tạo, rất nhiều bác trong đoàn đã bật khóc và nói rằng: "Ngày trước trong quân ngũ đã được các đồng chí chính trị viên giảng dạy về Đền Hùng nhiều rồi, nhưng nay được về đất Tổ mới hiểu thêm về ý nghĩa cuộc nói chuyện của Bác Hồ với cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 308 vào sáng 19/9/1954 mà thấy linh thiêng hơn". Có bác đã ghi vào trong sổ vàng lưu niệm: Về tới Đền Hùng mới hiểu thêm được tổ tiên người Việt mình. Mong sớm được quay lại Đền Hùng nhiều lần nữa".

Lan tỏa nghĩa nước, tình đồng bào- Ảnh 1.

Đoàn đại biểu thanh, thiếu niên kiều bào hành hương về đất Tổ năm 2023. Ảnh: V.N.N

Rất nhiều bạn còn lấy cả nước ở Đền Giếng, đất ở núi Nghĩa Lĩnh để mang sang châu Âu, châu Mỹ, nơi các bạn được sinh ra và lớn lên… Như vậy, để thấy được dù ở đâu thì mình vẫn tự hào là người Việt, có tổ tiên là các Vua Hùng…

Chị Vân Anh nhớ lại giây phút những cựu chiến binh đáng tuổi ông mình khi nghe thuyết minh đã không cầm được nước mắt, còn chị cũng phải mấy lần ngừng nói, lấy khăn lau nước mắt vì xúc động khi cảm nhận được tình cảm của các cựu binh.

Theo chị Vân Anh, trong công việc vinh dự của mình được nói về tổ tiên Hùng Vương, chị cũng nhớ những lần được thuyết minh cho các tân Đại sứ của Việt Nam. Các cô chú, anh chị được Chủ tịch Nước trao quyết định làm đại sứ ở các nước, trước khi lên đường đều có một buổi về với Tổ, để được nghe, tìm hiểu và thấm nhuần hơn nữa về tinh thần của người Việt. Rất nhiều các đại sứ khi có dịp về nước thì họ đều quay lại với quần thể di tích Đền Hùng. Từ đây tâm thể của dân tộc Việt cũng được các đại sứ thể hiện khi làm nhiệm vụ tại các quốc gia trên thế giới, cũng như trong thâm tâm họ có một sự kết nối với tổ tiên ở trong nước khi họ làm việc ở xa Tổ quốc mình.

Cũng trong một dịp được tham gia hướng dẫn cho thanh niên kiều bào, chị Vân Anh vẫn nhớ các bạn trẻ sinh những năm 2000 hòa mình vào những điệu múa xoan, hay thích thú khi nghe đánh trống đồng. Rất nhiều bạn còn lấy cả nước ở Đền Giếng, đất ở núi Nghĩa Lĩnh để mang sang châu Âu, châu Mỹ, nơi các bạn được sinh ra và lớn lên… Như vậy, để thấy được dù ở đâu thì mình vẫn tự hào là người Việt, có tổ tiên là các Vua Hùng và luôn có đất nước, quê hương hiện hữu ở bên cạnh mình.

Chăm sóc và bảo quản tốt nhất khu tâm linh Đền Hùng

Lan tỏa nghĩa nước, tình đồng bào- Ảnh 2.

Chị Vân Anh - Tổ trưởng Tổ hướng dẫn Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Ảnh: G.T

Ông Lê Trường Giang - Giám đốc Ban quản lý Đền Hùng chia sẻ, đơn vị có 235 cán bộ công nhân viên. 

"Chúng tôi luôn ý thức được nhiệm vụ của chúng tôi là luôn phải chăm sóc bảo quản và phát huy tốt nhất khu tâm linh Đền Hùng, vì đây là nơi thờ tự các Vua Hùng đã có công dựng nước, tổ tiên của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nơi in đậm dấu tích di sản văn hóa từ thời đại Hùng Vương dựng nước với những câu chuyện truyền thuyết lịch sử, các di chỉ khảo cổ và các di tích đền, đài, lăng, tẩm thờ tự các Vua Hùng" – ông Hùng tâm sự.

Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, các di tích tín ngưỡng được các triều đại và nhân dân gìn giữ, hương khói phụng thờ, đã trở thành nơi hội tụ văn hóa tâm linh, tín ngưỡng thể hiện đạo lý truyền thống, sự tri ân công ơn của các Vua Hùng, là nơi hội tụ khối đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. 

Các di tích Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Đền Giếng, đền Tổ Mẫu Âu Cơ, đền Quốc tổ Lạc Long Quân và nhiều công trình văn hóa khác được tôn tạo ngày càng khang trang, quy củ, thuận lợi phục vụ đồng bào cả nước và nước ngoài về thăm viếng tổ tiên. Bảo tàng Hùng Vương với hàng nghìn hiện vật, tài liệu khoa học được lưu giữ và trưng bày thuộc các giai đoạn thời kỳ đầu dựng nước của dân tộc Việt Nam.

Với những giá trị độc đáo riêng có và nổi bật toàn cầu, "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là những di sản tiềm năng, có giá trị to lớn thuận lợi cho việc phát triển du lịch tâm linh trở về với cội nguồn dân tộc. 

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 trên tổng diện tích phê duyệt 845 ha thuộc các xã, phường gồm: Hy Cương, Chu Hóa và Vân Phú (TP.Việt Trì); Tiên Kiên (huyện Lâm Thao) và Phù Ninh (huyện Phù Ninh). 

Mục tiêu của quy hoạch nhằm bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của Khu di tích lịch sử Đền Hùng; định hướng kế hoạch tổng thể quản lý và đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Quy hoạch tạo lập các không gian tưởng niệm, tôn vinh các Vua Hùng và các bậc tiền nhân thời đại Hùng Vương, để Khu di tích lịch sử Đền Hùng là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc, điểm du lịch về với cội nguồn dân tộc đặc biệt hấp dẫn; tổ chức hệ thống hạ tầng phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và tôn tạo khu di tích…

Cán bộ, người lao động Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã và đang nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá những giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của Di tích lịch sử đền Hùng, của thời đại Hùng Vương và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem