Nghề mới của làng chài
Gia đình ông Trần Quang Vinh - Phó Trưởng thôn Tân Phong, là 1 trong 50 hộ được chuyển lên bờ định cư sớm nhất (năm 2007). Chỉ tay xuống dòng sông còn lác đác vài chiếc thuyền neo đậu sát bờ, nơi mà trước đây còn là tổ ấm của gia đình mình, ông Vinh bảo: “Gần một đời vất vả mưu sinh trên sông nước, tôi không biết sống chết lúc nào. Năm 2007, nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, mỗi hộ dân làng chài được cấp 115m2 đất ở và hỗ trợ 5 triệu đồng để xây nhà, nên chúng tôi mới có cơ hội được lên bờ, giã từ đời sống lênh đênh sông nước”.
|
Một góc làng chài Tân Phong. |
Cũng theo ông Vinh, để không phụ lòng quan tâm của các cấp chính quyền, người dân làng chài Tân Phong đã giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế bằng nghề nuôi cá lồng, bè trên sông. Bà con trong thôn chủ yếu nuôi cá ké, cá lăng… Đây là loại cá đang được thị trường rất ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao, với 250.000-300.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Văn Đức - một người dân nuôi cá trong thôn Tân Phong kể: Ba năm về trước, khi chưa có nhà trên bờ, gia đình anh sống bằng nghề chài lưới trên sông, thỉnh thoảng thả lưới bắt được vài con cá ké nhỏ, nhưng bán chẳng ai mua nên anh bỏ vào lồng dưới nước nuôi.
|
Ông Trần Quang Vinh bên lồng cá ké, cá lăng của gia đình. |
Thấy cá lớn nhanh, giá trị kinh tế cao, anh Đức đã tìm hiểu về loài cá này và bắt tay vào gia cố lồng, bè rồi tìm mua thêm giống mang về nuôi. Sau khoảng hơn một năm, khi thu hoạch, lồng cá của anh bán được vài triệu đồng.
Thấy gia đình anh Đức nuôi cá ké, cá lăng có lãi cao, bà con trong thôn cũng đầu tư lồng, bè để nuôi 2 loại cá này. Hiện nay, làng chài Tân Phong đã có vài chục hộ phát triển nghề nuôi cá ké và cá lăng.
Chưa trọn niềm vui
Nhờ nuôi hai loại cá ké, cá lăng có giá trị kinh tế cao nên nhiều hộ dân làng chài Tân Phong đã và đang vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều hộ đang trong tình trạng thiếu việc làm. Bởi họ không có vốn làm ăn và không có đất sản xuất.
Năm 2007, nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, mỗi hộ dân làng chài được cấp 115m2 đất ở và hỗ trợ 5 triệu đồng để xây nhà.
Bà Nguyễn Thị Nho (50 tuổi) tâm sự: “Mấy năm trước, gia đình tôi được Nhà nước cấp đất ở và hỗ trợ 5 triệu đồng để làm nhà ở. Sống dưới thuyền bao nhiêu năm không tích cóp được đồng nào, vợ chồng tôi phải đi vay thêm ngân hàng “người nghèo” được 10 triệu đồng mới có đủ tiền dựng nhà để ở. Lên bờ là một niềm vui, là một cuộc đổi đời thật đấy, nhưng không có đất sản xuất, thiếu việc làm đang là vấn đề nan giải của bà con”.
Còn chị Lê Thị Nguyện (33 tuổi) không giấu được những âu lo: “Từ khi được lên bờ, chúng tôi đều đi làm thuê như phụ hồ, bẻ bắp, chặt mía… mỗi ngày cũng kiếm được vài chục nghìn, nhưng nay có, mai không. Nhà có 6 người, các cháu cũng đã lớn cả, nhưng chẳng đứa nào theo học hết cấp 2 vì phải xúm vào đi làm kiếm tiền cùng bố mẹ. Cái khó nhất là không có đất sản xuất, không có nghề ổn định, nên cuộc sống vẫn chưa thể thoát cảnh khó khăn được”.
Thế Lượng - Thùy Liên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.