Làng cổ Thăng Long trên đảo Hà Nam

Nguyễn Quý Thứ hai, ngày 15/02/2021 07:00 AM (GMT+7)
Ít ai ngờ rằng, ở một vùng cửa biển xa xôi, bao quanh là sông ngòi và rừng ngập mặn, cách thủ đô gần 200km về phương Bắc, lại có một vùng đảo do người Thăng Long đến khai phá, lập nghiệp từ 600 năm trước.
Bình luận 0

Người Thăng Long xuôi thuyền xuống biển

Cho đến bây giờ, nhiều người dân đảo Hà Nam (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) vẫn tự hào về nguồn gốc kinh kỳ của mình. Ông Nguyễn Quang Dự - người đã có 20 năm làm Trưởng ban quản lý đình và miếu phường Yên Hải (thị xã Quảng Yên), dù đã 82 tuổi, nhưng bước đi còn chắc nịch, giọng trầm vang: "Đảo Hà Nam xưa kia là một bãi triều lớn ở cửa sông Bạch Đằng. Khi nước triều lên, cả bãi bồi ngập nước mênh mông, âm u rừng sú vẹt".

Tuổi già, nhiều thứ có thể quên đi, nhưng ông Dự "khắc cốt" từng điển tích, biến cố của vùng đảo Hà Nam, đặc biệt là làng Yên Đông - nơi các cụ thủy tổ dòng họ Nguyễn của ông từ Thăng Long đến khai phá.

Làng cổ Thăng Long trên đảo Hà Nam - Ảnh 1.

Theo bia ký, gia phả họ Nguyễn Thực, Nguyễn Nghệ - là gia phả sớm nhất ở phường Yên Hải viết lại vào thời Cảnh Hưng (1740-1786), khoảng từ năm 1434 đến 1500, có 17 tiên công quê ở phường Kim Hoa (nay là phường Kim Liên), huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, thành Thăng Long (Hà Nội) cùng gia đình xuôi theo dòng sông Hồng ra cửa sông Bạch Đằng tìm kế mưu sinh. Lúc đầu họ sinh sống trên thuyền bằng nghề đánh bắt tôm cá, dãi chài. Vào một đêm, họ lên trú ở một gò nổi của bãi triều, nghe thấy tiếng ếch nhái kêu, biết nơi này có nước ngọt, các tiên công đã cùng gia đình bèn quyết định dừng lại ở đó khẩn hoang đất đai, cải tạo thành ruộng lúa, lập làng. Ban đầu lập nên phường Bồng Lưu, sau đổi thành xã Phong Lưu gồm ba thôn: Phong Cốc, Cẩm La, Yên Đông. Hiện nay, cách di tích miếu Tiên Công chừng 1.000m về phía Tây vẫn còn dấu tích của hồ nước ngọt xưa, nhân dân gọi là Hồ Mạch…

Làng cổ Thăng Long trên đảo Hà Nam - Ảnh 2.

Một cụ Thượng được rước lên miếu Tiên Công vào ngày hội mùng 7 tháng Giêng. Ảnh: Nguyễn Quý

Các vị tiên công là những người lao động, những kẻ sĩ, sống chủ yếu bằng canh tác nông nghiệp và đánh cá ven hồ, ven sông Kim Ngưu ở Thăng Long, nhưng cũng có những người có trình độ học vấn cao. Theo bằng sắc Khải Định thứ 9 (1925), các tiên công khi mới đặt chân xuống đây đã có 5 người là Quốc Tử giám sinh và 3 người đỗ Hiệu sinh. Sau này (từ năm 1434 - 1442), còn 3 nhóm tiên công khác đến vùng đất này khai canh, trừ nhóm tiên công Đỗ Độ và Đào Bá Lệ lập nên xã Lưu Khê là chưa rõ quê quán, còn lại ba nhóm tiên công (21 vị) đều có gốc gác Thăng Long thành.

Qua gần 600 năm (1434 – 2020), vùng đất bãi triều hoang vu thời Hậu Lê nay đã trở thành một vùng quê trù phú. Chúng tôi qua cầu Sông Chanh, đi dọc các xã, phường từ Nam Hòa, Hải Yến, Yên Hải, Phong Cốc, Cẩm La, Trung Bản rồi lại vòng xe đi con đường đê bao quanh đảo tới các xã xa trung tâm như Tiền Phong, Liên Vị. Bao quanh những mảnh ruộng, những cánh đồng, làng mạc là 34km đê biển kiên cố. Vòng ngoài đê là hàng trăm ha sông ngòi, đầm nước lợ nuôi trồng thủy sản.

Ông Dự tự hào: "Ở lĩnh vực nào người Hà Nam cũng thể hiện được sự tháo vát. Từ vận tải sông biển, thợ nề, thợ mộc, đan lát, đến dạy học, buôn bán....".

Làng cổ Thăng Long trên đảo Hà Nam - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Huy Đông (xóm Đông Thượng, phường Yên Hải) trân trọng lưu giữ tấm sắc phong của vua Duy Tân. Ảnh: N.Q

Để tưởng nhớ công ơn các tiên công, nhân dân toàn xã Phong Lưu, đảo Hà Nam đã lập miếu ở thôn Cẩm La để thờ 17 tiên công gồm 15 vị là những người đầu tiên quai đê lấn biển lập nên ba thôn, và 2 tiên công là những người đã khai canh lập nên làng Trung Bản, sau sáp nhập vào xã Phong Lưu thành nhất xã, tứ thôn.

Gia tài văn hóa trên đảo Hà Nam

Ngoài gia tài là vùng đất màu mỡ nơi cửa biển, các vị tiên công còn để lại cho người Hà Nam một gia tài khác, đó là di sản văn hóa. Có thể nói, người Hà Nam - từ đứa trẻ nhỏ mới chào đời đã được bao bọc bởi những lễ nghi, phong tục. Từ lễ "đoạn cữ" (đứa trẻ được 3 tháng 10 ngày tuổi thì được cho là hết cữ), đến khi già yếu rồi chết đi..., người Hà Nam có rất nhiều tục, lệ trong lễ nghi, tang ma, cưới xin, trong ứng xử với thiên nhiên và cộng đồng làng xóm - chúng có nguồn từ thuở xa xưa ở Thăng Long thành, giờ vẫn còn nguyên vẹn.

Đó là lý do tại sao tuy là vùng quê làng đảo, nhưng Hà Nam còn lưu giữ được tới 130 di tích lịch sử và văn hóa như hệ thống đình chùa, đền miếu, nhà thờ tổ các dòng họ, trong đó đã có 30 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh.

Hàng năm, dịp từ ngày mùng 4 đến 7 tháng Giêng là lúc người dân nơi đây bận rộn nhất, lo việc tế tổ được tổ chức vào ngày mùng 4. Con cháu khắp nơi trở về, dâng lễ vật đến từ đường để kính cáo với tiên công và tổ tiên đã ban phúc ấm... 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem