Làng "cội nguồn của nón lá" 500 năm ven bờ sông Đáy

Mộc Kiều Chủ nhật, ngày 07/11/2021 19:30 PM (GMT+7)
Chiếc nón lá thân quen với người phụ nữ Việt Nam bao đời nay tưởng chừng như dễ làm, nhưng về làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội) nơi tổ nghề của nón lá mới thấy nhiều công đoạn tỉ mẩn đến mức nào.
Bình luận 0

Hành trình đến với làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội) rất dễ dàng. Du khách từ Hà Nội có thể men theo đê sông Đáy hoặc đi quốc lộ 21B khoảng 15km từ Hà Đông xuống là sẽ đến với "xứ sở" nón lá làng Chuông.

Làng Chuông - nơi sản sinh ra những chiếc nón lá Việt Nam

Làng Chuông nằm bên bờ sông Đáy, con sông hiền hòa cung cấp nước cho phía tây nam tỉnh Hà Tây (cũ) rộng lớn để người dân tưới tiêu, sản xuất. Đôi bờ sông Đáy, có rất nhiều làng nghề nổi tiếng thể hiện bàn tay khéo léo của người thợ, trong đó có nghề làm nón làng Chuông truyền thống.

Nghề làm nón ở làng Chuông đã có cách đây trên dưới 500 năm. Vào thời xa xưa do không nhiều người dùng nón, giao thương hạn chế nên người dân chỉ làm để phục vụ tại chỗ, mãi đến đầu những năm của thế kỷ XX, ông Hai Cát, một người dân làng nay đã gần 90 tuổi mang nón Xuân Kiều về làng sản xuất thay thế các loại nón cổ thì nghề từ đó mới phát triển.

Làng "cội nguồn của nón lá" 500 năm ven bờ sông Đáy - Ảnh 1.

Lá cọ tươi được phơi ở mọi nơi trong làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội). Ảnh: Mộc Kiều.

Làng Chuông là một làng cổ nên khá rộng và đông dân. Làng có tất cả 6 xóm, xóm nào cũng có quá nửa hộ gia đình làm nghề, trẻ có, già có, phụ nữ có và rất nhiều đàn ông, thanh niên làng cũng tham gia sản xuất nón. Nghề làm nón giúp kết nối các thành viên trong gia đình với nhau, thắm đượm tình làng nghĩa xóm dưới bóng tre trưa hè.

Đến với làng Chuông, du khách có thể tận mắt chứng kiến và làm thử nón, đó là một nét văn hóa chứ không có mục đích thương mại nên dân làng không ai giấu nghề. Nguyên liệu chủ yếu để làm nên chiếc nón lá là lá cọ được lấy từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị…, chỉ và khung nón làm bằng nan tre có tại địa phương.

Chia sẻ với PV Dân Việt, bà Lê Thị Bờ, một người có nhiều năm làm nón cho biết: Lá cọ tươi rất nặng vì chứa nhiều nhựa nên người làm phải phơi ít nhất 3 nắng to để hơi nước bốc hơi rồi mới đưa vào sản xuất. Bước tiếp theo là sơ chế lá mà người dân gọi là quay lá để lá mềm và dẻo hơn. 

Sau đó, cần sấy khô lá và lấy khăn ướt ủi cho phẳng rồi tiếp tục mang đi phơi lần cuối mới hoàn thành phần sơ chế lá. Lúc này lá cọ tươi sẽ chuyển từ màu xanh sang màu vàng óng.

Làng "cội nguồn của nón lá" 500 năm ven bờ sông Đáy - Ảnh 2.

Trẻ nhỏ người già thường tập trung làm nón làng Chuông. Ảnh: Mộc Kiều.

Muốn làm được nón đẹp trước tiên phải có khung chắc chắn. Khung thường được làm bằng nan tre, nguyên liệu thường có sẵn ở hai bên bờ sông Đáy. 

Người thợ cần quấn đủ 16 vành trong xếp tầng từ trên xuống dưới theo một kích thước nhất định. Sở dĩ chọn số 16 là vì theo quan niệm xưa, nón lá dùng cho con gái đội mà con gái tuổi 16 là tuổi trăng tròn đẹp nhất trong đời, có tâm hồn thanh khiết nhất. Các bước tiếp theo là khâu lá vào khung và đan nhôi nón.

Cái tài của người thợ làng Chuông là các múi nối sợi móc được giấu kín nên khi nhìn vào chiếc nón chỉ thấy tăm tắp những mũi khâu mịn màng. 

Sợi móc len theo từng mũi kim qua 16 lớp vòng thì chiếc nón duyên dáng đã hình thành. Khi chiếc nón được khâu xong, người thợ hơ bằng hơi diêm làm cho màu nón trở nên trắng muốt và giúp nón không mốc. Cẩn thận hơn có thể quét dầu bên ngoài giúp nón bóng, đẹp và bền lâu.

Trong lúc khâu nón, các cô gái làng Chuông trang trí cho chiếc nón đẹp hơn bằng cách dán vào lòng nón những hình hoa lá bằng giấy nhiều màu sắc. 

Tinh tế hơn, là dùng chỉ màu khâu giăng mắc ở hai điểm đối diện trong lòng nón để từ đó có thể buộc quai nón bằng những giải lụa mềm mại, đủ màu sắc, làm tôn thêm vẻ đẹp khuôn mặt các cô gái dưới vành nón.

Làng "cội nguồn của nón lá" 500 năm ven bờ sông Đáy - Ảnh 3.

Máy quay lá giúp lá làm nóng làng Chuông mềm và dẻo hơn. Ảnh: Mộc Kiều.

Giữ "hồn" nghề, đưa nón lá làng Chuông vươn xa hơn

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong một lần đến thăm làng Chuông, khảo sát quy trình làm nón đã có hai câu thơ nói về công đoạn làm nón rất trữ tình:

"Bàn tay xây lá, tay xuyên nón Mười sáu vành, mười sáu trăng lên"

Ngoài nón lá truyền thống hình chóp, làng Chuông hiện nay còn làm nhiều loại nón độc đáo khác rất bắt mắt và thu hút khách du lịch đó là nón quai thao, nón Thái…đó đều là những sản phẩm sáng tạo của cư dân nông nghiệp làm nên nét văn hóa Việt Nam, hay một số mẫu nón có nguồn gốc từ nơi khác như nón Lâm Xung, nón mũ cối…

Làng "cội nguồn của nón lá" 500 năm ven bờ sông Đáy - Ảnh 4.

Nghệ nhân làm nón làng Chuông Phạm Trần Canh. Ảnh: Mộc Kiều.

Mỗi buổi chiều, bà con trong làng thường tập trung dưới các gốc cây cùng nhau làm nón. Đây không chỉ đơn thuần là công việc mưu sinh nữa mà còn là chỗ sinh hoạt văn hóa tinh thần và là nơi để các cao nhân truyền nghề nón lá lại cho con cháu.

Nón làng Chuông từng được mang đi triển lãm tại nhiều nơi trong và ngoài nước. Đặc biệt sản phẩm này thường được giới thiệu ở các sân bay quốc tế như một biểu tượng văn hóa Việt Nam.

Theo nghệ nhân Phạm Trần Canh, người có công rất lớn vào việc phát triển nghề làm nón làng Chuông và phục chế các mẫu nón cổ thì làm nón không chỉ là một nghề mà còn là một nét đẹp văn hóa. 

Làng "cội nguồn của nón lá" 500 năm ven bờ sông Đáy - Ảnh 5.

Sản phẩm nón lá làng Chuông. Ảnh: Nguyễn Bình.

Hiện nay, nghệ nhân Canh đã già yếu, ước mơ của ông là nghề làm nón lá của làng sẽ sống mãi, vừa là một nghề, vừa là một nét đẹp văn hóa thu hút khách du lịch thập phương giúp đời sống bà con nhân dân ổn định hơn.

Chủ tịch UBND xã Phương Trung ông Phạm Việt Hùng cho biết, hầu hết các hộ ở làng Chuông đều làm nón, giải quyết được việc làm cho người dân lúc nhàn rỗi. Hiện nay, giá mỗi chiếc nón lá trên thị trường từ 30.000 đến 40.000 đồng, nón lụa cách tân thì 150.000 đến 200.000 đồng. 

Ngoài ra, làng nghề còn thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan. Để phát triển nghề làm nón lá, trong thời gian tới xã sẽ cùng các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ để xây dựng các sản phẩm nón lá đạt tiêu chuẩn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhằm phát huy hết giá trị của làng nghề, sản phẩm, đem lại nguồn thu kinh tế cao hơn cho người thợ nón.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem