Làng Cù Lần trước hay săn bắt con cu li có gì mà đắm say!

Thứ hai, ngày 27/01/2020 06:30 AM (GMT+7)
Ở vùng Nam Tây Nguyên, bất cứ một địa danh như dòng thác, hồ nước, ngọn núi… đều được gắn với một truyền thuyết, hoặc một câu chuyện đầy thi vị. Cái tên làng Cù Lần (thuộc thôn Suối Cạn, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) cũng gắn với một câu chuyện tình rất liêu trai và đậm chất lãng mạn.
Bình luận 0

img

Giờ đây, làng Cù Lần với những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc K'ho rất thích hợp với những ai yêu thiên nhiên thanh bình, tĩnh lặng, muốn tìm một không gian sống chậm để "nhấm nháp" cuộc sống, nghỉ ngơi trong khu nhà gỗ tiện nghi giữa rừng hoa, hay cắm trại qua đêm dưới ánh lửa bập bùng…

Huyền thoại lãng mạn về làng Cù Lần

Xe chạy từ trung tâm TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đi theo hướng suối Vàng suối Bạc hay còn gọi là đường Đông Trường Sơn khoảng 20km, qua những con đèo cua tay áo len lỏi trong những vạt nắng Tây Nguyên xuyên rừng thông cổ thụ là đến được ngôi làng xinh xắn, nằm lọt thỏm giữa rừng thông dưới chân núi Langbiang. Đó là làng Cù Lần.

img

Khách du lịch nước ngoài thích thú với cầu thang có bộ ngực phụ nữ bắt lên nhà sàn.

Tò mò về tên gọi làng Cù Lần, hỏi người dân thôn Suối Cạn thì được biết người ta có nhiều cách giải thích về tên gọi này, nhưng cách mà các bậc cao niên kể vẫn được lưu truyền rộng rãi và thú vị nhất.

Chuyện rằng, vào những năm đầu của thế kỷ XX, có chàng trai dưới đồng bằng lên núi, vào rừng với ước mơ nhặt đá xây thành một thiên đường giữa rừng để tặng người mình yêu. Có lẽ thời đó, ước mơ và cách làm có phần khờ khạo ấy đã khiến người đời gọi chàng trai này là thằng Cù Lần.

Lời đồn đại về thằng Cù Lần nhặt đá xây thiên đường trên núi cao, giữa rừng sâu cuối cùng truyền đến tai người con gái đã chiếm trọn trái tim chàng bấy lâu. Cô gái biết tin liền bỏ phố, lặn lội lên núi, vừa cảm động trước tình yêu chân thành của Cù Lần vừa choáng ngợp trước vẻ đẹp của thiên nhiên núi rừng hoang dã.

Sau đó, cô gái đã nguyện cùng người yêu xây tổ uyên ương, lập nghiệp, khai mở ra ngôi làng bên bờ suối vắng, giữa thung xanh, giữa rừng hoa dại như chàng trai từng mơ ước. Từ đó, người đời đặt tên làng Cù Lần.

img

Làng Cù Lần tái hiện sự thuần khiết của làng quê Việt Nam.

Nhưng có một cách lý giải khác về tên gọi làng Cù Lần nghe có vẻ khoa học và hợp lý hơn. Đó là ngày xưa ở đây còn hoang sơ nên đã trở thành nơi sinh sống của con cù cần, những con thú hiền lành dễ thương với đôi mắt to tròn tuyệt đẹp.

Chúng thường bị đe dọa nên chỉ biết cuộn tròn lại, dùng hai tay che kín đôi mắt để tự vệ. Ngoài ra, ở đây còn có rất nhiều cây cù lần. Đó là một loài dương xỉ, gốc liền củ hình dáng gồ ghề, đầy lông nâu óng ánh có tác dụng cầm máu. Vậy nên người dân đặt tên là làng Cù Lần.

Đến khoảng những năm 60 của thế kỷ XX, đồng bào dân tộc K'ho ở đây khai thác cây cù lần và bắt những con cù lần để nuôi hay bán cho khách thập phương nên ngôi làng này được biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên hiện nay, con cù lần cuối cùng - biểu tượng của làng Cù Lần, đã phải rời đi vì lý do bảo tồn.

Tên gọi đúng của con cù lần là cu li. Dân gian lại gọi là con mắc cỡ, bởi theo họ, chúng không dám ngẩng mặt lên nhìn ban ngày vì nhút nhát, sợ hãi. Còn dưới góc nhìn khoa học, cu li có đôi mắt to và độ mở lớn nên có ích trong đêm tối hơn là ban ngày.

img

Đêm xuống núi rừng ở làng Cù Lần như càng lung linh, huyền ảo trong lớp sương trắng và cái lạnh mơ màng từ đỉnh Langbiang huyền thoại.

Vào ban ngày, độ mở lớn của mắt khiến chúng tiếp nhận cường độ ánh sáng nhiều hơn, có thể làm mù lòa, vì vậy chúng thường giấu mắt cuộn vào bên trong cơ thể, ngủ ngày. Hiện cu li đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm trọng nên chúng đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam.

Sau nhiều thập kỷ sinh sống và khai thác, người dân xưa ở làng Cù Lần tản cư tứ xứ. Hình bóng, hồn cốt làng Cù Lần chỉ còn trong sử sách, trong những câu chuyện của các bậc cao niên ở thôn Suối Cạn, trong ký ức của một thế hệ cũ…

"Thuần khiết của làng quê Việt Nam"

Dù làng xưa dần mất đi nhưng may mắn thay, ngôi làng lại có duyên với một người con xứ Quảng, đó là nhạc sĩ Văn Tuấn Anh. Nhạc sĩ Văn Tuấn Anh sinh ra ở Hội An (tỉnh Quảng Nam), tuổi niên thiếu đã một thân một mình vào TP.HCM. Anh học đại học dở dang rồi lăn xả với đủ thứ nghề mưu sinh. Những năm 2000, anh phiêu bạt ở những cánh rừng, bởi đó là một phần đam mê của anh.

Khi đến thôn Suối Cạn, người dân tộc K'ho ở đây cũng cho anh lang thang cùng họ, ăn ngủ cùng họ, uống rượu cần cùng họ và thậm chí kể cho anh rất nhiều câu chuyện về họ. Cũng nhờ đó, khi anh tỏ ý chọn nơi này làm chốn cư lưu, họ đã đồng ý và giúp anh xây dựng làng Cù Lần bây giờ.

img

Những bộ cồng chiêng Tây Nguyên mê đắm du khách.

"Những người K'ho ở nơi này thật tuyệt vời. Họ mến khách, yêu thiên nhiên. Tôi biết ơn họ nhiều lắm. Họ không chỉ giúp tôi những việc thường ngày, mà còn dạy cho tôi biết yêu rừng, yêu thiên nhiên nơi này. Tôi học ở học rất nhiều điều, trong đó có chuyện biết nương vào tự nhiên mà sống. Và hiện nay dù không còn ở làng Cù Lần, họ vẫn luôn sẵn lòng giúp tôi khi tôi cần đến. Có lẽ với họ, đó cũng là sự trở về", nhạc sĩ Văn Tuấn Anh chia sẻ.

Bây giờ, làng Cù Lần rộng khoảng 30ha. Giữa không gian thiên nhiên tuyệt đẹp của núi rừng, làng mang vẻ đẹp hoang sơ với những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc K'ho rất độc đáo. Không khí mát lạnh của cao nguyên Langbiang càng khiến nơi đây dễ dàng trở thành chốn nghỉ dưỡng ưa thích của nhiều khách du lịch.

Tại đây, du khách sẽ được tham quan bằng xe Jeep chênh vênh trên những cung đường đồi núi để ngắm cảnh núi rừng, hồ, thác trên cao; đi bộ trên những chiếc cầu dây cheo leo mắc giữa lưng chừng cây xanh qua suối để thưởng thức hương thơm của núi, của hoa rừng và cảm giác chênh chao với mây trời vần vũ; hoặc chèo thuyền độc mộc ngắm trời xanh, mây trắng giữa hồ nước…

Du khách cũng có dịp chiêm ngưỡng các tác phẩm tượng gỗ độc đáo của núi rừng Tây Nguyên. Ngắm tượng, gợi cho du khách nhiều suy ngẫm về cuộc sống. Và thậm chí, có tác phẩm thật ngộ nghĩnh, hài hước, sinh động bởi yếu tố văn hóa phồn thực như: "Người phụ nữ bồng con", "Người đàn ông vác rìu", hay các loại chim muông, hoa lá... là sự mô tả chân thực về cuộc sống nương rẫy, săn bắn, tập tục, tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các tộc người.

img

Đặc biệt, đêm xuống núi rừng ở làng Cù Lần như càng lung linh, huyền ảo trong lớp sương trắng và cái lạnh mơ màng từ đỉnh Langbiang huyền thoại lan tỏa. Du khách sẽ quây quần bên đống lửa giữa sân để thưởng thức món thịt nướng với rượu cần thơm lựng.

Đây là món ăn và thức uống đặc trưng, nổi tiếng của người bản địa. Và ngất ngây, chếch choáng với men rượu cần hòa cùng giai điệu cồng chiêng đêm Tây Nguyên rạo rực.

"Tôi muốn tái hiện một ngôi làng đẹp, lạc quan, không nghèo khó và rất Việt Nam giữa núi rừng Tây Nguyên. Làng Cù Lần chính là sản phẩm tôi đang thực hiện ước mơ của chính mình. Tất cả những gì đẹp, thuần khiết của làng quê Việt Nam từ xuồng ba lá của miền Tây Nam bộ đến những ngôi nhà sàn đơn sơ của Tây Nguyên…", nhạc sĩ Văn Tuấn Anh chia sẻ.

Chia tay nơi này, chúng tôi phải thở dốc khi leo lên rất nhiều bậc thang nhưng vẫn nhẩn nha mấy câu trong ca khúc "Trái tim Cù Lần" của nhạc sĩ Văn Tuấn Anh: "Anh không biết làm thơ, không hát lời haу có cánh/ Cho anh nói lời уêu như đứa nhà quê thật thà/ Xin em hãу nhận đi xác thân mẹ nuôi khôn lớn/ Xin em hãу nhận đi trái tim mộng mơ… trái tim Cù Lần…".

Vy Ngọc (Báo Phụ nữ Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem